Những năm gần đây, với sự sáng tạo của người dân, cá lau kiếng đã được chế biến thành nhiều món ngon đặc sắc. Tận dụng nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có trong thiên nhiên, các thành viên Tổ hợp tác (THT) “Thu mua, chế biến cá lau kiếng” tại khu vực Thới Bình, quận Thốt Nốt đẩy mạnh hoạt động thu mua, chế biến, từng bước mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Lê Kim Phượng, Tổ trưởng THT “Thu mua, chế biến cá lau kiếng” khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt tất bật phơi khô để kịp giao khách hàng.
Từ sáng sớm, dọc theo tuyến đường dẫn vào khu vực Thới Bình, hàng chục lao động đã tất bật làm sạch, xẻ, tẩm ướp... cá lau kiếng. Tranh thủ tiết trời nắng ráo, bà con đem những mẻ cá ra giàn phơi. Chị Lê Kim Phượng, Tổ trưởng THT “Thu mua, chế biến cá lau kiếng” khu vực Thới Bình, cười giòn: “Chỉ cần một buổi nắng to, cá đã bắt đầu ráo. Ở THT, khô cá lau kiếng làm ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu. Khách hàng rất ưa chuộng loại khô này nên hàng không đủ cung ứng cho thị trường”.
Chị Phượng là người đầu tiên có ý tưởng chế biến khô cá lau kiếng và cũng là hộ làm nghề có quy mô lớn nhất tại THT. Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, chị Phượng kể: “Trước đây, người dân đánh bắt gặp phải cá lau kiếng thì đổ bỏ. Loài cá này sinh trưởng rất nhiều, mỗi lần dở chà là bắt được cả trăm ký cá. Thấy vậy, tôi chế biến cá lau kiếng thành nhiều món, như nướng, làm khô, chả cá... Ban đầu, tôi chỉ chế biến tặng người thân trong gia đình. Từ sự phản hồi tích cực của mọi người, tôi mạnh dạn làm, đem sản phẩm “chào hàng” ở nhiều chợ đầu mối. Dạo đó, mỗi ngày, tôi chỉ bán được 4-5kg chả cá lau kiếng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, thị trường này càng “nở nồi”, tôi vận động và hướng dẫn bà con lân cận làm theo”. Theo chị Phượng, tháng 6-2022, Hội Nông dân phường Thới Thuận chính thức vận động thành lập THT “Thu mua, chế biến cá lau kiếng” tại khu vực Thới Bình, giúp bà con đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất.
Tranh thủ trở những con khô cá lau kiếng, chị Phượng cho biết thêm: “Hiện nay, ngoài cá tươi, khô và chả cá lau kiếng là 2 mặt hàng chủ lực của THT. Việc chế biến khô cá lau kiếng rất công phu, từ khâu làm cá, muối, rửa và quan trọng nhất là ướp gia vị. Giá khô dao động khoảng 220.000 đồng/kg; còn chả cá có giá 45.000 đồng/kg”. Chị Phượng kể, mỗi ngày, chị bán khoảng 600-700kg cá tươi, chả cá bán được 1 tấn mỗi tháng; riêng khô cá lau kiếng thì có hàng bao nhiêu sẽ giao khách bấy nhiêu. Sau khi trừ chi phí, chị thu lời khoảng 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị thuê gần 20 nhân công làm thường xuyên với mức tiền công 300.000 đồng/người/ngày.
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền - một gia đình gắn bó với nghề chế biến cá lau kiếng hơn 10 năm nay. Chị Tuyền cho biết: “Thấy chị Phượng khởi xướng làm nghề, tôi mạnh dạn hưởng ứng. Nhiều năm nay, tôi chủ yếu bán cá tươi và nhận các công đoạn làm chả cá để giao mối cho chị Phượng. Nghề này cũng khá vất vả nhưng làm riết tay quen. Khoảng 3-4 năm nay, tôi làm thêm khô cá lau kiếng, được khách khắp nơi đặt hàng nên có thu nhập ổn định”.
Cách nhà chị Tuyền không xa, gia đình bà Chế Thị Ngọc Khiết cũng có thu nhập khá nhờ nghề chế biến cá lau kiếng. Bà Khiết nói: “Trước đây, tôi làm mắm bán nhỏ lẻ ở chợ nên thu nhập không cao. Thấy nhiều gia đình chế biến cá lau kiếng khá lên, tôi quyết định theo nghề”. Bà Khiết phấn khởi chia sẻ, mỗi ngày, gia đình bà làm khoảng 500-700kg cá tươi và chế biến thêm cá khô; trừ chi phí cũng kiếm được khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Theo nhiều bà con, cái hay của nghề chế biến cá lau kiếng còn ở chỗ tận dụng bán tất cả nguyên liệu. Da, xương, đầu cá sau khi làm sẽ được các công ty chế biến thức ăn gia súc thu mua với giá 1.000 đồng/kg. Các hộ làm nghề hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là những tháng gần Tết. Nguồn nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến khô cá, chả cá được các hộ dân làm nghề thu mua trực tiếp mỗi ngày, đảm bảo tươi mới. Với chất lượng thơm ngon, gia vị vừa phải, món khô, chả cá lau kiếng của THT ngày càng chiếm được cảm tình của người dùng.
Ông Huỳnh Văn Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, cho biết, THT “Thu mua, chế biến cá lau kiếng” tại khu vực Thới Bình hiện có 8 thành viên tham gia. Hoạt động của THT đang ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương; trong đó có 20 lao động thường xuyên. Để hỗ trợ bà con mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân phường đang đề xuất hỗ trợ cho các thành viên được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố. Đồng thời, Hội sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thành viên xây dựng thương hiệu... để các sản phẩm của THT ngày càng vươn xa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Kiến Quốc