23/07/2011 - 20:27

TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Sẽ tạo thêm cảnh quan, kiến trúc cho thành phố

Ngày 15-7, UBND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp thông qua Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trường Đại học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trường đại học này khi đi vào hoạt động ngoài đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL, còn góp phần tạo cảnh quan, kiến trúc cho thành phố.

Dự án Trường Đại học ĐBSCL do Công ty Cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Trường tọa lạc tại xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), nằm trong khu vực Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị và đại học thuộc phường Ba Láng, quận Cái Răng và xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Theo đơn vị tư vấn (Công ty Cổ phần Việt Kiến Trúc), trường đại học này có quy mô diện tích 102,56 ha. Khu đất có tứ cận tiếp giáp như sau: phía Bắc giáp sông Cần Thơ, phía Nam giáp đường nối Vị Thanh-Cần Thơ, phía Đông giáp khu đô thị và khu tái định cư, phía Tây giáp Rạch Sung. Đặc biệt, Trường Đại học ĐBSCL do có vị trí tiếp giáp sông Cần Thơ nên có cảnh quan đẹp, yên tĩnh, thích hợp cho việc xây dựng môi trường giáo dục. Dự án Trường Đại học ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL. Dự kiến, đến năm 2019, Trường Đại học ĐBSCL có quy mô đào tạo khoảng 15.000 sinh viên, trong đó có 7 khoa đào tạo chính, gồm: Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, Công nghệ sinh học, Xây dựng, Môi trường và Thủy sản. Để phù hợp với quy mô đào tạo, đơn vị tư vấn quy hoạch phân ra nhiều khu chức năng chính như: khu hành chính, khu các khoa đào tạo, khu giảng đường và thư viện, khu dịch vụ hỗ trợ, khu lưu trú (ký túc xá, nhà khách), khu thể chất, khu nghiên cứu và sản xuất thực nghiệm, khu đại học thành viên... Ngoài ra, việc quy hoạch Trường Đại học ĐBSCL còn đồng bộ với hệ thống giao thông (giao thông đối ngoại thông qua đường nối Cần Thơ-Vị Thanh và mạng lưới đường nội bộ được thiết kế theo hướng song song với tuyến đường nối Cần Thơ-Vị Thanh, lộ giới từ 18-36m...), các bãi đậu xe, cấp điện-chiếu sáng, cấp thoát nước... Các hạng mục công trình chính được bố trí thành từng cụm hoặc độc lập chung quanh một đường vòng lặp. Đường vòng lặp này có vai trò kết nối các chức năng khác nhau trong khuôn viên đại học và cho phép giao thông xe cơ giới, xe đạp và đi bộ. Các không gian mở chính gồm khu quảng trường trung tâm, trục đi bộ, thư viện trung tâm, sân vận động, khu lâm viên cũng là khu cây xanh tập trung có vị trí gần bờ sông Cần Thơ...

Phương án quy hoạch tổ chức không gian, kiến trúc,
cảnh quan Trường Đại học ĐBSCL, do đơn vị tư vấn lập.

Theo đơn vị tư vấn, tổng kinh phí xây dựng công trình Trường Đại học ĐBSCL khoảng 1.842 tỉ đồng và kinh phí xây dựng hạ tầng khoảng 798 tỉ đồng. Dự án được phân kỳ đầu tư như sau: Giai đoạn 1 (2011-2014) tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các hạng mục công trình trong giới hạn giữa rạch Bà Đạt với rạch Bà Mu (khoảng 30 ha), đáp ứng qui mô đào tạo dự kiến khoảng 2.400 sinh viên. Giai đoạn 2 (2014-2017) tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các hạng mục công trình trong giới hạn giữa rạch Bà Đạt với trục giao thông tiếp xúc khu đô thị đại học (quy mô khoảng 35 ha), đáp ứng qui mô đào tạo dự kiến tăng lên khoảng 6.400 sinh viên. Giai đoạn 3 (2017-2019) thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình trên diện tích còn lại đáp ứng qui mô đào tạo 15.000 sinh viên; tiến hành xây dựng giảng đường lớn, trường trung học quốc tế, khu ký túc xá... Giai đoạn sau năm 2019 tiến hành xây dựng khoa sau đại học và hoàn thành thi công hạ tầng kỹ thuật toàn khu.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, trước khi thông qua UBND thành phố, đồ án đã được thông qua UBND xã Nhơn Nghĩa, UBND huyện Phong Điền và Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch thành phố... Theo đó, Hội đồng Kiến trúc-Quy hoạch thành phố đã có lưu ý: Hệ thống giao thông nội bộ phải bố trí tạo liên thông đến các khoa, qui mô các bãi đậu xe phải phù hợp, hạn chế tối đa việc san lấp diện tích mặt nước trong khu... Tại cuộc họp, các sở, ngành đã có nhiều ý kiến đóng góp để đơn vị tư vấn hoàn thiện đồ án. Đồng thời, góp ý triển khai thực hiện dự án này trong thời gian tới như: phương án quy hoạch đạt yêu cầu cảnh quan của một trường đại học. Tuy nhiên, công trình này có vốn đầu tư lớn, do đó phải phân kỳ đầu tư cho hợp lý cũng như xác định nguồn vốn để thực hiện dự án trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên sớm xúc tiến xây dựng các khu tái định cư để triển khai thực hiện dự án này được thuận lợi, đồng thời sớm triển khai thực hiện dự án...

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Trường Đại học ĐBSCL khi hoàn thành sẽ góp phần tạo thêm cảnh quan, kiến trúc cho thành phố. Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành để hoàn chỉnh đồ án và sớm trình phê duyệt...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết