MỸ THANH - MINH HUYỀN

Cảng Cái Cui nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV
Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 59-NQ/TW). Ngày 30-8-2021, Chính phủ có Nghị quyết số 98/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW (Nghị quyết số 98/NQ-CP). Ðến ngày 11-1-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ (Nghị quyết số 45/2022/QH15). Sau thời gian triển khai thực hiện, các nghị quyết dần đi vào cuộc sống, tạo sức bật và mở ra cánh cửa phát triển thành phố trong giai đoạn mới…
ÔNG LÊ THANH TÂM, GIÁM ĐỐC SỞ KẾ HOẠCH VÀ ÐẦU TƯ TP CẦN THƠ: Làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp
Sở Kế hoạch và Ðầu tư luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành thành phố để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 59-NQ/TW và Nghị quyết số 45/2022/QH15. Ðồng thời, tham mưu lồng ghép nội dung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong quá trình tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thực hiện 2 Nghị quyết này.
Tranh thủ hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các bộ ngành Trung ương để sớm được thẩm định, thông qua Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở trình phê duyệt theo đúng quy định, đảm bảo phù hợp với quan điểm, định hướng và mục tiêu của các Nghị quyết Trung ương và thành phố và làm căn cứ để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025 và các thời kỳ tiếp theo.
Ðối với chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 45/2022/QH15, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát nhu cầu đầu tư các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng của thành phố để đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, đảm bảo phù hợp với tổng mức dư nợ không quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trên cơ sở danh mục được cấp thẩm quyền chấp thuận, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các thủ tục theo đúng quy định, sớm triển khai thực hiện dự án. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ quá trình tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ. Phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án trọng điểm nhanh chóng triển khai lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, tham mưu cấp thẩm quyền bố trí vốn kịp thời để dự án triển khai đúng tiến độ.
ÔNG LÊ TIẾN DŨNG, GIÁM ĐỐC SỞ GIAO THÔNG VẬN TẢI TP CẦN THƠ: Tranh thủ cơ chế đặc thù, quyết liệt triển khai công trình, dự án trọng điểm
Sở phối hợp tham mưu UBND thành phố triển khai đầu tư các dự án giao thông lớn, trọng điểm, đột phá như dự án đường bộ cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ; đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ; xây dựng và nâng cấp mở rộng các đường tỉnh 923, 917, 918, 921; đề xuất đầu tư dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, TP Cần Thơ bằng nguồn vốn vay JICA; dự án cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm giai đoạn 1 và 2. Các dự án này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ khung chính quan trọng, kết nối đồng bộ, liên hoàn với mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ trục dọc, trục ngang qua địa bàn thành phố; kết nối cảng hàng không, cảng biển, các khu đô thị, khu công nghiệp; giải quyết ùn tắc giao thông cho nội ô để TP Cần Thơ xứng tầm là trung tâm, động lực phát triển của vùng ÐBSCL.
Thực hiện điều 7 Nghị quyết số 45/2022/QH15 về chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ, Sở đang tham mưu UBND thành phố phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lập nghiên cứu chuyên sâu về việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ cho tàu từ 10.000 tấn trở lên hành hải. Ðồng thời, phối hợp UBND các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Ðồng Tháp kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, quan tâm tự tổ chức nghiên cứu chuyên sâu việc nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ cho tàu từ 10.000 tấn trở lên hành hải; phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận các đề xuất và xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.