07/08/2019 - 13:17

Sớm có giải pháp khắc phục sạt lở 

Hiện nay, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn quận Bình Thủy xuất hiện tình trạng sạt lở, sụp lún ảnh hưởng đến việc đi lại. Mặc dù chính quyền địa phương, các ngành, các cơ quan chức năng tiến hành gia cố, khắc phục sạt lở nhưng nhiều đoạn chưa đảm bảo an toàn.

Đất và cát ở tuyến đường cặp sông Bình Thủy bị sụp lún, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Vào khoảng tháng 6-2019, UBND phường An Thới nhận được phản ánh của người dân về tình trạng sụp lún và xuất hiện hàm ếch ở nhiều đoạn trên truyến đường giao thông cặp sông Bình Thủy. Trong đó, đoạn tại khu vực 1 xuất hiện hàm ếch rất nguy hiểm và có khả năng sạt lở xuống sông bất cứ lúc nào. Bà Phan Thị Điểm, ở khu vực 1, phường An Thới, cho biết: “Đầu tháng 6-2019, đoạn đường ngay phía trước sân nhà tôi bị sụp lún, phần đất và cát dưới mặt đường đã sụp xuống sông Bình Thủy. Mặc dù chính quyền địa phương đã gia cố tạm bằng cừ dừa và dùng bạt che chắn sóng, nước để hạn chế sạt lở sâu vào đất liền nhưng đất, cát vẫn sụp xuống sông. Hiện nay, đoạn đường này rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông vì không biết lở xuống sông lúc nào”.

Trước sự lo lắng của người dân, UBND phường An Thới đã gia cố tạm điểm sạt lở và báo cáo UBND quận Bình Thủy xem xét để sớm có giải pháp khắc phục. Ông Trần Bảo Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường An Thới, cho biết: “Qua khảo sát thực địa, tuyến đường cặp sông Bình Thủy từ cầu Rạch Dứa đến hết ranh Chùa Ông dài khoảng 630m, có đến 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 85m, hình thành hàm ếch, có khả năng lan rộng. Ngày 6-6-2019, UBND phường An Thới có công văn gửi đến Phòng Kinh tế quận Bình Thủy xem xét, đầu tư xây dựng bờ kè kiên cố cặp sông Bình Thủy”.

Trong những điểm sạt lở trên, ở đoạn ngay số nhà 157, chúng tôi gặp một số người đang đổ trụ bê tông để xây bờ kè kiên cố. Riêng 2 đoạn còn lại bị sụp lún đất, cát trong năm 2018, đã được gia cố tạm bằng cừ dừa, dùng tôn, bạt và bao đất che chắn. Đến nay, 2 đoạn này tiếp tục sụp lún phần đất và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Ông Phan Thanh Long, ở khu vực 1, phường An Thới, cho biết: “Đoạn sạt lở 65m gần nhà tôi đã gia cố 2 lần, nhưng đến nay phần đất tiếp tục sụp lún, nguy cơ sạt lở cao. Mặc dù địa phương và các ngành chức năng quan tâm gia cố nhưng chỉ được thời gian ngắn đã sụp lún trở lại. Về lâu dài, tôi đề nghị UBND quận, các ngành chức năng khắc phục bằng cách xây dựng bờ kè bê tông kiên cố để ngăn sóng và triều cường dâng cao, hạn chế sạt lở...”.

Trước đó, vào tháng 5-2019, tuyến đường rạch Cam thuộc khu Bình Yên B, phường Long Hòa xuất hiện điểm sạt lở dài khoảng 25m, rộng 3m khiến tuyến đường bê tông sạt lở hoàn toàn xuống sông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ngày 11-6-2019, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn quận Bình Thủy đã có tờ trình số 43/TTr-PCTT-TKCN gửi đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố xin hỗ trợ kinh phí khắc phục các đoạn sạt lở ở phường Long Hòa và phường An Thới.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Công, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: “Trong tháng 5-2019, trên địa bàn quận xuất hiện 4 điểm sạt lở thuộc 2 phường Long Hòa và phường An Thới. Để đảm bảo an toàn cho người dân, Phòng Kinh tế quận và các địa phương đã gia cố tạm thời để chờ phương án khắc phục, lắp đặt biển báo để người dân cảnh giác, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Tháng 6-2019, Phòng phối hợp với Chi Cục thủy lợi thành phố tham mưu UBND thành phố thiết kế và dự toán kinh phí thực hiện để trình UBND thành phố xin hỗ trợ kinh phí khắc phục, gia cố các điểm sạt lở trên địa bàn quận để người dân đi lại thuận tiện”.

Về lâu dài, quận Bình Thủy rất cần được thành phố hỗ trợ cả về kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các biện pháp phù hợp, căn cơ nhằm khắc phục sạt lở bờ sông.

Bài, ảnh: K.V

Chia sẻ bài viết