Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm nước trong quy trình canh tác rau màu, đồng thời gia tăng năng suất và chất lượng nông sản… Đây được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả canh tác được nhiều nông dân trồng rau màu vùng ven đô ở TP Cần Thơ vận dụng.
Trang trại Cần Thơ Farm, quận Bình Thủy, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cho dưa lưới hấp thụ dinh dưỡng và để trái đạt độ đồng nhất khi thu hoạch... Ảnh: M.HOA
Nhiều nông hộ trồng rau muống trong hợp tác xã (HTX) rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn được ngành nông nghiệp quận hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hệ thống phun mưa. Từ nguồn vốn hỗ trợ trên, bà con xã viên HTX rau an toàn Hòa Phát đã đầu tư lắp đặt hệ thống phun mưa tự động cho vườn rau của mình.
Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, quận Ô Môn, cho biết: Ước tính với diện tích 1.000m2 đất, chi phí đầu tư cho hệ 1 hệ thống phun mưa tốn khoảng 5 triệu đồng. Nhưng hiệu quả mang lại vượt trội không chỉ giúp nông dân tiết kiệm công lao động, chi phí sản xuất mà còn cải thiện chất lượng rau muống.
Thông thường canh tác rau muống, nông dân tốn 2 lít xăng cho 2 lần tưới/ngày và mất công tưới trên 2 tiếng đồng hồ. Nhưng từ khi ứng dụng hệ thống phun mưa, nông dân trồng rau chỉ tốn vài ngàn đồng tiền điện và ngồi ở nhà bật “remote” canh thời gian tưới rau chứ không cần phải tốn sức vác ống tưới nước cho rau hằng ngày như trước.
Điểm nổi bật của hệ thống phun mưa trên rau muống là lượng nước tưới được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của rau muống, tránh tình trạng cây rau bị ngã đổ hay lá rau bị dập úng so với cách tưới thủ công trước đây.
Nhờ lượng nước phun tưới đồng đều từ hệ thống tưới phun, rau muống hấp thu dinh dưỡng và phân bón tốt hơn, hạn chế các loại vi sinh vật hại gây bệnh trên lá rau… Từ đó, giúp nông dân giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, gia tăng năng suất và chất lượng rau. Ước tính với mỗi công (1.000m2 đất) rau muống ứng dụng hệ thống tưới phun mưa có năng suất cao hơn 50kg so với cách tưới truyền thống…
Hiện có nhiều nông hộ trong khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn áp dụng, lắp đặt mô hình này vào vườn rau muống với tổng diện tích trên 1,5ha.
Với hệ thống tưới nhỏ giọt, lượng nước tưới vừa được cấp trực tiếp cho cây, vừa có khả năng giữ độ ẩm đồng đều cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt. Hệ thống tưới nhỏ giọt có tác dụng tiết kiệm nước và tưới cùng lúc cho hàng nghìn cây trồng trên một đơn vị diện tích, gia tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Anh Nguyễn Văn Phong, Chủ Trang trại Cần Thơ Farm, quận Bình Thủy, cho biết: Ước tính chi phí đầu tư cho toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt, gồm: máy bơm, bộ lọc nước, đồng hồ đo nước, đường ống… gần 20 triệu đồng/1.000m2. Dù chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cao, nhưng hiệu quả mang lại đối với cây trồng theo xu hướng nông nghiệp công nghệ cao là rất lớn.
Hiện, Trang trại Cần Thơ Farm đã và đang ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho 2.000m2 đất trồng dưa lưới, dưa leo và cà chua. Hiệu quả của tưới nhỏ giọt là cung cấp lượng nước tưới vừa phải, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt hơn, hạn chế tối đa sự xói mòn đất và sâu bệnh gây hại, phân bón dễ hòa tan, cung cấp dinh dưỡng tốt cho cây. Nhờ đó, chất lượng trái dưa lưới, dưa leo, cà chua… của Cần Thơ Farm cũng đạt độ đồng đều, được khách hàng ưa chuộng và bán được giá cao hơn so với cây trồng thông thường.
Để nông dân và hộ sản xuất rau màu vùng ven đô TP Cần Thơ đầu tư, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, ngành nông nghiệp và các ngành chức năng chuyên môn cần có những định hướng giúp nông gia tiếp cận các nguồn quỹ hỗ trợ… để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong sản xuất hàng nông sản. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường và cung ứng nguồn hàng nông sản đảm bảo an toàn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
M.HOA