31/03/2023 - 09:09

Saudi Arabia sẵn sàng gia nhập SCO 

HẠNH NGUYÊN (Theo News Week)

Nội các Saudi Arabia hôm 29-3 đã thông qua một bản ghi nhớ về việc cấp cho nước này quy chế đối tác đối thoại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Quyết định được đưa ra trong bối cảnh làn sóng sáng kiến ngoại giao tại Trung Ðông đang đẩy các cường quốc trong khu vực xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga.

Quốc kỳ của các nước thành viên và quan sát viên SCO. Ảnh: Getty Images

Quy chế đối tác đối thoại được xem là bước đầu tiên trước khi SCO cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Saudi Arabia trong trung hạn. Việc Saudi Arabia tham gia SCO đã được thảo luận trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới vương quốc này hồi tháng 12-2022.

Ðược thành lập năm 2001, SCO là tổ chức chính trị, an ninh và kinh tế, nhằm cạnh tranh với các thể chế của phương Tây. Hiện các quốc gia thành viên của tổ chức này gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Ðộ, Pakistan, Iran và 4 nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan. Các đối tác đối thoại khác còn có Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Ai Cập, Nepal, Qatar, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các nước quan sát gồm Afghanistan, Belarus và Mông Cổ. Iran là trường hợp gần nhất được nâng cấp quy chế từ nước quan sát lên thành thành viên đầy đủ hồi tháng 9-2022.

Riyadh đồng ý gia nhập SCO với tư cách đối tác đối thoại diễn ra chỉ vài tuần sau khi Saudi Arabia và Iran nối lại quan hệ ngoại giao theo một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Ðối với Saudi Arabia, động thái trên là bước đi mới nhất hướng đến việc tái cân bằng các mối quan hệ giữa nước này với các cường quốc vốn lâu nay đã bị chi phối bởi quan hệ với Mỹ.

“Saudi Arabia đang theo đuổi chiến lược phát triển nhiều đối tác chiến lược nhằm bổ sung cho các mối quan hệ với phương Tây. Trung Quốc và những tổ chức đa phương do nước này thiết lập là một phần trong nỗ lực đó, không chỉ thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh mà còn cho phép Riyadh hưởng lợi từ quan hệ của Trung Quốc với những quốc gia khác như Iran”, Ali al-Shihabi, chuyên gia chính trị của Saudi Arabia, nhận định. Theo Shihabi, Trung Quốc phụ thuộc đáng kể vào dầu mỏ vùng Vịnh và là cường quốc được đảm bảo quyền lợi tại vùng Vịnh ổn định. Do vậy, Saudi Arabia tìm cách để Trung Quốc giữ vai trò tích cực hơn trong việc giúp ổn định khu vực vốn mong manh này.

Trong khi đó, Azam al-Shdadi, chuyên gia về vấn đề đối ngoại Saudi Arabia, nhận thấy những cơ hội mới và “nhiều lợi ích” trong nỗ lực ngày càng tiến gần SCO của Riyadh - bước đi diễn ra trong khuôn khổ chương trình cởi mở của nước này với thế giới, đặc biệt là Ðông Á, về kinh tế và chính trị cũng như hỗ trợ tạo sự ổn định quốc tế. Quy chế đối tác đối thoại của Saudi Arabia sẽ trao cho SCO tầm ảnh hưởng sâu sắc trên trường quốc tế nhờ vị thế lãnh đạo của Riyadh trong các thể chế lớn trên toàn cầu như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng như vị thế là nền kinh tế lớn nhất trong thế giới Arab và phát triển nhanh nhất trong số các thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20).

Iran, đối thủ lâu năm của Saudi Arabia, đã chính thức gia nhập SCO, khi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến Uzbekistan dự hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này vào tháng 9 năm ngoái. Ngoài ra, Iran cũng bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), một tổ chức đa phương khác do Trung Quốc và Nga dẫn dắt. Với việc Saudi Arabia để mắt tới SCO và BRICS, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới vương quốc dầu mỏ này dự Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Các quốc gia Arab đầu tiên hồi cuối năm ngoái. Nhiều thỏa thuận đã được ký kết tại hội nghị và dường như nó đã mở đường cho những đột phá ngoại giao tiếp theo.

Chưa đầy một tháng sau khi Tổng thống Raisi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi tháng 2, tuyên bố chung của 3 nước Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran thông báo Riyadh và Tehran đã đạt thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao sau 8 năm gián đoạn. “Cái bắt tay” do Trung Quốc làm trung gian này đã báo hiệu mức độ can dự mới của Bắc Kinh trong khu vực.

Chia sẻ bài viết