13/05/2011 - 21:49

Sống để làm từ thiện

Ký * HUỆ HOA

Nhắc đến chú Lê Hữu Thành, ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch UBND phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, tấm tắc khen: “Chú Thành thường đi vận động kinh phí và xuất tiền túi làm đường, bắc cầu, làm bờ kè, giúp đỡ người nghèo, bệnh tật ở địa phương. Mấy năm trước chú còn hiến đất làm nghĩa trang nhân dân. Bà con trong khu vực rất quí mến, kính trọng chú”.

* Nặng nợ với cầu, đường

 Cầu Ngã Cái, một trong những cây cầu được chú Thành xuất tiền túi
và vận động nhân dân đóng góp xây dựng. Ảnh: ĐOÀN LÝ.

Từ cầu Trà Bay, đi vào khoảng hơn 1 km là đến địa phận khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, tôi dừng xe hỏi thăm đường vào nhà chú Thành, một người dân tủm tỉm cười, chỉ cây cầu trước mắt, nói: “Cây cầu Ngã Cái này là do ổng bắc đó. Chị qua cầu, quẹo trái, đến nhà có cổng màu xám là nhà ổng đó, mà giờ này ổng không có ở nhà đâu. Ổng đi làm bờ kè rồi, chị quay xe lại, chạy thẳng vài trăm mét là gặp ổng”.

Tôi quay đầu xe, chạy vài trăm mét, gặp một tốp có người già và người trẻ cùng nhau xúc cát làm bờ kè. Trong nhóm thợ, có người đàn ông trạc ngoài 60 tuổi, dáng người thấp đậm, nước da ngăm, vừa xúc cát vừa chỉ anh em thợ cùng làm. Tôi đoán là chú Thành nên đến hỏi chuyện. Chú Thành cất tiếng cười sảng khoái, rồi kể: “Rạch Trà Bay này ghe chở lúa lưu thông thường xuyên nên bị lở. Xe lớn không dám đi. Tôi đứng ra xin chính quyền làm. Bà con đến phụ làm rất đông, đáng lẽ xong rồi nhưng tôi tính để lăm le đá, xi măng vài bữa cho dẻ rồi mới tráng xi măng hoàn thành”. Bờ kè này dài 40m, kinh phí xây dựng khoảng 50 triệu đồng (chưa kể phần nhân công). Chính quyền, ban ngành địa phương hỗ trợ, bà con tự giác đóng góp, ước cũng được hơn 10 triệu đồng, còn lại chú Thành xuất tiền túi làm. Chú Lê Văn Hiệu, hàng xóm chú Thành, kể: “Chú Thành bắc cầu, làm đường từ thiện cũng khoảng 30 năm rồi. Anh em tôi cũng tham gia làm phụ. Nhưng lần làm bờ kè này, chú Thành bị bể “nợ” rồi. Vì ở khu vực, chú cũng mới mở rộng 1 cây cầu Mương Khai và Ngã Cái. Bà con đã đóng góp nên lần làm bờ kè này, bà con không còn khả năng đóng góp, chú gần như ôm sô lo hết. Kinh phí nhiều quá nên mới đây chú cũng bàn với tôi chắc là đem cho mướn 5 công ruộng để trả tiền vật tư làm bờ kè”.

Cầu Mương Khai và Ngã Cái cũng do chú Thành đứng ra vận động nhân dân xây dựng. Chú Thành kể: “Chuyện xảy ra lâu rồi nên tôi cũng không nhớ rõ lắm. Chừng khoảng năm 1985, tôi đứng ra vận động người dân làm cầu Ngã Cái. Tui cùng 3 cụ phụ lão trong ấp đi từng nhà vận động. Tùy khả năng đóng góp, hộ ít nhất cũng là 1 giạ lúa. Hộ nào nghèo, khó khăn thì khỏi đóng góp. Hôm làm cầu, bà con kéo đến 50-60 người. Chiếc cầu hoàn thành với chiều dài 30m, ngang 2m”. Riêng chú Thành đã bỏ ra 30 giạ lúa để làm cây cầu này. Năm 1986, chú lại tiếp tục đứng ra vận động nhân dân trong ấp xây dựng cầu Mương Khai với chiều dài 21m, ngang 2m. Sau hơn 20 năm sử dụng, 2 cây cầu vẫn còn rất tốt nhưng do xe gắn máy ngày càng nhiều, cầu trở nên nhỏ hẹp, nhiều vụ tai nạn do cua gấp đã xảy ra. Lần này chú không đi từng nhà vận động nhân dân đóng góp nữa mà tùy vào khả năng của bà con. Chi phí mở rộng 2 cây cầu khoảng 50 triệu đồng, trong đó bà con đóng góp 40 triệu đồng, còn lại chú Thành đóng góp. Nhân công do bà con trong khu vực tự nguyện cùng nhau làm. Không chỉ 2 cây cầu này mà ở trong khu vực, chú Thành còn vận động bắc cầu bằng gỗ căm xe với chiều dài 30m, ngang khoảng 2m và còn hơn 10 cây cầu nhỏ, bắc qua rạch, chiều dài vài mét bằng gỗ cũng do chú Thành đứng ra làm. Chú Thành kể: “Tôi vận động bà con bắc cầu lớn, phần kinh phí dư ra thì bắc thêm cầu nhỏ, thiếu thì tui lấy tiền nhà bỏ vô”.

Chú Thành bắt đầu làm từ thiện từ năm 1976, lúc đó chú mới 27 tuổi. Mở đầu cho những hoạt động từ thiện của chú Thành là đoạn đường dài 3km, ngang 1,5m ở trên ấp Tràng Thọ 2 (nay là khu vực Tràng Thọ B). Trước đây, đường sình lầy, trơn trợt, người dân đi lại khó khăn nhất là các em học sinh thường xuyên té ngã. Thấy vậy chú Thành thuê xe đi lên tận lò gạch ở Châu Đốc xin gạch vụn về làm đường. Mỗi hộ dân tùy khả năng, đóng góp từ 20.000-50.000 đồng. Ngày khởi công làm đường, gần 200 bà con trên tuyến lộ xúm nhau đập gạch lót đường, rồi rải cát núi lên mặt nên chẳng bao lâu hoàn thành con đường. Sau đó, mỗi năm chú đều cùng bà con tu bổ lại, vì sau một mùa mưa là cát trôi hết. Sau này, có một Việt kiều tài trợ, phường đã nâng cấp con đường này thành lộ bê tông.

Không chỉ làm cầu, đường trong khu vực, chú Thành còn đứng ra coi sóc vật tư, nhân công làm trên 30 cây cầu ở một số huyện của TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Những cây cầu này, người dân địa phương, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, chú Thành đứng ra trông coi kỹ thuật và huy động nhân công làm. Đội nhân công của chú Thành lao động với tinh thần từ thiện là chính.

* Hết lòng với người nghèo

19 năm nay, chú Thành gắn bó với Tổ Nhân đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, là một trong những thành viên đứng ra vận động thành lập Tổ Nhân đạo. Tổ nấu cơm, cháo, đồ chay và nước sôi phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Hiện nay, chú Thành là Tổ trưởng Tổ Cờ Đỏ với hơn 100 thành viên. Theo lịch của Tổ, cứ 5 tuần là chú khăn gói lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ nấu cơm, cháo, đồ chay, nước sôi phát cho bệnh nhân nghèo. Thành viên nào trong tổ không có tiền đi xe, mà có tâm nguyện muốn đến Tổ Nhân đạo để làm việc thì chú giúp tiền xe.

Nhà chú Thành cũng là một địa chỉ nhân đạo ở địa phương. Mỗi khi bà con trong khu vực thiếu tiền trị bệnh, gặp lúc khó khăn hoặc người lỡ đường, không có tiền đi xe, bà con liền chỉ đến nhà chú Thành. Những lần ấy, có nhiều thì chú cho nhiều, có ít thì cho ít. Tôi hỏi: “Họ là người qua đường, lỡ họ gạt tiền chú thì sao?”. Chú Thành cười hiền: “Người ta đến nhờ mình, thôi thì giúp người ta, lỡ người ta khổ thiệt mà mình không giúp thì mang tội”.

Năm 2006, chú Thành bàn bạc với chị ruột hiến 1.600 m2 đất để làm nghĩa trang từ thiện. Đất ruộng thấp nên chú thuê 7.000 chuyến xuồng chở đất tôn nền lên cao để mùa mưa khỏi ngập mộ. Với diện tích ấy có thể được 500 ngôi mộ. Ai không có đất chôn cất, tìm đến là chú đồng ý, không cần bất cứ giấy tờ nào. Bà con tìm đến đông, đến nay nghĩa trang đã có hơn 200 ngôi mộ.

Nhiều người thấy những việc chú Thành làm, họ tưởng gia đình chú kinh tế khá giả lắm. Nhưng thật ra, cha mẹ mất, chú Thành sống cùng người chị thứ 5. Chị cho 6 công ruộng, 4 công vườn. Người chị này có quán bán cơm tấm, chăm lo cho chú. Vì thế tất cả huê lợi từ ruộng vườn, chú đều dành để làm từ thiện. Cách đây hơn 10 năm, chú Thành bị bệnh đau bao tử rất nặng, tưởng không qua khỏi. Khi bớt bệnh, chú chuyển sang ăn cơm muối mè, rau luộc cho đến ngày nay. Chú không vợ con, không rượu, cà phê, thuốc lá... nên hàng tháng cũng chẳng chi xài gì nhiều, làm được bao nhiêu chú dành hết cho công tác từ thiện. Tâm nguyện cả đời của chú Thành là: “Việc gì có ích cho mọi người là tôi làm!”.

Chia sẻ bài viết