05/07/2010 - 21:23

Stress do “dán” mắt lâu vào máy tính

Lúc nào đi ngủ, Rachel Balik cũng để “chú dế” BlackBerry bên cạnh. Năm nay 27 tuổi, cô đang làm trợ lý giám đốc tiếp thị của một công ty công nghệ ở San Francisco (Mỹ). Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên Balik làm là với tay lấy điện thoại kiểm tra e-mail và không hề xa rời cái a-lô cũng như những thiết bị công nghệ khác cho đến khi cô lên giường vào 1 giờ sáng hôm sau.

Trên đường đến công ty, Balik luôn nghe máy iPod trong khi mắt thì chăm chú vào màn hình iPad. Cô gần như không rời mắt khỏi laptop trong suốt 8 giờ ở văn phòng, trừ những lúc họp hành, giải khát hay phải “giải quyết bầu tâm sự”... Khoảng thời gian duy nhất Balik “tạm xa” công nghệ là khi cô đến lớp học yoga buổi tối. Nhưng ngay cả những lúc nhắm mắt thiền định, cô cũng liên tưởng đến những trang web sống động trên mạng. Sau đó, trở về nhà, Balik lại tiếp tục “dính” laptop cho đến khi lên giường ngủ.

 Nên thường xuyên thư giãn mắt sau mỗi 20 phút ngồi trước máy tính. Ảnh: eyeinfo.wordpress

Cũng như Balik, phần đông chúng ta gắn chặn với máy tính mọi lúc mọi nơi. Đã có rất nhiều bài báo phân tích những tác động về mặt tâm lý và xã hội của việc sử dụng công nghệ liên tục – đó là nguy cơ ảnh hưởng cuộc sống gia đình, khả năng tập trung và nguy cơ béo phì. Và không ít người đặt câu hỏi liệu việc “dán” mắt vào màn hình máy tính liên tục suốt ngày (đêm) có gây nguy hại gì nữa cho cơ thể.

Câu trả lời là có. Theo nhiều bác sĩ gia đình, bác sĩ nhãn khoa và chuyên gia thần kinh ở Mỹ, có nhiều dấu hiệu rõ ràng của tình trạng tổn hại thể chất do sử dụng công nghệ thường xuyên. Mặc dù vậy, chưa có ai nghiên cứu những tác hại này về mặt lâu dài.

“Sự bùng nổ công nghệ đang tác động mạnh đến sức khỏe chúng ta”, bác sĩ nội khoa Svetlana Kogan – giám đốc hệ thống phòng khám “Doctors at Trump Place” ở New York, nhận định. Ngày càng nhiều bệnh nhân thường xuyên bị nhức đầu, co giật mắt, tay chân mất sức, lo âu và mất ngủ tìm đến phòng khám của cô. Những triệu chứng này, theo bác sĩ Kogan, ít nhiều liên quan đến tình trạng sử dụng công nghệ thông tin gần như không dứt.

Năm 2005, một số trong những triệu chứng vừa kể được giới y khoa gọi chung là Hội chứng thị lực máy tính (Computer Vision Syndrome- CVS). Tạp chí Survey of Ophthalmology của giới nhãn khoa Mỹ gọi CVS là “chứng rối loạn căng cứng tái đi tái lại đang có chiều hướng tăng nhanh, với một số nghiên cứu ước tính khoảng 90% trong số 70 triệu lao động Mỹ sử dụng máy tính hơn 3 giờ mỗi ngày đang mắc hội chứng này”.

Nếu bạn ngồi hàng giờ trước máy tính liên tục nhiều ngày trong tuần, nhiều khả năng bạn đã quen với những triệu chứng như nhức mỏi mắt, mờ mắt, đau rát mắt, nhức đầu, đau cổ và buồn nôn. Balik cũng gặp phải nhiều triệu chứng này. Cô thường không rời mắt khỏi màn hình cho đến khi mắt cô nhỏ lệ và nhòa đi. Balik cũng thường bị những cơn đau nửa đầu dữ hội hành hạ và cho biết cô hiếm khi cảm thấy thoải mái và thư giãn. Roger Phelps, bác sĩ nhãn khoa ở California với hàng chục năm kinh nghiệm, cho rằng những tổn hại do CVS gây ra là tạm thời và có thể chữa khỏi. Vấn đề chính, theo ông, là nhiều người có xu hướng nhìn chăm chú vào màn hình mà không thường xuyên nháy mắt hoặc nhìn đi chỗ khác như khi chúng ta đọc sách báo.

Để hạn chế tình trạng mỏi mắt, nhức mắt và khô mắt do nhìn vào màn hình máy tính quá lâu, Phelps đề nghị chúng ta sử dụng thuốc nhỏ mắt và tuân thủ qui tắc 20-20-20 (sau mỗi 20 phút dùng máy tính, chúng ta nên nhìn ra xa 20 bộ (6 m) trong khoảng 20 giây) để giúp mắt nghỉ ngơi và tập trung hơn. Bên cạnh đó, ánh sáng chóa từ máy tính, màn hình đặt quá gần hoặc đeo kính không phù hợp cũng là những yếu tố gây nhức mỏi mắt và đau đầu. Theo lời khuyên của bác sĩ Phelps, chúng ta nên trang bị kính lọc ánh sáng chói và điều chỉnh màn hình sao cho ánh sáng phía trên không chiếu vào mắt. Màn hình nên được đặt cách xa khoảng 35-40 cm, đây là khoảng cách lý tưởng giúp mắt tập trung tốt. Ngoài ra, nếu bạn đeo kính cận thị hoặc viễn thị nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thường xuyên đọc sách điện tử.

Bác sĩ Bertie Bregman ở Bệnh viện Presbyterian (New York) cho rằng những tác động về mặt thể chất của việc dùng công nghệ thường xuyên lan tỏa khắp cơ thể nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Theo ông, việc chúng ta thường xuyên cúi nhìn vào màn hình điện thoại hoặc nghiêng đầu để xem màn hình máy tính có thể ảnh hưởng đến cột sống, và về lâu dài có thể dẫn đến đau nhức cổ và phần lưng trên. Tình trạng này cũng có thể gây nhức đầu. Tương tự, các động tác lặp đi lặp lại như gõ phím, nhắp chuột và bấm phím (nhắn tin) có thể gây căng cơ ở cổ tay hoặc các ngón tay. Bregman đề nghị nếu có thể, chúng ta nên đứng trong lúc làm việc trên máy tính (ảnh) hoặc ngồi trên banh tập thể dục thay vì ngồi ghế hoặc thỉnh thoảng cử động hoặc điều chỉnh đôi chân.

Trong khi đó, bác sĩ Svetlana Kogan của phòng khám Doctors at Trump Place ở New York cho rằng những tổn thương về mặt thể chất khi dùng thiết bị công nghệ liên tục có thể nghiêm trọng. Theo Kogan, việc sử dụng máy tính kéo dài có thể kích thích thái quá hoạt động của hệ thần kinh và khiến cơ thể tăng sinh cortisol – hormone gây stress. Hàm lượng cortisol cao làm gia tăng nguy cơ lo âu, phiền muộn, mất ngủ, huyết áp cao và bệnh tiểu đường. Kogan khuyên những người làm việc lâu trước máy tính nên dành thời gian trong ngày tập yoga, ngồi thiền và uống trà.

Do việc sử dụng thiết bị công nghệ ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh nên việc ngủ đủ giấc sẽ có lợi cho cơ thể. Bác sĩ Kogan đề nghị chúng ta nên tắt hết các thiết bị truyền thông ít nhất 2 giờ trước khi ngủ.

THIÊN LAM - LONG CHÂU (Theo Forbes)

Chia sẻ bài viết