12/07/2019 - 10:12

Sức mạnh từ năng lượng tái sinh 

Vai trò quan trọng của các nguồn năng lượng tái sinh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu một lần nữa được khẳng định trong báo cáo “Triển vọng Năng lượng mới 2019” của công ty nghiên cứu Bloomberg New Energy Finance (BNEF), công bố ngày 10-7.

Một trang trại điện gió ở châu Phi.

Báo cáo dài 121 trang nói trên đã đề cập đến xu thế sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh thay thế dần nhiên liệu hóa thạch và tác động tích cực của nó đối với công cuộc chống biến đổi khí hậu hiện nay. Cụ thể, báo cáo cho biết đến năm 2050, năng lượng Mặt trời và năng lượng gió trong tổng nguồn năng lượng toàn cầu sẽ tăng từ mức 10% hiện nay lên mức 50%. Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm từ mức 65% hiện nay xuống còn 31%. Xu thế này sẽ góp phần giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, qua đó giảm thiểu được những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu theo khuyến cáo của giới khoa học. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh để đạt được mục tiêu trên, chính phủ các nước cần bổ sung các khoản đầu tư mới và liên tục cải tiến công nghệ.

Ngoài ra, báo cáo xác định việc loại bỏ nguồn nhiên liệu than đá sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nguyên nhân là do trên thực tế, việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch này đang có xu hướng tăng tại nhiều nước châu Á và dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm vào năm 2026. Bà Elena Giannakopoulou, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế năng lượng thuộc BNEF, cho rằng năng lượng tái sinh sẽ được ưu tiên sử dụng khi giá thành nguồn năng lượng này hiện đã rẻ, sẽ ngày càng rẻ hơn trong tương lai, thậm chí còn rẻ hơn than đá và khí đốt tự nhiên.

Báo cáo cũng phản ánh việc sử dụng năng lượng Mặt trời và gió ở châu Âu, Trung Quốc và Mỹ - những nơi có lượng khí phát thải gây hiệu ứng lớn nhất thế giới, trong đó năng lượng tái sinh chiếm tỷ lệ 18% các nguồn năng lượng tại châu Âu, trong khi con số này tại Trung Quốc và Mỹ là 10%. BNEF dự báo đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên 80% tại châu Âu, 47% tại Trung Quốc và 34% tại Mỹ.

Tác giả phụ trách mảng châu Âu trong báo cáo “Triển vọng Năng lượng mới 2019”, Andreas Gandoflo nhận định các nước đang từng bước chuyển đổi trong việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch dù với tốc độ khác biệt. Xu hướng chung cho thấy hai nguồn năng lượng tái sinh chính là Mặt trời và gió sẽ trải qua giai đoạn tăng trưởng bùng nổ riêng biệt.

Về đầu tư phát triển năng lượng sạch, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, tổng đầu tư toàn cầu cho lĩnh vực này sẽ là 13.300 tỉ USD, tập trung vào khâu truyền tải và phân phối năng lượng. Trung Quốc sẽ là quốc gia có mức đầu tư lớn nhất với 2.900 tỉ USD.

Lan Phương (TTXVN)

Chia sẻ bài viết