Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 11-5 bắt đầu thảo luận về việc làm sống lại tiến trình hòa bình Trung Đông và vấn đề thành lập nhà nước Palestine độc lập sống hòa bình bên cạnh nhà nước Do Thái. Dự kiến, HĐBA sẽ thông qua một nghị quyết mới, trong đó khuyến khích nhóm Bộ tứ (LHQ, EU, Mỹ và Nga) “hậu thuẫn cho các bên liên quan nỗ lực thực hiện tiến trình hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững cho Trung Đông”. Bộ tứ giới thiệu lộ trình hòa bình cho Trung Đông năm 2003, trong đó kêu gọi Israel và nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình, Israel chấm dứt xây dựng khu định cư Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng và các nhóm vũ trang Palestine dừng tấn công nhằm vào Israel, nhưng từ đó đến nay kết quả đạt được chưa có bao nhiêu.
Đặc phái viên của nhóm Bộ tứ, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, mới đây cho biết cộng đồng quốc tế sẽ có “bộ khung mới cho cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine”. Ông Blair không nói rõ chi tiết của kế hoạch mới, nhưng cho biết nó có thể được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington vào ngày 18-5 tới. Theo các nhà phân tích, ngụ ý của ông Blair là tiến trình hòa bình Trung Đông phải được xây dựng lại dựa trên quan điểm mới của hai chính quyền hoàn toàn mới ở Mỹ và Israel. Dư luận cho rằng lộ trình mới nếu có sẽ là một bước lùi của tiến trình hòa bình Trung Đông, và đây có thể là một “kế hoãn binh” của Tel Aviv và Washington. Cần nhắc lại là, mặc dù Tổng thống Obama ủng hộ “giải pháp hai nhà nước”, nhưng đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính quyền diều hâu của ông Netanyahu.
Do lo ngại Nhà Trắng sẽ nhượng bộ Tel Aviv, trong chuyến thăm Syrie ngày 10-5 nhằm thuyết phục Damas ủng hộ kế hoạch hòa bình năm 2002 giữa thế giới A-rập và Israel (hay còn gọi là “giải pháp 57 quốc gia A-rập + Israel”), Quốc vương Jordanie Abdullah nhấn mạnh rằng nếu chính quyền Mỹ không xác định rõ lập trường của mình về lộ trình hòa bình Trung Đông (trong đó có quan điểm về nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và quyền hồi hương của người Palestine đang sống tị nạn khắp thế giới) thì “sự tín nhiệm lớn lao” mà ông Obama dày công gầy dựng trong mắt thế giới A-rập sẽ biến mất chỉ trong một đêm. Thậm chí, Quốc vương Abdullah còn cảnh báo nếu tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông bị trì hoãn thì có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột mới giữa Israel và các quốc gia A-rập hoặc Hồi giáo trong vòng 12-18 tháng tới.
Lời cảnh báo của Quốc vương Jordanie được dư luận chú ý khi đưa ra chỉ một ngày trước khi ông Netanyahu bắt đầu chuyến thăm Ai Cập và Jordanie, hai quốc gia A-rập có ký hiệp ước hòa bình với Israel. Theo hãng tin Mỹ AP, mục đích chính của Thủ tướng Netanyahu trong chuyến công du đầu tiên tới các nước A-rập là tập hợp một liên minh chống Iran và trao đổi ý kiến về tiến trình hòa bình Trung Đông. Theo các nhà phân tích, Israel có thể tìm được một số điểm chung với Ai Cập và Jordanie trong vấn đề Iran (vì hai nước này cũng lo ngại tầm ảnh hưởng đang lên của Iran tại khu vực), nhưng sẽ không tranh thủ được sự ủng hộ của họ trong vấn đề Israel/Palestine một khi ông Netanyahu chưa chấp nhận giải pháp hai nhà nước.
KIẾN HÒA (Theo AFP, AP, WP)