12/12/2012 - 21:02

Sử dụng nấm xanh trong phòng trừ sâu, rầy hại lúa

Với diện tích gieo trồng khoảng 218.000ha, hằng năm TP Cần Thơ cung ứng khoảng 1,1-1,2 triệu tấn lúa góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ nhu cầu xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, do áp lực rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá nhiều nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không tuân theo nguyên tắc "4 đúng" gây nên hiện tượng cháy rầy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và sức khỏe con người. Trước tình hình này, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã "đặt hàng" Viện Lúa ĐBSCL thực hiện Dự án "Chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh tại nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa tại TP Cần Thơ".

Sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh, nông dân ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh đã có thể tự nhân nuôi nấm xanh tại nhà. 

Theo Ban Chủ nhiệm Dự án, mục đích của dự án nhằm chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh cấp nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng để quản lý, phòng trừ sâu rầy, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá một cách hiệu quả theo hướng sinh thái bền vững. "Trên cơ sở tìm hiểu, nắm bắt thông tin về tập quán của nông dân trong việc quản lý sâu rầy, Ban Chủ nhiệm Dự án đã chọn 6 xã thuộc huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn để làm điểm thực hiện mô hình. Tại mỗi xã, 15 hộ nông dân tiến bộ được chọn để tổ chức thành Câu lạc bộ nhân nuôi nấm xanh. Sau đó, nông dân tham dự lớp tập huấn quy trình "Nuôi cấy nấm xanh ở quy mô nông hộ" và tham gia mô hình thực nghiệm "Ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa". Từ những lý thuyết đã học, nông dân được trang bị các thiết bị và dụng cụ cần thiết để có thể tự sản xuất nấm xanh tại nhà"-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, Chủ nhiệm dự án, cho biết.

Sau hơn 2 năm triển khai, Dự án đã xây dựng được mô hình "Ứng dụng nấm xanh để phòng trừ sâu rầy hại lúa" với diện tích 27ha, với 90 nông hộ tham gia. Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh, nông dân dần nắm được quy trình và có thể nhân nuôi thành thạo chế phẩm nấm xanh... Qua sử dụng chế phẩm nấm xanh trên ruộng thực nghiệm, nông dân đã quản lý sâu rầy hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và lợi nhuận tăng từ 2,7-3,76 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Đơn cử, mô hình tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, ruộng thực nghiệm tiết kiệm được 717.000 đồng/ha chi phí sử dụng thuốc trừ sâu, rầy và 560.000 đồng/ha chi phí giống. Ngoài ra, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ruộng của nông dân ngoài mô hình 3,15 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, đánh giá: Áp dụng quy trình "Ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa" làm hạn chế quá trình bộc phát tính kháng thuốc của rầy nâu do sự gia tăng phong phú của các loại thiên địch. Không chỉ vậy, sử dụng nấm xanh để quản lý sâu rầy còn góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái…".

Từ kết quả mang lại, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại 6 xã thuộc huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn trong vụ đông xuân 2010-2011, hè thu 2011 và đông xuân 2011-2012 với diện tích lên đến 630ha. Qua kết quả điều tra cho thấy, ở thời điểm trước khi triển khai Dự án trung bình nông dân phun thuốc trừ sâu, rầy 7,29 lần/vụ. Tuy nhiên, sau những buổi tập huấn, tuyên truyền về mặt trái của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, số lần phun thuốc trong dân giảm còn 2,29 lần/vụ. Trong đó chủ yếu là giảm số lần phun thuốc trừ sâu, rầy thay vào đó là nông dân sử dụng chế phẩm nấm xanh. Ngoài ra, Dự án cũng tác động đến nhận thức của nông dân trong việc tuân thủ cơ cấu giống; sạ thưa; sử dụng nguồn giống nguyên chủng, xác nhận…

Tại cuộc họp nghiệm thu Dự án "Chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh tại nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa tại TP Cần Thơ", nhiều ý kiến cho rằng, Ban chủ nhiệm Dự án cần phối hợp với ngành nông nghiệp thành phố đẩy mạnh việc chuyển giao quy trình "Sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh ở quy mô nông hộ" và kỹ thuật "Ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa" ra toàn thành phố. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Quy trình sản xuất nấm xanh rất đơn giản nên bất cứ nông dân nào cũng có thể nhân nuôi nấm tại nhà để phục vụ cho mỗi vụ sản xuất lúa. Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với Ban Chủ nhiệm mở rộng dự án theo hướng liên kết với các nhà khoa học, viện, trường để tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân tự nuôi cấy nấm gốc để nhằm tiến tới việc ứng dụng đại trà nấm xanh vào quản lý sâu rầy trên đồng ruộng...". Theo bà Nguyễn Thị Kiều, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kết hợp việc sử dụng nấm xanh để quản lý sâu rầy với việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"… vào quá trình sản xuất lúa. Đây là giải pháp tối ưu góp phần tiết giảm chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận, từng bước cải thiện thu nhập cho người trồng lúa…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết