01/08/2017 - 21:03

Sốt xuất huyết - Chặn ngay từ gốc

Tại TP Cần Thơ, từ cuối năm 2016 đến nay, số ca sốt xuất huyết (SXH) liên tục tăng. Đặc biệt, từ đầu tháng 6-2017  đến nay, số ca SXH nhập viện tăng cao… trong khi đây chưa phải là thời gian cao điểm của dịch SXH.


Trẻ ồ ạt nhập viện vì SXH
Sáng 27-7-2017, tại Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ chật cứng bệnh nhi và thân nhân nuôi bệnh. Một số người nuôi bệnh tại đây cho biết, có ngày lượng bệnh đông, 2-3 trẻ nằm chung một giường.

Có nhiều gia đình có 2 con đều bị SXH. Chị Phạm Thị Nhờ, xã Phú An, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có hai con trai bị SXH đang điều trị tại đây, kể: “Cháu lớn bị sốt, nhức đầu. Gia đình tưởng sốt thông thường nên đưa đi bác sĩ tư. Ngày hôm sau, cháu nhỏ cũng bị giống anh trai. Đi bác sĩ tư không bớt, cháu ngày càng lừ đừ, sốt cao, nhức đầu, buồn nôn, gia đình đưa đến BVNĐ TP Cần Thơ khám. Bác sĩ yêu cầu theo dõi bệnh SXH, rồi cho nhập viện luôn”. 

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố kiểm tra lăng quăng tại các hộ dân ở khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh KiềuTrung tâm Y tế dự phòng thành phố kiểm tra lăng quăng tại các hộ dân ở khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Theo bác sĩ Thạch Minh Đức, Phó Trưởng Khoa SXH, BVNĐ TP Cần Thơ, từ tháng 2-2017, số ca mắc SXH bắt đầu tăng. Riêng từ tháng 6-2017 đến nay, tăng rất nhanh, có ngày khoa điều trị nội trú cho trên 150 cháu.

Để giảm tải, các bác sĩ ở Khoa khám bệnh tăng cường lọc bệnh.

Đối với bệnh nhẹ, sốt ngày 1, ngày 2, xét nghiệm test NS1 âm tính  hoặc test NS1 dương tính nhưng cháu khỏe, tỉnh táo, ăn uống được thì tư vấn kỹ cho gia đình rồi cho điều trị ngoại trú, tái khám hằng ngày. Gia đình bệnh nhi hài lòng với cách này vì ở nhà thuận tiện chăm sóc cháu hơn.

Các toa thuốc ngoại trú cũng có ghi đầy đủ, rõ ràng các dấu hiệu cần cho cháu nhập viện ngay. Nhờ vậy, lượng bệnh nội trú được giảm tải phần nào. Ngày 27-7, khoa điều trị gồm 88 giường nội trú đều chật cứng bệnh nhi (giường kế hoạch là 60 giường). 

Cũng theo bác sĩ Đức, bệnh SXH năm nay phức tạp bởi lượng bệnh quá đông. Không chỉ ở TP Cần Thơ, mà các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau cũng có trẻ đến điều trị tại BVNĐ TP Cần Thơ. Bệnh ở các tỉnh phần đông đến muộn, khi trẻ đã sốt từ 3-5 ngày.

Ngoài ra, số lượng bệnh nặng cũng nhiều hơn năm trước, trẻ sốt cao liên tục, ói, đau đầu, đau bụng, nôn ra máu, tiêu phân đen… Đáng lo ngại là tỷ lệ sốc, tái sốc, rối loạn đông máu, tổn thương đa cơ quan cũng nhiều hơn các năm trước.

Để tăng cường công tác điều trị, khoa có phòng cấp cứu, phòng bệnh nặng để theo dõi bệnh thường xuyên; bệnh nhi nhẹ hơn thì cho nằm ở phòng thường. Khoa trang bị đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, dịch truyền, bộ đặt nội khí quản, hệ thống oxy…

Các ca tái sốc, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc nghi có tổn thương đa cơ quan… Khoa phối hợp, chuyển ngay bệnh nhi đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc theo dõi điều trị. 

Điều đáng lo ngại hiện nay, bệnh SXH ban đầu chỉ có các triệu chứng sốt, ho, viêm mũi họng… dễ nhầm lẫn với những bệnh khác nên gia đình chỉ đến nhà thuốc mua thuốc cho trẻ uống, làm chậm trễ quá trình điều trị.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh SXH không nên hạ sốt bằng aspirin, ibuprofen vì có nguy cơ gây xuất huyết dạ dày, làm cho bệnh nặng hơn. 
Tăng cường phối hợp 

Bác sĩ Thạch Minh Đức khuyến cáo khi trẻ sốt cao, đau đầu, buồn nôn… đang trong mùa dịch thì nên nghĩ đến SXH, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được điều trị kịp thời. Khi điều trị tại nhà, lưu ý dùng thuốc hạ sốt paracetamol đúng liều, có trường hợp cho uống đúng liều nhưng sử dụng cùng lúc thuốc uống và đặt hậu môn, lại sử dụng nhiều lần trong ngày nên gây quá liều, có thể gây tổn thương gan. Cho trẻ ăn lỏng, thức ăn dễ tiêu, uống bù nước đúng (các loại nước trái cây, nước chín), không ăn những thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ, nâu; lau mát khi trẻ sốt cao đúng cách. 

Từ đầu năm đến ngày 26-7-2017, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng TP Cần Thơ ghi nhận 702 ca SXH nhập viện điều trị, tăng 267 ca.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: “3 năm gần đây, SXH tăng liên tục. Bây giờ mới là tháng 7 mà SXH tăng cao như vậy, rất lo ngại vì thường đỉnh dịch SXH là tháng 9 và 10".

"Ngay từ cuối năm 2016, SXH đột ngột tăng cao, Sở Y tế chỉ đạo các địa phương triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phòng chống SXH. So với năm rồi, năm nay, TP Cần Thơ thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng nhiều hơn 2 đợt, ngành y tế cũng tổ chức phun thuốc diện rộng ngay trong mùa nắng”.

Tuy nhiên, dịch bệnh SXH vẫn tiếp tục tăng.

Trước tình hình trên, Sở Y tế vừa chỉ đạo TTYT dự phòng thành phố và TTYT quận, huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch SXH, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng kết hợp diệt lăng quăng tại các địa phương có nguy cơ cao; tăng cường giám sát chặt chẽ ca bệnh, điều tra và xử lý kịp thời. Với ca độ A, B, trạm y tế xử lý, TTYT quận, huyện giám sát. Với ổ dịch, TTYT quận, huyện phối hợp trạm y tế xử lý, TTYT dự phòng thành phố giám sát. Các đơn vị chủ động phun hóa chất tại các khu vực có mật độ muỗi SXH, lăng quăng cao.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cũng lưu ý khi nhận thông tin có ca bệnh SXH, trạm y tế cần tiến hành xử lý ngay, mới diệt được mầm bệnh, không để lây lan. 

Với các cơ sở điều trị, Sở Y tế chỉ đạo chuẩn bị giường bệnh, thuốc, dịch truyền, máu sẵn sàng thu dung điều trị trong mọi tình huống dịch; không để xảy ra tử vong do thiếu tinh thần trách nhiệm, điều trị không đúng phác đồ, thiếu thuốc, dịch truyền, phương tiện…

Sở Y tế cũng giao BVNĐ TP Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Đa khoa thành phố thành lập 2 tổ cấp cứu ngoại viện hỗ trợ tuyến dưới; duy trì đường dây nóng với tuyến cơ sở để hướng dẫn, trao đổi thông tin về chuyên môn. Sở Y tế cũng chỉ đạo các trạm y tế phối hợp các trường học trên địa bàn tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng vào đầu năm học. 

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, trước tình hình dịch SXH, sắp tới, Trung tâm tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông cập nhật tình hình SXH hằng ngày.

Từ nay đến cuối năm 2017, tiếp tục thực hiện 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng (các quận, huyện: Ninh Kiều, Ô Môn, Cái Răng… đã chủ động thực hiện chiến dịch trước).

Trung tâm tăng cường cử cán bộ giám sát, hỗ trợ các địa phương có ca bệnh tăng, nguy cơ bùng phát dịch... Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phòng, chống dịch. 

Thống kê BVNĐ TP Cần Thơ, từ đầu năm 2017 đến ngày 27-7, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú 1.022 ca SXH, tăng gần 32%; trong đó, có 687 ca bệnh đến từ TP Cần Thơ, tăng 48% so với cùng kỳ 2016.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết