01/03/2008 - 22:47

Sau này rồi sẽ ra sao?

Một khu dân cư đang san lấp mặt bằng, chào bán nền nhà trên tuyến Quốc lộ 91B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy.

Đối với các đô thị, việc mở thêm một tuyến đường mới không chỉ có tác động phát triển hệ thống giao thông, mà còn tạo điều kiện mở rộng không gian kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị. Thế nhưng, trên thực tế công tác thực hiện quy hoạch kiến trúc đô thị tại một số tuyến đường mới mở rất chậm, trong khi do nhu cầu bức bách về nhà ở, trên các tuyến đường này đã sớm hình thành các “khu dân cư tự phát”, ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị của TP Cần Thơ sau này.

Quốc lộ 91B là một trong những tuyến đường đã xuất hiện những bất cập đó. Tuyến đường này, vốn được quy hoạch xây dựng trên nền của vùng đất nông nghiệp, từ đường Ba Tháng Hai đến ngã ba Nhà máy Xi măng Hà Tiên 2. Đây là tuyến đường mang ý nghĩa góp phần phát triển không gian đô thị của thành phố, nơi có thể bố trí các khu dân cư cao cấp, khu thương mại dịch vụ công trình phúc lợi công cộng... Tuy nhiên, khi ngành chức năng chưa tổ chức quy hoạch cho nó thì trên thực tế đã hình thành nhiều “khu dân cư” do một số cá nhân tự tổ chức, đứng ra xây dựng.

Nắm bắt được nhu cầu nhà ở rất lớn của những người thu nhập thấp, một số cá nhân đầu tư vốn mua một khu đất vài ngàn mét vuông, rồi xây dựng bờ bao xung quanh, đổ cát san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ và chia lô bán nền nhà. Để giảm chi phí, người đầu tư chỉ mua 3-4 m đất mặt tiền có thâm hậu khoảng 40-50m, còn phần lớn diện tích còn lại đều là đất trồng lúa phía sau. Để dễ bán, người đầu tư chia các lô nền có diện tích tương đối nhỏ, từ 50-80m2. Hiện nay, chỉ tính từ ngã tư nơi giao nhau với đường Nguyễn Văn Cừ đến rạch Bình Thủy trên tuyến Quốc lộ 91B, đã có 5-6 “khu dân cư tự phát” kiểu này. Xen lẫn với các khu dân cư là rất nhiều hộ cất nhà ở riêng lẻ trên đất nông nghiệp dọc theo tuyến đường này. Việc xây dựng các “khu dân cư” này kiểu ấy sẽ tạo sự manh mún trong không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị. Hơn nữa, do kết cấu hạ tầng của các “khu dân cư” này được đầu tư chắp vá, cục bộ, không theo quy chuẩn... nên sẽ gây áp lực lớn trong quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị của thành phố. Cụ thể như khó khăn trong việc giải tỏa xây dựng các công trình, việc đấu nối hạ tầng đô thị... Hiện nay, việc hình thành các “khu dân cư tự phát” theo kiểu san lấp mặt bằng, chia lô bán nền không chỉ ở hai bên đường của tuyến Quốc lộ 91B mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác, nhất là ven các khu đô thị cũ như: An Bình, An Khánh, An Hòa...

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã có nhiều khu dân cư, khu đô thị mới khang trang được hình thành ở các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy... Các khu dân cư này đã góp phần tạo nên dáng dấp hiện đại của thành phố; đồng thời giải quyết được phần nào nhu cầu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, các khu dân cư kiểu ấy rất “kén chọn” đối tượng vào ở, bởi giá cả rất cao. Do vậy, những người có thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở, nhưng lại không “với” tới. Thành phố cũng đã xây dựng đề án xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, song đến thời điểm hiện nay vấn đề này vẫn còn nằm trên giấy. Do đó, các “khu dân cư tự phát” vẫn còn nhiều người tìm đến với hy vọng xây dựng một tổ ấm cho gia đình, còn chuyện sau này... sẽ tính tiếp!?

Trước mắt, việc hình thành các khu dân cư tự phát đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều hộ gia đình, nhưng sẽ là thách thức lớn trong quá trình hướng đến đô thị hiện đại. TP Cần Thơ đã có những bài học đắt giá do hậu quả của các khu dân cư xây dựng không theo quy hoạch như: đường, hẻm chật hẹp, ngập nghẹt quanh năm, điện - nước không đảm bảo... Chắc chắn các nhà quản lý chuyên ngành đã nhận ra vấn đề này. Nhưng, làm thế nào để có sự hài hòa trong quá trình phát triển đô thị và đảm bảo đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở của người dân trong khi khả năng của thành phố chưa đáp ứng? Có lẽ đó là bài toán kéo dài dai dẳng đang chờ đáp án!

• Bài, ảnh: QUỐC THỤY

Chia sẻ bài viết