22/03/2008 - 22:29

Sẽ có "Hollywood thứ hai"

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Trung Hoa đã có những bước nhảy vọt trong sự hợp tác với các hãng sản xuất phim lớn của Hollywood. Năm 2008 hứa hẹn “ăn nên, làm ra” của sự bắt tay này với ba dự án phim lớn đang và sẽ thực hiện. Đó là “The Forbidden Kingdom” (Kung Fu Chi Vương), “The Mummy: The Tomb of the Dragon Emperor” (Xác ướp Ai Cập 3) và “Shanghai” (Thượng Hải).

Có ba hãng phim đang có kế hoạch tung ra các bản phim quay ở Trung Quốc nói tiếng Anh theo qui mô lớn: Lionsgate và Weinstein Co. sẽ công chiếu bộ phim kinh phí 55 triệu USD của đạo diễn Rob Minkoff, “The Forbidden Kingdom” với sự góp mặt của hai ngôi sao Lý Liên Kiệt và Thành Long, vào ngày 18-4-2008; hãng Universal sẽ phát hành bộ phim 160 triệu USD “The Mummy: The Tomb of the Dragon Emperor”, có sự tham gia của Lý Liên Kiệt, Dương Tử Quỳnh, vào ngày 1-8-2008. Hãng Harvey Weinstein và nhà sản xuất Mike Medavoy vẫn đang xúc tiến các thủ tục đến Trung Quốc để quay bộ phim “Shanghai” với sự góp mặt của Châu Nhuận Phát, Củng Lợi... cho đợt ra mắt cuối năm nay.

 Lý Liên Kiệt trong phim “The Forbidden Kingdom” – được quay ở Trung Quốc. Ảnh: Chinajoy.biz

Với những kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc, các hãng phim hàng đầu Hollywood muốn nâng ảnh hưởng của mình lên một quỹ đạo cao hơn trong thị trường giải trí toàn cầu. Các hãng Walt Disney Pictures, Columbia Tristar Pictures và Warner Bros đều đã lập ra những dự án làm ăn với xứ sở có dân số đông nhất thế giới này. “Nhập gia tùy tục”, họ còn muốn “Trung Quốc hóa” các nhân vật của những phim nổi tiếng. Ví dụ như làm lại phim “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” của anh em nhà Grimm ở Trung Quốc theo phong cách Trung Quốc - bảy chú lùn được thay thế bằng bảy nhà sư Thiếu Lâm. Gần đây, hãng phim Merchant Ivory đã quay phim “The White Countess” tại Trung Quốc. Chuyện phim kể về Thượng Hải trong bối cảnh thập niên 1930, với sự tham gia của diễn viên Ralph Fiennes.

Mối “lương duyên” giữa điện ảnh Trung Quốc và Hollywood có nhiều động cơ, chứ không chỉ là nghệ thuật đơn thuần. Dân số của quốc gia châu Á này chiếm 1/5 dân số toàn cầu và kinh đô điện ảnh Hollywood đã “đánh hơi” thấy tiềm năng của thị trường này. Lee Soo Man, 55 tuổi, nhà sáng lập và sản xuất của công ty giải trí Hàn Quốc SM Entertainment cho rằng: Trung Quốc sẽ nổi lên như thị trường giải trí lớn nhất thế giới trong tương lai gần. Theo Lee Soo Man, Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan – với những đạo diễn, biên đạo võ thuật và diễn viên tầm cỡ thế giới đã và đang cung cấp cho Hollywood như Lý Liên Kiệt, Ngô Vũ Sâm, Thành Long, Châu Nhuận Phát... - hoàn toàn có đủ tiềm lực để trở thành “Hollywood thứ hai”, vượt qua cả Bollywood nếu tận dụng khả năng sáng tạo của điện ảnh Hàn Quốc và đồng tiền đến từ Nhật Bản.

Hollywood đã có những bước thăm dò hợp tác với điện ảnh Trung Quốc qua các hãng phim, như Walt Disney, MGM... để có những bộ phim rót vốn từ Mỹ, nhưng thực hiện bởi đạo diễn Trung Quốc và do các diễn viên Trung Quốc đóng. Một yếu tố khác, phim quay tại Trung Quốc sẽ bớt được nhiều chi phí so với quay tại Mỹ.

Sớm muộn gì thì khi điện ảnh Trung Quốc cũng tận dụng được sức mạnh của Hollywood để phát triển, để tìm cách đứng riêng và tự sản xuất những bộ phim hoành tráng cung cấp cho thị trường Mỹ và chắc chắn sẽ được thị trường này chấp nhận. Nhưng hiện nay, những bộ phim mang dấu ấn Trung Quốc chưa đạt được giấc mơ này, dù đó là “Ngọa hổ tàng long”, hay “Dạ yến”... Dù thành công trên thị trường Mỹ nhưng những bộ phim nổi tiếng này vẫn còn xa mới bắt kịp doanh thu của các bộ phim bom tấn “Người nhện” hay “Cướp biển vùng Caribê” của Hollywood. “Người Trung Quốc đã thành công trong việc phóng tàu vũ trụ có người lên không gian, thì họ cũng có thể lập những kỳ tích như thế trong điện ảnh; những tín hiệu báo trước bước chuyển mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc đã xuất hiện từ sau những xuất phẩm của Trương Nghệ Mưu và những đồng nghiệp của ông” – Lee Soo Man khẳng định.

Hợp tác với Hollywood, không chỉ có được lợi ích trong việc đưa nền điện ảnh Trung Hoa hòa nhịp với làng điện ảnh thế giới mà các diễn viên Trung Quốc, các danh lam thắng cảnh của đất nước này cũng được quảng bá trên màn ảnh. Chẳng hạn như trong phim “Xác ướp Ai Cập 3” có cảnh đánh nhau rất ngoạn mục của Lý Liên Kiệt và Dương Tử Quỳnh tại Vạn Lý Trường Thành hay bộ phim “Shanghai” sẽ dựng lại quang cảnh thành phố Thượng Hải trong thời gian xảy ra chiến tranh thế giới thứ 2...

Hiện nay, các hãng phim của Hollywood đã đầu tư khoảng 150 triệu USD vào việc phát triển và xây dựng các phim trường tại Trung Quốc. Tập đoàn Time-Warner cũng đang đầu tư để xây dựng 70 rạp chiếu phim ở đại lục này. Bởi vì doanh thu tại các rạp chiếu phim của Trung Quốc không thua Mỹ là bao.

Trung Quốc hoàn toàn có thể nuôi tham vọng trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ hai trên thế giới.

Duyên Khánh (Theo NyTimes, Chinadaily)

Chia sẻ bài viết