02/09/2018 - 09:19

Sri Lanka ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc 

Sri Lanka một lần nữa trở thành “con nợ” của Trung Quốc trong bối cảnh Colombo có kế hoạch vay 1,25 tỉ USD từ Bắc Kinh. Động thái này được cho sẽ khiến Sri Lanka chìm sâu trong “bẫy nợ” của Trung Quốc, hiện là “chủ nợ” lớn nhất của quốc đảo Nam Á.

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tháng 4-2016. Ảnh: AP
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi tháng 4-2016. Ảnh: AP

Theo tờ Nikkei Asian Review, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka đang bắt tay với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phát hành 250 triệu USD trái phiếu Panda bằng đồng nhân dân tệ. Không những vậy, Sri Lanka đã đồng ý  vay  1 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dựa trên các điều khoản mà ngân hàng này cho là “ưu đãi” hơn so với những gì mà những nhà cho vay quốc tế ở phương Tây đang cung cấp. Mới đây, 500 triệu USD đầu tiên trong khoản vay này đã được giải ngân cho Sri Lanka.

Một ước tính cho thấy, nguồn dự trữ ngoại hối của Sri Lanka hiện ở mức 8,5 tỉ USD. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019-2023, Colombo phải chi khoảng 17 tỉ USD để thanh toán các khoản nợ nước ngoài và lãi suất. Hiện một số “chủ nợ” của nước này bao gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản, Chính phủ Ấn Độ cũng như các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Indrajit Coomaraswamy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, cho biết Colombo đã đa dạng hóa từ truyền thống chỉ huy động tiền thông qua trái phiếu quốc tế bằng đồng USD trong nỗ lực nhằm xử lý tốt hơn áp lực nợ nước ngoài. “Nợ công của chúng tôi rất nhiều nhưng vẫn kiểm soát được” - ông Coomaraswamy cho biết.

Tuy nhiên, Sri Lanka với nền kinh tế trị giá 87 tỉ USD sẽ phải đối mặt với nhiều khoản nợ trong năm 2019. Mức thâm hụt tài khoản vãng lai chiếm tới 2,2 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ khiến tổng nợ phải trả trong năm 2019 của nước này lên đến 7 tỉ USD. Ước tính, tổng nợ nước ngoài của Sri Lanka hiện vào khoảng 55 tỉ USD, trong đó “chủ nợ” Trung Quốc chiếm 10%, Nhật Bản 12%, ADB 14% và WB 11%.

Gánh nặng nợ đã mang lại cho Sri Lanka nhiều tai tiếng khi giới quan sát cho rằng nước này đang rơi vào “bẫy nợ” của Trung Quốc. Như hồi năm ngoái, Sri Lanka  đã phải cho Trung Quốc thuê dài hạn 99 năm cảng nước sâu Hambantota để “khất” khoản nợ 1,1 tỉ USD. Trước đó, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay 1,5 tỉ USD để xây dựng cảng này. Mahinda Rajapaksa, cựu Tổng thống Sri Lanka, chính là người mở cửa đón “chủ nợ” Trung Quốc. Trong giai đoạn 2010-2015, những năm tại vị cuối cùng của ông Rajapaksa, Trung Quốc đã đổ 4,8 tỉ USD vào Sri Lanka để xây dựng cảng Hambantota, một sân bay mới, một nhà máy điện hoạt động bằng than và đường cao tốc. Đến năm 2016, Trung Quốc tiếp tục cho Sri Lanka vay 6 tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các khoản nợ của Sri Lanka đã khiến chính phủ liên minh của Tổng thống Maithripala Sirisena đau đầu. Sau gần 4 năm lên nắm quyền, chính phủ của ông này dường như khó thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Cụ thể, Sri Lanka trong năm 2017 chỉ thu hút 1,7 tỉ USD vốn FDI, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2,5 tỉ USD.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết