|
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với báo chí về vụ ra-đa Trung Quốc nhắm vào tàu Nhật. Ảnh: AFP |
Nhật Bản vừa lên tiếng cáo buộc hải quân Trung Quốc chĩa ra-đa dẫn đường vũ khí về phía lực lượng hải quân Nhật Bản tới hai lần trong vòng 3 tuần vừa qua một sự leo thang căng thẳng mà Tokyo cho là “đáng tiếc” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, làm gia tăng lo ngại hai cường quốc châu Á đang bên bờ vực xung đột quân sự.
Triển vọng đối thoại song phương bị đe dọa
Phát biểu trước báo giới vào tối 5-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết sự việc xảy ra từ hôm 30-1 gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng đến nay mới được xác nhận do họ cần thời gian thẩm tra. Theo đó, ra-đa nhằm vào tàu khu trục 4.400 tấn JS Yudachi của Nhật thuộc về tàu khu trục lớp Jiangwei-II có trang bị tên lửa của Trung Quốc “Việc chiếu ra-đa kiểm soát hỏa lực là rất bất thường. Điều đó sẽ tạo ra tình huống rất nguy hiểm nếu xảy ra sơ suất”- ông Onodera nói, đồng thời cho biết một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra vào ngày 19-1, khi tàu khu trục lớp Jiangwei-I của Trung Quốc hướng ra-đa vào một trực thăng của hải quân Nhật Bản. Theo ông Onodera, dù chưa khai hỏa nhưng hành động này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước. Tokyo đã chính thức phản đối Bắc Kinh về việc này.
Cũng trong ngày 5-2, Tokyo đã triệu đại sứ Trung Quốc nhằm phản đối sự hiện diện của tàu hải giám Trung Quốc trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một ngày trước đó. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói với báo chí rằng sự hiện diện của các tàu hải giám Trung Quốc là “vô cùng đáng tiếc và hoàn toàn không thể chấp nhận”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cho rằng tàu công vụ của họ “chỉ hoạt động tuần tra bình thường trong vùng biển của Trung Quốc”. Bộ Quốc phòng Nhật tiết lộ từ tháng 10 đến tháng 12-2012, nước này đã 91 lần điều động máy bay chiến đấu để xua máy bay Trung Quốc khỏi vùng trời thuộc khu vực tranh chấp con số cao nhất kể từ khi Tokyo bắt đầu công bố số liệu như thế từ năm 2005.
Cuối tháng trước, hy vọng về một cuộc họp thượng đỉnh song phương để bàn cách giải quyết tranh chấp nổi lên khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama đại diện cho chính phủ của Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe đến Bắc Kinh gặp gỡ Chủ tịch tương lai của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cộng thêm phản ứng kịch liệt từ phía Nhật cho thấy nỗ lực giảng hòa dường như đang bế tắc, khi cả hai bên đều ở thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Mỹ giục Nhật-Trung nối lại “đường dây nóng”
Đa số các nhà phân tích cho rằng chiến tranh có lẽ sẽ không xảy ra, nhưng điều đáng lo ngại nhất hiện nay là Nhật Bản và Trung Quốc đang thiếu các kênh liên lạc trực tiếp và một bộ quy tắc ứng xử giữa quân đội hai nước. Họ dẫn dụ, khi giới chức quân sự Nhật Bản muốn liên hệ với những người đồng cấp thuộc Quân đội Trung Quốc, tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh gửi một bản fax đến Bộ Quốc phòng Trung Quốc và chờ tới mấy ngày mới có hồi đáp.
Tháng 6-2012, giới chức hai nước đã nhất trí với kế hoạch thiết lập một “đường dây nóng” giữa các quan chức quốc phòng để liên lạc khi khẩn cấp, bao gồm sử dụng chung một tần số vô tuyến để các tàu và máy bay của hai nước trao đổi thông tin (bằng tiếng Anh) khi tiến đến gần nhau. Nhưng từ đó đến nay, kế hoạch này không có tiến triển gì thêm.
Theo phân tích của Tạp chí Phố Wall, tình trạng căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục sẽ gây khó cho Washington. Lý do là Mỹ hiện là liên minh quân sự lớn nhất của Nhật và hai nước có một hiệp ước an ninh lâu đời, trong đó, Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản trước mọi cuộc tấn công. Trong khi đó, Mỹ lại không muốn đối đầu với Trung Quốc và chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng từng hứa sẽ hạn chế tham gia vào các cuộc chiến.
Chính vì vậy, Mỹ thúc giục giới chức Nhật Bản cố gắng nối lại các cuộc đối thoại thiết lập về “đường dây nóng” với Trung Quốc, cho rằng những thỏa thuận như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn các vụ va chạm nhỏ lẻ bùng phát thành những cuộc xung đột lớn hơn. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tá Catherine Wilkinson, nhấn mạnh Mỹ luôn phản đối các động thái làm “gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ nhầm lẫn có thể hủy hoại sự ổn định và hòa bình trong khu vực”.
THANH TRÚC
(Theo Reuters, Wall Street Journal)