01/12/2017 - 16:19

Saudi Arabia “cảm hóa” các tay súng thánh chiến bằng cuộc sống xa hoa 

Saudi Arabia hiện đang “cầm chân” những chiến binh al-Qaeda và Taliban hồi hương tại Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc  Mohammed bin Nayef - một trung tâm cải tạo xa hoa có hồ bơi, phòng tập thể dục sang trọng, thậm chí có cả nhân viên phục vụ.

Hồ bơi sang trọng dành cho những người được cải tạo tại Trung tâm Mohammed bin Nayef. Ảnh: Newsweek

Trung tâm cải tạo “5 sao” nói trên tọa lạc ở ngoại ô Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, được thành lập năm 2007 bởi Thái tử lúc bấy giờ Mohammed bin Nayef sau một loạt vụ đánh bom và bắt cóc của al-Qaeda, xảy ra nhiều năm trước khi ông làm Thứ trưởng Nội vụ phụ trách an ninh. Trung tâm hướng đến cải tạo các tay súng thánh chiến (jihadist) bằng cách làm cho họ cảm thấy là một phần của xã hội và có thể trở lại cuộc sống bình thường tại quốc gia vùng Vịnh. Dưới sự giám sát của các giáo sĩ và nhà tâm lý học, các tay súng thánh chiến được “giải độc” tư tưởng cực đoan và giảng dạy về tôn giáo để không quay lại làm phần tử thánh chiến.

Theo AFP, những người bị bắt bởi lực lượng an ninh Saudi Arabia được cải tạo 6 tháng tại trung tâm, nơi họ có thể bơi lội, tập thể dục, chơi bóng đá, ăn ngon và thậm chí là được tắm hơi. Các tù nhân bị “giam” trong những căn hộ được trang bị tivi màn hình lớn và giường to. Những kẻ có liên quan đến al-Qaeda và Taliban cũng có thể tự do đi lại, tập luyện ở phòng tập rộng rãi, dự tiệc tại một căn phòng sang trọng và ở tại các căn hộ đặc biệt khi có vợ đến “thăm nuôi”. “Trọng tâm của chúng tôi là điều chỉnh suy nghĩ, quan điểm sai lầm của họ, sự lệch lạc của họ đối với đạo Hồi. Chúng tôi muốn giúp họ cảm thấy họ là những người bình thường và vẫn có cơ hội tái hòa nhập xã hội” - Yahya Abu Maghayed, giám đốc trung tâm, nói với AFP.

Đến nay, Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc  Mohammed bin Nayef đã giam giữ và cải tạo hơn 3.300 phần tử cực đoan. Những người đã hoàn lương tiết lộ, cá nhân ông Mohammed bin Nayef đã chi tiền làm đám cưới cho họ và mua tặng họ những chiếc xe hơi mới. Tuy nhiên, các tay súng thánh chiến không phải được hưởng thụ cuộc sống sung sướng như vậy lâu dài. Nếu sau 3 tháng mà không chuyển biến tốt hơn, họ sẽ bị truy tố và ở tù. Theo ông Abu Maghayed, 86% tù nhân cải tạo tại trung tâm không quay lại cuộc sống thánh chiến nhiều năm sau khi rời khỏi trung tâm, số còn lại, hầu hết chỉ biểu hiện “hành vi lệch lạc” và một số ít “ngựa quen đường cũ”, dấn thân vào con đường bạo lực.

Tuy nhiên, một chuyên gia chống khủng bố Mỹ theo dõi sát sao hoạt động của trung tâm nói rằng tỷ lệ tù nhân tái phạm ở mức cao khi nhiều báo cáo cho thấy những người từng qua cải tạo ở đây thường xuất hiện trên các mặt trận. “Saudi Arabia được hoan nghênh vì đã cố làm một điều gì đó khác biệt – nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp “cảm hóa bằng lời nói” đối với khủng bố. Song, kết quả mang lại vẫn còn là nghi vấn. Nếu có, chương trình này chỉ sẽ làm giảm nguy cơ tái tham gia khủng bố của tù nhân” - John Horgan, chuyên gia chống khủng bố tại Đại học bang Georgia, nhận định.

Một báo cáo gần đây của hãng tư vấn an ninh Soufan Group cho thấy Saudi Arabia là nước “xuất khẩu” chiến binh nhiều thứ hai thế giới sau Nga, trong đó chủ yếu tham chiến với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. Theo ước tính, Saudi Arabia hiện có 3.244 tay súng đang hoạt động ở nước ngoài, tăng nhiều so với con số khoảng 2.500 người hồi năm 2015. Đến nay, tổng cộng 760 tay súng Saudi Arabia đã hồi hương.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết