27/05/2022 - 12:48

Sớm triển khai nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 923 

Là tuyến giao thông chính nối liền huyện Phong Điền với quận Ô Môn (TP Cần Thơ), tỉnh lộ 923 đáp ứng nhu cầu giao thông, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của người dân tại 2 địa phương. Tuy nhiên, với quá trình đô thị hóa, đời sống vật chất người dân phát triển, phương tiện giao thông đi lại ngày càng nhiều trong khi tỉnh lộ 923 đã quá tải, xuống cấp, ảnh hưởng đến an toàn giao thông... Sớm nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 923 là giải pháp khắc phục tình trạng trên...

Công trình bức xúc

Tỉnh lộ 923 hiện hữu qua quận Ô Môn sẽ được nâng cấp, mở rộng.

Tỉnh lộ 923 hiện hữu qua quận Ô Môn sẽ được nâng cấp, mở rộng.

Đường giao thông tỉnh lộ 923, đoạn từ cầu Nhiếm (huyện Phong Điền) đến quận Ô Môn, tấp nập phương tiện giao thông đi lại nhưng nhỏ hẹp, xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cho biết: "Tuyến đường tỉnh lộ 923 chật hẹp, mỗi khi phương tiện xe bốn bánh, xe tải đi qua thì xe gắn máy, xe đạp, người đi bộ phải né tránh trên lề đường. Từ khi thông tin xây dựng, mở rộng đường tỉnh 923 người dân rất vui mừng, phấn khởi và mong tuyến đường sớm được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng…".

Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 923 được HĐND TP Cần Thơ thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 38/NĐ-HĐND ngày 4-12-2020 và được UBND thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 1466/QĐ-UBND ngày 9-7-2021, với tổng mức đầu tư trên 576 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng trên 307 tỉ đồng, phần còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các khoản chi phí khác… Dự án có tổng chiều dài 13,8km, trong đó xây dựng mới 3,1km (từ cuối đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đến tỉnh lộ 923 thuộc xã Tân Thới); nâng cấp mở rộng 10,7km, đoạn từ xã Tân Thới đến điểm cuối giao với quốc lộ 91 (quận Ô Môn).

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ (chủ đầu tư dự án), đến nay dự án đã ký hợp đồng thi công nhiều gói thầu xây dựng đường và cầu với các công ty: Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông 309, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Kỹ thuật Đức Hùng, Liên danh Hợp tác xã xây dựng Thanh Bình, Công ty TNHH Thăng Long… Thời gian xây dựng công trình là 560 ngày. Riêng gói thầu tư vấn, giám sát thi công do Sở GTVT với Liên danh Công ty CP tư vấn xây dựng Khánh Hưng và Công ty TNHH TV&XD Minh Vũ, thực hiện… Dự kiến, dự án khởi công xây dựng vào cuối quý II-2022. Theo kế hoạch, năm 2022, số tiền giải ngân cho dự án là 298 tỉ đồng. Trong đó, tạm ứng 30% giá trị hợp đồng thi công xây lắp (92 tỉ đồng); chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 206 tỉ đồng…

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: "Để dự án khởi công vào cuối quý II này, Sở đã đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất thành phố sớm trình UBND thành phố phê duyệt giá đất cụ thể để làm căn cứ áp giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công".

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 923 có tổng số 1.470 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó huyện Phong Điền có 750 trường hợp, quận Ô Môn có 720 trường hợp. Đến nay, Phong Điền đã kiểm tra, đo đạc, kiểm đếm nhà, vật kiến trúc được 136/750 trường hợp, đồng thời công tác này sẽ hoàn thành trong tháng 7-2022. Riêng đoạn xây dựng mới (3,1km), địa phương lập phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và trình phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ đủ điều kiện trên địa bàn. Các công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước ảnh hưởng dự án cũng được đơn vị quản lý hoàn thành hồ sơ, phương án thiết kế - dự toán di dời trình thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Tại quận Ô Môn, công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất, nhà, vật kiến trúc cũng được tiến hành, với 689/720 hộ (còn 31 hộ đang liên hệ do đi khỏi nơi cư trú). Dự kiến, công tác này hoàn thành trong tháng 7-2022…

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, khó khăn hiện nay là công tác xét tính pháp lý, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa đáp ứng nhu cầu của dự án; phê duyệt giá đất cụ thể để tính đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn chậm; khu tái định cư của huyện Phong Điền xây dựng chậm, không có nền tái định cư cho các hộ dân, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước) còn chậm thực hiện thủ tục di dời. Đặc biệt, từ đây đến cuối năm, dự án cần bổ sung 145 tỉ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng…

Sở GTVT TP Cần Thơ yêu cầu UBND quận Ô Môn, huyện Phong Điền chỉ đạo Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm đất, nhà, vật kiến trúc, xét pháp lý, áp giá và phê duyệt kinh phí bồi thường trước ngày 30-6-2022. Đặc biệt, đề nghị UBND huyện Phong Điền ưu tiên bàn giao đoạn xây dựng mới để công trình được khởi công sớm. Các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng dự án sớm cung cấp hồ sơ pháp lý để xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời theo quy định; sở, ngành chức năng tham mưu, trình UBND thành phố điều chuyển, bổ sung kế hoạch vốn kịp thời để giải ngân cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong năm 2022...

Gần đây, tại buổi làm việc về công tác triển khai Dự án xây dựng và nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 923, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: "UBND huyện Phong Điền, quận Ô môn đẩy nhanh tiến độ điều tra, kiểm soát, kiểm đếm, đo đạc diện tích đất đai, hoa màu, vật kiến trúc của người trên toàn tuyến. Trên cơ sở đó áp dụng bồi thường thiệt hại, hỗ trợ di dời, xét tái định cư theo quy định, chậm nhất đến ngày 30-6-2022 bàn giao mặt bằng để khởi công dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thành phố theo dõi, bố trí vốn kịp thời để dự án thực hiện thi công đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và hoàn thành theo quy định…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết