18/11/2019 - 09:21

“Lò sát sinh số 5”

Sự vô nghĩa của chiến tranh 

Bằng giọng văn châm biếm đầy chất giả tưởng, nhà văn Mỹ Kurt Vonnegut phản ánh sự vô nghĩa của chiến tranh qua tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5”. Tác phẩm là một trong những tiểu thuyết phản chiến nổi tiếng của thế kỷ XX, được bình chọn là một trong 100 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại.
Sách do NXB Hà Nội phối hợp với Nhã Nam phát hành năm 2019.

Câu chuyện được viết dựa trên những trải nghiệm của chính tác giả khi tham gia thế chiến thứ 2, đã đưa Kurt Vonnegut trở thành một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ XX. Xuất bản năm 1969, cuốn sách phản chiến này trở thành tác phẩm gối đầu giường của những người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ.

“Lò sát sinh số 5” theo chân cuộc đời của Billy Pilgrim - một người lính Mỹ đi qua thế chiến thứ 2 rồi trở thành một bác sĩ đo thị lực trong thời bình. Sau một tai nạn máy bay mà chỉ một mình ông sống sót, Billy thường kể những câu chuyện lạ về hành tinh Tralfamadore, nơi ông bị người ngoài hành tinh bắt cóc, nhốt và triển lãm như sở thú ở trái đất. Từ đó, ông có khả năng du hành xuyên thời gian, đến bất cứ thời điểm nào trong quá khứ và tương lai. Những mảnh ghép cuộc đời và ký ức của Billy lần lượt hiện ra sau những chuyến du hành của ông, mang đến một câu chuyện có vẻ lộn xộn, điên rồ nhưng đầy chất trào lộng và châm biếm sâu cay.

Điểm đặc biệt của tiểu thuyết là pha trộn giữa tự thuật và hư cấu, giữa phản chiến và khoa học viễn tưởng, giữa trào lộng và thực tế. Nội dung không được viết theo tuyến tính thời gian mà là sự đảo lộn và hòa trộn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai thông qua bi hài kịch về cuộc đời của nhân vật chính. Tinh thần phản chiến của tác phẩm thể hiện rõ qua những đoạn văn châm biếm về sự phi lý, tang thương của chiến tranh. Ở đó, có thân phận của những người được đưa ra chiến trường, những cái chết đau đớn mà vô nghĩa của những người lính kém may mắn. Khủng khiếp nhất là trận bom thiêu rụi một thành phố và hàng vạn sinh mạng chỉ trong khoảnh khắc…

Tác giả muốn mô tả chi tiết vụ Mỹ đánh bom thành phố Dresden của Đức vào năm 1945, giết chết hàng chục ngàn người mà ông là người sống sót trong trận bão lửa ấy. Vậy mà đoạn mô tả vụ ném bom chỉ lướt qua, trọng tâm câu chuyện được dồn vào góc nhìn và suy nghĩ của Billy về cuộc chiến, về cái chết và sự sống. Khi đã biết rõ tương lai qua những chuyến du hành, khi học hỏi được người ngoài hành tinh về sự an yên, tư duy tích cực, Billy không còn lo sợ về cái chết hay những sân si đời thường. Ông bình thản chứng kiến và đi qua mọi thứ. Ngay cả khi biết chắc được mình sẽ chết lúc nào và ra sao, ông cũng không buồn phiền hay sợ hãi mà bình tĩnh đón nhận. “Đời là thế!”, “Đời là thế!”… câu này được tác giả lặp lại nhiều lần trong tác phẩm, cũng là câu nói mà Billy hay chính tác giả tự trấn an mình trước những phũ phàng của cuộc sống.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết