05/03/2013 - 21:01

Sớm gỡ khó cho ngành thủy sản

Thu hoạch cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Cá tra, tôm nước lợ là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, hằng năm mang lại nguồn ngoại tệ lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, con cá tra và tôm tại ĐBSCL vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn cần có giải pháp tháo gỡ…

* Nhiều khó khăn, thách thức

Nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chủ lực của ĐBSCL là con cá tra và tôm nước lợ. Tuy nhiên, 2 loài này đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, có nhiều khó khăn vốn đã tồn tại trong các năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu vốn trong sản xuất, giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí sản xuất đầu vào có xu hướng ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra khá bấp bênh. Nhiều lúc người nuôi phải bán sản phẩm với giá thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Doanh nghiệp chế biến thủy sản thiếu sự gắn kết với nhau và gắn kết với nông dân dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp cạnh tranh thiếu lành mạnh, “tranh mua, tranh bán” gây bất ổn vùng nguyên liệu, ảnh hưởng xấu đến giá xuất khẩu. Hơn nữa, rủi ro trong chăn nuôi ngày càng tăng do chất lượng con giống, thức ăn, nguồn nước… chưa đảm bảo và sự xuất hiện nhiều loại dịch bệnh. Tỷ lệ cá tra nuôi bị hao hụt chỉ ở mức 10-15% các năm trước thì nay đã lên mức 30-50%. Điều này phản ảnh chất lượng con giống và các điều kiện nuôi đang có dấu hiệu bất ổn mới. Đối với con tôm nước lợ, thực tế càng đáng báo động hơn khi tôm nuôi công nghiệp phải đối mặt với hội chứng tôm chết sớm (EMS) và nhiều loại dịch bệnh khiến tỷ lệ tôm hao hụt trong ao nuôi rất lớn, thậm chí “mất trắng”. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2012 cả nước có khoảng 100.776 ha/655.156 ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (trong đó 91.174 ha tôm sú và 7.068 ha tôm thẻ), bao gồm các hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đốm trắng, đầu vàng… đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất chủ yếu là ở vùng ĐBSCL do nơi đây chiếm hơn 90,6% về diện tích nuôi tôm và 75,2% sản lượng tôm cả nước.

Theo Bộ Công thương, năm 2012, thủy sản nước ta xuất khẩu đi 156 thị trường với tổng giá trị đạt 6,134 tỉ USD, tăng 0,3% so với năm 2011. Tháng 1 - 2013, xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt 486,689 triệu USD, tăng 139% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này không báo hiệu nhiều tín hiệu tích cực của xuất khẩu thủy sản năm 2013. Bởi chủ yếu do cùng kỳ là giai đoạn nghỉ lễ, Tết của nước ta và nhiều nước châu Á nên xuất khẩu của cùng kỳ năm 2012 giảm mạnh. Hơn nữa, các nước Asean và Trung Quốc trong tháng 1 -2013 tăng mạnh nhập khẩu để phục vụ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Năm 2013, các khó khăn của xuất khẩu thủy sản năm 2012 vẫn còn tồn tại và còn phát sinh một số khó khăn mới. Cá tra và tôm xuất khẩu đều đang đối mặt với rào cản kỹ thuật từ các thị trường và sức tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu bị giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Trong khi đó, xuất khẩu tôm của đang đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp của Liên minh ngành khai thác tôm Mỹ (COGSI). Ngày 28-12-2012, COGSI đã đệ đơn kiện chống trợ cấp với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước khác lên Bộ Thương mại Mỹ với lý do nghi ngờ tôm nhập khẩu từ các nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ. Chính vì vậy, nếu không giải quyết tốt vụ kiện này thì doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ bị 2 loại thuế là bán phá giá và bán trợ cấp… Những thông tin sai lệch về cá tra Việt Nam tại châu Âu, cá tra bị mất giá trị thực trên thị trường do sự cạnh tranh nội bộ và mất cân đối quan hệ cung cầu là những nguyên nhân khiến giá cá tra sụt giảm. Tình trạng sản xuất tự phát, bất chấp mọi lời cảnh báo của cơ quan quản lý đã dẫn đến sản lượng cá tra quá lớn, vượt nhu cầu thị trường làm giá giảm ở cả nội địa và xuất khẩu, gây thiệt hại nặng cho cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu.

* Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: Thủy sản nuôi trồng đang chiếm khoảng 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Để phát triển bền vững, cần phải ổn định lại việc sản xuất và chú ý nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng thông qua việc quản lý tốt các quy hoạch về vùng nuôi, con giống, thức ăn, dịch bệnh và việc sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh… Đồng thời, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các tiến bộ kỹ thuật vào việc quản lý và có sự kết nối thông tin với tất cả các địa phương trong cả nước. Có như vậy, các bất cập trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vốn tồn tại trong nhiều năm qua mới có thể giải quyết tốt được.

Tại Hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều ý kiến cho rằng: Sau một thời gian phát triển “nóng” nay đã đến lúc cần quan tâm nhiều đến việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả cho người nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đặc biệt, để tiếp tục giữ vững và đạt mục tiêu tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 cũng như các năm tiếp theo, cần nhanh chóng thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Chính phủ cần sớm triển khai các chương trình phát triển các công trình thủy lợi phục vụ thủy sản và tăng cường sản xuất nguồn con giống chất lượng cao tại ĐBSCL để giảm rủi ro cho người sản xuất. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL đang có sự thay đổi về chi phí đầu tư và sự chuyển dịch mạnh từ hộ nuôi sang doanh nghiệp và hình thành các mô hình liên kết nuôi trồng. Tuy nhiên, hạn mức cho vay và nhiều cơ chế chính sách, nhất là về vốn của Nhà nước chưa được điều chỉnh kịp thời. Đây là nguyên nhân quan trọng góp phần làm nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp bị thiếu vốn. Vì vậy, các ngành hữu quan cần xem xét tăng hạn mức cho vay và thời hạn cho vay đối với các doanh nghiệp, người nuôi thủy sản giải quyết khó khăn, nhất là đối với các hộ nuôi và doanh nghiệp làm ăn tốt.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, trong quá trình vận động thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam tại ĐBSCL, các địa phương có nuôi cá tra trong vùng đều đồng thuận với nhau khá cao trong việc giữ và giảm sản lượng nuôi, chú trọng các biện pháp về nâng cao chất lượng, giá trị. Tuy nhiên, nói dễ, nhưng làm thì khó do chưa xây dựng được một cơ chế ràng buộc cũng như chưa làm tốt công tác thu thập thông tin, thống kê số liệu về vùng nuôi và phối hợp chặt giữa các địa phương. Tới đây, hy vọng với sự ra đời của Hiệp hội Cá tra Việt Nam và Nghị định về con cá tra sớm được ban hành sẽ giúp quản lý tốt diện tích, sản lượng nuôi cá tra tại ĐBSCL và có các điều kiện để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh các cơ chế chính sách cho phù hợp với tình hình mới trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các bộ ngành trung ương sẽ tích cực hỗ trợ các địa phương tháo gỡ các khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững con cá tra, con tôm đòi hỏi cần tiếp tục nâng cao vai trò của các hiệp hội nghề cá và cả ngành thủy sản.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết