13/09/2010 - 20:36

Stress ở trẻ nhỏ không nên xem nhẹ

Nếu con trẻ thường xuyên cáu giận, chúng có thể bị căng thẳng tinh thần (stress) vì chuyện gì đó. Thay vì xem nhẹ bỏ qua, người lớn nên tìm hiểu để giúp chúng sớm giải tỏa tâm trạng không tốt này.

Eddie là học sinh cá biệt trong lớp. Cậu hay làm giáo viên bực mình cũng như thường xuyên bị phạt trong giờ ăn trưa. Mặc dù hay làm trò chọc cười các bạn cùng lớp nhưng Eddie không có nhiều bạn bè. Giáo viên chủ nhiệm thì mất dần sự kiên nhẫn đối với học trò 10 tuổi này.

Nếu con bạn thường xuyên cáu giận, bé có thể đang bị xì-trét.  

Nếu không hiểu rõ vấn đề của Eddie, người ngoài dễ dàng gán cho cậu biệt danh là kẻ-hay-gây-rắc-rối. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý Lyn Worsley, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Alpha tại Sydney (Úc), cho biết những trường hợp như Eddie không khó giải quyết. Hành vi của Eddie ở trường là biểu hiện của stress và cậu là một trong nhiều bạn nhỏ có vấn đề về hành vi. Theo cô, cuộc sống gia đình của Eddie tác động nhiều đến tính khí của cậu.

Do cha mẹ dành hết thời gian cho công việc, nên Eddie thường rơi vào tình trạng cô đơn. Cậu hiếm có dịp trò chuyện với phụ huynh do họ quá mệt mỏi vì công việc hoặc thiếu quan tâm đến con trai. “Nghe có vẻ như vấn đề này không liên quan gì đến hành vi nổi loạn của Eddie ở trường, nhưng stress là bằng chứng về sự bất lực của cậu trong mối quan hệ với người khác cũng như bày tỏ nhu cầu của mình”, chuyên gia Worsley giải thích.

Theo Giáo sư Daniel Fung, Trưởng Khoa tâm thần thanh thiếu niên thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần Singapore, trẻ em bị stress cư xử khác với người lớn bị stress bởi chúng quá nhỏ, không đủ khả năng ngôn ngữ để bày tỏ tâm trạng của mình. Vì vậy khi bị stress, các em có thể ngã bệnh thường xuyên hoặc học hành sa sút. Ngoài ra, do khả năng kiềm chế cảm xúc tương đối kém, nên chúng thường bộc phát thành những hành động mà người lớn khó có thể hiểu được – Worsley nói thêm. Trong khi người lớn bị stress có thể trút giận lên người khác hoặc đơn giản hơn là im lặng, thì một đứa trẻ chịu áp lực từ cuộc sống có thể coi căng thẳng tinh thần như sự đau đớn từ bên trong cơ thể, dẫn đến những thay đổi về thói quen đi ngoài và đau dạ dày. “Chúng cũng có thể trở nên nhõng nhẽo hơn và trở lại với giai đoạn phát triển trước đó bằng hành vi như đái dầm và nổi cơn tam bành trong một số trường hợp”, Worsley lý giải.

Vậy trẻ bị stress do dâu? Tiến sĩ Fung cho rằng nguyên nhân khiến các bạn nhỏ bị stress chủ yếu là do sự thay đổi môi trường liên quan đến các vấn đề của người thân, ví dụ như hôn nhân cha mẹ rạn nứt. Tuy nhiên, ông Fung cũng lưu ý có một số dạng căng thẳng tinh thần không gây hại, chẳng hạn như khi nó khiến đối tượng cải thiện bản thân.

Làm gì giúp trẻ hạn chế tác hại của stress? Chuyên gia Worsley tin rằng xây dựng lòng kiên cường có thể giúp trẻ thích ứng hiệu quả hơn với những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Theo cô, đức tính này có thể được rèn luyện bằng cách tạo cho trẻ môi trường sống có nhiều áp lực. Có 7 yếu tố gây áp lực, đó là: cha mẹ, kỹ năng, gia đình, học hành, bạn bè, cộng đồng và tiền bạc hoặc công việc. “Trẻ chỉ cần làm tốt 3 trong 7 yếu tố trên là có thể phát triển tính kiên cường. Nếu làm được nhiều hơn 3 thì tốt, nhưng nếu dưới 3, đứa trẻ đó sẽ không có môi trường tốt nhất để xây dựng kỹ năng kiên trì”, Worsley phân tích.

Suy cho cùng, trách nhiệm quan tâm cảm xúc của con trẻ vẫn thuộc về các bậc cha mẹ. “Không chỉ quan tâm việc học hành của con ở trường mà thông hiểu cảm nhận của con cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên ủng hộ nhưng không quá nuông chiều hoặc quá bảo bọc chúng”, ông Fung đề nghị.

THỤY TRÚC (Theo ChannelNewsAisa)

Chia sẻ bài viết