24/05/2019 - 09:08

Sức ép từ chức đè nặng lên Thủ tướng Anh 

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 22-5 lại phải chịu sức ép từ chức mới từ các nghị sĩ sau khi lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom quyết định rút khỏi nội các của bà.

Thủ tướng May (trái) và lãnh đạo Hạ viện Leadsom. Ảnh: Daily Express

Thủ tướng May (trái) và lãnh đạo Hạ viện Leadsom. Ảnh: Daily Express

Leadsom-thành viên cao cấp của nội các chịu trách nhiệm về các công việc của chính phủ tại Hạ viện- nói rằng bà từ chức vì không còn ủng hộ chiến lược của chính phủ trong tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng May chứa đựng những yếu tố mà bà Leadsom hoàn toàn không thể chấp nhận. Trong Dự thảo thỏa thuận rút lui được đề xuất trước đó một ngày, Thủ tướng May trao cho các nghị sĩ cơ hội bỏ phiếu về cuộc trưng cầu dân ý lần hai nếu họ tán thành thỏa thuận Brexit mới của bà. Leadsom, nhân vật ủng hộ Brexit hàng đầu, gọi đó là một sự nhượng bộ quá mức, nên bản thân bà cũng không tin Anh sẽ là “quốc gia có chủ quyền đầy đủ”. Thủ tướng May sau đó đã phản bác quan điểm này, đồng thời bày tỏ sự thất vọng về lý do rút lui của bà Leadsom. Dự thảo thỏa thuận rút lui dự kiến sẽ trình lên Hạ viện để bỏ phiếu trong tuần đầu tiên của tháng 6 tới. Thỏa thuận Brexit đạt được với Brussels từng bị bác bỏ 3 lần tại Quốc hội Anh, buộc bà May phải xin gia hạn Brexit hai lần và hạn chót là ngày 31-10 tới Anh sẽ phải rời “mái nhà chung” EU.

Cùng ngày, nhiều thành viên trong Ủy ban 1922 đầy quyền lực của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng đã nhóm họp và tiến hành bỏ phiếu kín về việc thay đổi quy định để có thể mở cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay lập tức đối với chủ nhân tòa nhà số 10 phố Downing. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu sau đó được cho vào phong bì niêm phong và chỉ mở ra nếu bà May không đồng ý từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 10-6 tới. Thật ra hồi tháng 12 năm ngoái, nữ thủ tướng 62 tuổi đã “sống sót” trong cuộc bỏ phiếu tương tự của các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Theo quy định hiện hành, ghế lãnh đạo của bà sẽ không bị thách thức cho đến tháng 12-2019. Hiện rộ lên những đồn đoán cho là Thủ tướng May có thể đưa ra quyết định ra đi vào hôm nay 24-5, khi bà có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady.

Khi đó, đảng Bảo thủ sẽ xác định hai ứng viên tham gia cuộc đua thế chỗ bà May và sự lựa chọn cuối cùng sẽ do các thành viên của đảng này quyết định trong cuộc bỏ phiếu vào đầu tháng 9 tới. Hiện có nhiều ứng viên, bao gồm cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng việc làm/hưu trí Amber Rudd và có thể có cả cựu Bộ trưởng Môi trường Michael Gove vốn ủng hộ Brexit. Cách đây vài ngày, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson cũng đã lên tiếng muốn ứng cử chức Chủ tịch đảng Bảo thủ và vị trí Thủ tướng Anh. Ông này từng là “kiến trúc sư” của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, nhưng sau đó bất ngờ tuyên bố không chạy đua vào ghế thủ tướng. Năm ngoái, Boris Johnson cũng từ bỏ ghế ngoại trưởng do bất đồng về kế hoạch Brexit của bà May.

Trong khi Nhật báo Phố Wall mô tả Johnson là ứng viên “sáng giá”, thì ngân hàng đầu tư JP Morgan thậm chí dự báo nhân vật được gọi là “Donald Trump nước Anh” sẽ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới. Tuy nhiên, tiến trình Brexit khi đó thậm chí sẽ còn rối rắm hơn.

THANH BÌNH (Theo Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết