25/02/2015 - 20:48

Sẽ thắng nếu chuẩn bị kỹ

Từ 1-1-2015, hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN không phải chịu thuế nhập khẩu theo cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2015-2018. Cùng với đó, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand bắt đầu được cắt giảm thuế suất theo lộ trình. Đây là cơ hội để người tiêu dùng trong nước có thêm sự lựa chọn khi mua sắm. Đồng thời đặt ra yêu cầu doanh nghiệp (DN) trong nước phải đổi mới và năng động hơn để tránh nguy cơ “thua trên sân nhà”.

* Khi thuế suất nhập khẩu bằng 0%

Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 165/2014/TT-BTC bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, có thêm 1.715 dòng thuế giảm về 0% thay vì 5% như trước đây. Các nhóm hàng cắt giảm thuế thuộc các ngành nông nghiệp, nông sản (thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm), nhiên liệu (xăng dầu, than)… Như vậy, cùng với 6.859 dòng thuế được cắt giảm về 0% từ đầu năm 2012, tính đến nay, 90% các dòng thuế trong biểu ATIGA đã có thuế suất bằng 0%. Bên cạnh đó, 669 dòng thuế (tương đương 7%) gồm các mặt hàng nhạy cảm như sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất... có lộ trình cắt giảm thuế dài hơn và sẽ về 0% vào năm 2018. Cũng từ 1-1-2015, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand cũng được cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện các Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) và ASEAN –Úc - New Zealand (AANZFTA).

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN. Mặt khác, tự do hóa thương mại trong ATIGA đem đến nhiều cơ hội cho các DN trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú giá rẻ, trang thiết bị máy móc chất lượng... Tuy nhiên, xét đến cùng, người tiêu dùng trong nước vẫn là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Mức thuế giảm xuống thấp, gia đình tôi có thêm lựa chọn với những sản phẩm tốt nhất, đặc biệt là các sản phẩm về thủy hải sản; thịt gia súc, gia cầm; trái cây... Không chỉ vậy, giá cả các mặt hàng giữa các nước sẽ có sự cạnh tranh và ngày càng phù hợp hơn”. Còn theo ông Trần Thành Đông, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, buộc các DN đầu tư cho việc đa dạng hóa mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

 Khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, người tiêu dùng Việt có thêm nhiều sự lựa chọn khi mua sắm, còn DN phải nỗ lực hơn nữa để khẳng định vị thế, tránh nguy cơ bị mất
thị phần. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn hàng hóa nông sản tại Co.opmart Cần Thơ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhìn nhận vấn đề “thoáng” thì khi mức thuế giảm xuống bằng 0% sẽ là điều kiện lý tưởng để DN tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Và kết quả cuối cùng là đem đến người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý nhất…

* Để không “thua trên sân nhà”

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm báo động đối với việc sản xuất hàng hóa của nước ta và bản thân DN phải có sự chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi. Một khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, các nước nhập khẩu sẽ tăng cường các rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Vì vậy, việc trang bị thêm kiến thức, sản xuất theo quy trình tiên tiến, có cấp giấy chứng nhận, đáp ứng yêu cầu truy nguyên nguồn gốc sản phẩm... cần được DN chú trọng. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, cho biết: “Tác động tích cực từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm đầu ra của sản phẩm cơ khí Sông Hậu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu cứ “giậm chân tại chỗ” như hiện nay là vấn đề đáng lo ngại. Để chuẩn bị quá trình hội nhập diễn ra sâu rộng, thời gian qua, chúng tôi dồn sức đầu tư thêm trang thiết bị, máy móc; đề ra các giải pháp mở rộng thị trường. Đặc biệt, chúng tôi tập trung đào tạo nguồn nhân lực để tạo lớp kế thừa. Đối với ngành cơ khí, để có công nhân lành nghề phải trải qua quá trình đào tạo khoảng 10 năm chứ không phải chỉ một sớm một chiều mà có được”.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Công ty có nhiều lợi thế do đã có quá trình làm ăn lâu dài với nông dân theo hướng đầu tư khép kín từ khâu giống, sản xuất cho đến tiêu thụ. Do đó, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi thuế quan giảm xuống không phải là vấn đề quá bỡ ngỡ, thậm chí đây còn là cơ hội tốt để xuất khẩu gạo. Mặt khác, khi thuế quan giảm về 0%, chúng tôi có điều kiện tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Đặc biệt, giá vật tư đầu vào giảm, từ đó sẽ có lợi thế trong định giá xuất khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Lúa ĐBSCL và ngành nông nghiệp các địa phương phải vào cuộc để chọn ra một bộ giống mang tính chất chiến lược. Bộ giống này phải đề ra những quy định, tiêu chuẩn rõ ràng để nông dân và DN cùng tuân thủ, từ đó làm ra sản phẩm chất lượng ổn định, kiểu hình đồng nhất...”.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ là đối tượng nhạy cảm, dễ bị tác động nhất nếu hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ. Chính vì vậy, bản thân DN phải trang bị sức chiến đấu, chú trọng công tác quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Với những DN có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là cơ hội vàng. Ngược lại, nếu vẫn giữ thói quen “ăn xổi ở thì”, làm ăn chộp giựt, thì nguy cơ bị triệt tiêu chỉ là sớm muộn. Để cạnh tranh trong môi trường mới, các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương cần xem xét lại tất cả các khâu, từ đó hình thành chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng hàng hóa hoàn hảo hơn. “Khi thuế nhập khẩu về mức 0%, chúng ta chỉ còn cạnh tranh với nhau bằng kỹ năng và cách thức tổ chức sản xuất. Nếu việc định hướng tốt, DN liên kết chặt với người sản xuất, xây dựng được quy trình sản xuất tốt thì nông sản nước ta hoàn toàn có thể thắng. Vấn đề đặt ra là việc xây dựng thương hiệu của DN gắn với vùng sản xuất là điều cần làm tích cực trong thời gian tới”- ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đề xuất.

Khi thuế quan giảm về 0%, cơ hội và thách thức cho DN Việt là đan xen nhau. Vấn đề nằm ở chỗ, DN làm thế nào để tận dụng được thời cơ và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để đương đầu với thách thức, tránh nguy cơ bị mất thị phần. Mặc dù sản phẩm nhập khẩu được ưu đãi về thuế quan nhưng giá thành vẫn ở mức khá cao do phải chịu thêm nhiều chi phí như vận chuyển, kho bãi... Mặt khác, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần đi sâu vào lòng người Việt. Đây là điểm mấu chốt để hàng Việt vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng nội địa.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Diễn đàn

* Ông nguyễn thành nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op:
Sản phẩm trong nước vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng

Hội nhập là tất yếu và là động lực để phát triển. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ để chuẩn bị tốt, vừa tạo lợi thế cạnh tranh, vừa có thể tìm thấy cơ hội đưa hàng hóa trong nước xuất sang các nước trong khu vực.

Các sản phẩm trong nước nếu có phương án sản xuất hợp lý vẫn có lợi thế cạnh tranh. Hệ thống phân phối trong nước cũng góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm trong nước. Với chính sách ưu tiên hàng Việt, hiện nay, hệ thống Siêu thị Co.opmart, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ hơn 98% và chỉ nhập khẩu khoảng 2% các mặt hàng nông sản không thể canh tác tại Việt Nam như: táo, lê, kiwi, cherry... từ Mỹ, Úc, Nam Phi và Chi Lê.

Nam Hương

* Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco:
Xây dựng thương hiệu là cơ hội lớn để cạnh tranh

Để từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường thế giới và ngay trên sân nhà, Công ty Cổ phần Gentraco đang từng bước mở rộng và nâng chất các cánh đồng lớn, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm gạo truy xuất nguồn gốc từ khâu canh tác đến chế biến, xuất khẩu.

Dự kiến đến năm 2016, Gentraco mở rộng diện tích cách đồng lớn lên 5.000ha. Gentraco đã từng bước hoàn thiện năng lực và công nghệ chế biến, hiện đại hóa quy trình sản xuất của các kho chứa và nhà máy tại vùng nguyên liệu. Với việc quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào đến đầu ra, chú trọng xây dựng thương hiệu gạo Việt sẽ là cơ hội cho Gentraco trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

M.HUYỀN

* Bà Cao Thị Kim Loan, phường Thuận An, quận Thốt Nốt:
Tin vui cho người tiêu dùng

Từ đầu năm 2015, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu được giảm thuế 0% với người tiêu dùng đây là cơ hội tốt để mua sắm, lựa chọn hàng hóa chất lượng, giá rẻ.

Riêng tôi rất vui mừng vì có thêm điều kiện so sánh chất lượng hàng hóa và chọn mua những sản phẩm chất lượng cao với giá phải chăng. Đặc biệt, trước đây đối với một số mặt hàng nhập khẩu mà trong nước không thể sản xuất hoặc không có, tôi rất e dè bởi giá cả khá cao. Từ nay người tiêu dùng chúng tôi có thể tiếp cận các mặt hàng này với giá rẻ hơn, tiết kiệm chi tiêu… Đây là tin vui đầu năm cho người tiêu dùng!

T. Trinh

* Ông Nguyễn Văn Thế, nông dân xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh:
Chủ động trang bị kiến thức, nâng cao chất lượng sản phẩm

Trước thông tin nhiều loại hàng hóa nhập khẩu được giảm thuế, trong đó có hàng nông sản, tôi vừa mừng vừa lo. Bởi đây là một thử thách lớn với nông dân chúng tôi khi phải cạnh tranh hàng hóa với các nước ồ ạt nhập vào. Nhưng đây cũng là động lực cho chúng tôi chú trọng chất lượng sản phẩm nông sản.

Tôi phải trang bị kiến thức về sản xuất, thu hoạch và bảo quản hàng hóa, quan tâm hơn đến tạo thương hiệu cho sản phẩm của chính mình. Bên cạnh tham gia các buổi hội thảo, giao lưu cùng nông dân, tôi tranh thủ thời gian lên internet tìm hiểu kỹ thuật sản xuất, những công nghệ mới tiên tiến… Từ đó, chọn lọc và ứng dụng trên đồng ruộng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút người tiêu dùng.

L. Mẫn

Chia sẻ bài viết