21/04/2022 - 07:37

Sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản 

Ban Ðô thị HÐND thành phố vừa giám sát công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản (BÐS), hoạt động kinh doanh và dịch vụ BÐS trên địa bàn thành phố. Qua giám sát, cho thấy nhiều chủ đầu tư dự án (DA) thực hiện tốt quy định của Nhà nước, DA sau khi hình thành đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DA chưa đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phần đất nằm trong DA chưa đưa vào danh mục thu hồi đất năm 2022, công tác định giá đất còn chậm, gây khó khăn cho chủ đầu tư.

Ðoàn giám sát của Ban Ðô thị HÐND thành phố khảo sát tại DA khu đô thị mới STK An Bình, quận Ninh Kiều.

Trước khi giám sát, Ðoàn giám sát đã khảo sát nhiều DA kinh doanh BÐS trên địa bàn thành phố. Qua khảo sát cho thấy một số chủ đầu tư các DA thực hiện tốt công tác GPMB, lập hồ sơ thiết kế cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần tạo bộ mặt đô thị cho các địa phương càng thêm khởi sắc.

Ông Lê Hải Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư STK, cho biết: “Công ty đang đầu tư DA khu đô thị mới STK An Bình, quận Ninh Kiều. DA có tổng diện tích 10,5ha, với 335 căn nhà ở liên kế và biệt thự. Ðến nay, đã hoàn thiện hạ tầng được 95% khối lượng công trình và đang chuẩn bị xây dựng nhà mẫu".

Ông Lê Hải Phú kiến nghị UBND thành phố sớm ban hành giá đất để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, tiến hành giao dịch đúng theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Thanh Hào, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH BÐS An Khương, cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư DA khu đô thị mới Cồn Khương, với diện tích 23ha. Ðến nay, đã GPMB được hơn 15ha, phần còn lại đang tiến hành các thủ tục GPMB. Tôi kiến nghị UBND thành phố và các đơn vị liên quan sớm ban hành nghị quyết thông qua danh mục các DA cần thu hồi đất năm 2022 để Công ty tiến hành chi trả, GPMB theo đúng quy định”.

Qua khảo sát, Ðoàn giám sát nhận thấy nhiều DA BÐS trên địa bàn thành phố chưa được đưa vào danh mục thu hồi đất năm 2022 nên công tác GPMB còn vướng mắc, chưa ban hành giá đất nên các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế…

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, cho biết: Từ năm 2015 đến năm 2021, Sở đã tiếp nhận, giải quyết 752.321 hồ sơ, tương đương 950.998 giấy chứng nhận. Qua đó, đã cấp 137.428 giấy chứng nhận cấp đất nền và quyền sở hữu nhà ở. Ðối với một số DA, việc cấp giấy chứng nhận và chuyển dịch quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất còn gặp khó khăn do thành phố chưa ban hành giá đất nên các chủ đầu tư DA chưa hoàn thành các nghĩa vụ về thuế.

"Sắp tới, Sở tiếp tục kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất thành phố, ban hành quyết định giá thu tiền sử dụng đất đối với các DA trên địa bàn thành phố để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư” - ông Nguyễn Chí Kiên nói.

Thực tế, các DA đầu tư nhà ở trên địa bàn thành phố tạo ra nguồn cung dồi dào về sản phẩm đất nền, nhà ở, đáp ứng nhu cầu thị trường và thu hút các nhà đầu tư. Nhu cầu về sử dụng đất, sở hữu nhà ở của các nhà đầu tư kéo theo thị trường BÐS, hoạt động kinh doanh và dịch vụ BÐS trên địa thành phố ngày càng sôi động.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 50 DA đầu tư xây dựng nhà ở. Trong đó, có 34 DA nhà ở thương mại, 5 DA nhà ở xã hội, 6 DA nhà ở tái định cư, cải tạo xây dựng lại chung cư và 5 DA BÐS khác. Trên địa bàn thành phố có 14 sàn giao dịch kinh doanh BÐS được công nhận và cấp 602 chứng chỉ hành nghề môi giới BÐS”.

Tuy nhiên, trong quá trình giám sát, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại khi có chủ đầu tư DA kinh doanh BÐS không đủ điều kiện để kinh doanh.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HÐND thành phố, thông tin: “Thời gian qua, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng hợp đồng góp vốn hay huy động vốn không đúng quy định Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BÐS. Tôi đề nghị các sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra để các DA BÐS trên địa bàn thành phố đảm bảo quyền và lợi ích của người dân”.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Ban Ðô thị, HÐND thành phố, đề nghị Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường BÐS và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường BÐS, không để xảy ra tình trạng sốt giá và "bong bóng" BÐS trên địa bàn thành phố; khẩn trương kiện toàn Hội đồng giá đất thành phố để sớm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư; có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh BÐS tại địa phương... Ðồng thời, nghiên cứu tham mưu UBND có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để công tác quản lý nhà nước về thị trường BÐS được tốt hơn.

Chia sẻ bài viết