28/02/2008 - 21:50

Sức khỏe của bà mẹ mang thai có liên quan đến dị tật sứt môi - hở hàm ếch

• Bác sĩ NGUYỄN THANH HÒA

(Bệnh viện Mắt - Răng hàm mặt TP Cần Thơ)
 

Trẻ bị sứt môi trước khi mổ.

Sứt môi, hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt, làm biến dạng khuôn mặt của trẻ, vì vậy trẻ dễ mặc cảm, sợ sệt, ít hòa đồng với các bạn cùng trang lứa. Dị tật này làm cho việc ăn uống của trẻ gặp nhiều khó khăn, dễ sặc, mắc bệnh đường hô hấp trên do mũi và miệng thông nhau, vì thế dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Nguyên nhân nào gây ra dị tật trên và cách phòng tránh ra sao? Bài viết của bác sĩ Nguyễn Thanh Hòa, Bệnh viện Mắt - Răng hàm mặt TP Cần Thơ sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết cho bạn đọc về vấn đề trên.

Trẻ bị sứt môi sau khi mổ. Ảnh: THANH HÒA

Dị tât bẩm sinh vùng hàm mặt được chia làm 2 loại: Loại thừa tổ chức (u răng, răng thừa...) và loại thiếu tổ chức (thiếu răng cửa bên, không có tuyến nước bọt, sứt môi, hở hàm ếch...). Trong đó sứt môi, hở hàm ếch (vòm miệng) là dị tật thường gặp nhất. Trẻ mắc dị tật này có thể dễ dàng phát hiện sau khi sinh ra, do có sự mất liên tục ở môi, xương tiền hàm ( nướu) và hàm ếch. Cũng có những trường hợp một thời gian sau khi sinh mới phát hiện do trẻ chỉ có hở hàm ếch đơn thuần hoặc chẻ đôi lưỡi gà. Dị tật sứt môi, hở hàm ếch thường có 3 dạng: Sứt môi đơn thuần, hở hàm ếch đơn thuần, sứt môi kết hợp hở hàm ếch. Dị tật sứt môi đơn thuần dễ nhận biết do sự mất liên tục thường gặp ở môi trên, tùy mức độ nặng nhẹ sứt môi có thể lên đến nền mũi và có thể xảy ra một bên hoặc hai bên. Đối với dị tật hở hàm ếch đơn thuần, tổn thương là khe hở nằm ở hàm ếch phần sau (hàm ếch mềm), phần trước (hàm ếch cứng) hoặc cả trước sau mà không có tổn thương môi. Trường hợp này trẻ phát âm không rõ một số từ và đôi khi phát hiện chậm. Đối với tật sứt môi kết hợp hở hàm ếch cũng dễ dàng nhận biết do có sự mất liên tục từ ngoài vào trong: môi, xương tiền hàm, hàm ếch. Dạng thứ 3 này gây biến dạng mặt nhiều nhất.

Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn, cơ chế gây nên dị tật sứt môi, hở hàm ếch được xác định vào tuần thứ 4 đến thứ 8 của bào thai, trong gian đoạn này các nụ mặt sẽ ráp nối với nhau để hình thành môi, hàm ếch, vì nguyên nhân nào đó sự ráp nối không thực hiện hoàn chỉnh sẽ đưa đến sứt môi hoặc hở hàm ếch. Các nguyên nhân ảnh hưởng đến sự ráp nối này có thể do: Nhiễm chất độc màu da cam, tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại khi mang thai, nhiễm siêu vi trùng (cảm cúm), tự ý uống thuốc trong thời gian mang thai không hỏi ý kiến thầy thuốc (một số thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp... có thể gây nên dị tật). Ngoài ra, sứt môi hở hàm ếch có thể di truyền từ ông bà, cha mẹ sang con cháu và cha mẹ trên 40 tuổi khi sinh con cũng có nguy cơ mắc dị tật cao.

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 1998, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc dị tật môi hàm ếch ở Việt Nam là 1- 2 /1.000, có nghĩa là 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1- 2 trẻ mắc dị tật này, so với các nước tiên tiến trên thế giới tỷ lệ này là tương đối cao. Kết quả chúng tôi đã tiến hành khảo sát ở 8 quận, huyện của TP Cần Thơ trong 5 năm cũng cho thấy tỷ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật khe hở môi hàm ếch chiếm 1,1/1.000 (nam:1,25/1.000; nữ: 0,93/1.000).

Điều trị tật sức môi hở hàm ếch là quá trình điều trị lâu dài, bao gồm:

- Điều trị trước phẫu thuật: có thể chỉnh hình làm hẹp khe hở, trẻ cần có chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng thích hợp để chuẩn bị cho phẫu thuật.

- Điều trị phẫu thuật: đóng kín khe hở, tùy mức độ có thể tiến hành phẫu thuật đóng kín khe hở 1 lần hoặc 2,3 lần.

- Điều trị sau phẫu thuật: sửa chữa sẹo xấu, tập cho trẻ phát âm đúng.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, tuổi thích hợp nhất cho phẫu thuật môi là từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi, cho hàm ếch là từ 3- 5 tuổi. Thời gian phẫu thuật kéo dài trung bình từ 1- 2 giờ.

Trẻ mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, còn làm cho cha mẹ khổ tâm mặc cảm tội lỗi để con phải chịu hậu quả. Tuy nhiên trên thực tế sức khỏe và nhận thức của người mẹ khi mang thai vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng đến đứa bé sinh ra, cho nên để có thể hạn chế tỷ lệ mắc dị tật khi mang thai, bà mẹ nên đi khám thai để được hướng dẫn và chăm sóc thai được tốt.

Với sự tiến bộ của phương tiện siêu âm chẩn đoán có thể phát hiện sớm dị tật môi, hàm ếch, điều này có thể giúp cha mẹ chuẩn bị tư tưởng để chăm sóc trẻ tốt. Nhiều năm qua, Bệnh viện Mắt - Răng hàm mặt TP Cần Thơ đã phẫu thuật thành công cho các cháu mắc dị tật môi, hàm ếch. Chúng tôi mong muốn phối hợp với gia đình và người thân có trẻ không may mắc dị tật cùng chăm sóc và điều trị cho các cháu đem lại nụ cười hồn nhiên, tự tin giúp trẻ sớm hòa nhập với cộng đồng.

Chia sẻ bài viết