01/04/2017 - 10:09

Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh

Nhiều gia đình kinh tế khá giả có điều kiện để thai phụ tham gia sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Trong khi đó, không ít thai phụ thuộc diện khó khăn dù được miễn phí nhưng chưa có điều kiện tiếp cận dịch vụ này, do một số vướng mắc.

Xét nghiệm cần thiết

Bé gái con vợ chồng chị Trương Thị Ngọc L.– anh Nguyễn Hoàng Đ. (tỉnh Hậu Giang) bị đa dị tật, ngay sau sinh được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ tiếp tục theo dõi. Anh Đ. vừa chăm sóc mẹ bé ở khoa Sản BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, vừa thăm con ở BV Nhi đồng. Thạc sĩ - bác sĩ Diệp Loan, Trưởng khoa Sơ sinh, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết, con chị Ngọc L. bị đa dị tật, có vấn đề phức tạp về tim. Sau khi điều trị ổn định, bé cần chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị, tốn kém nhiều chi phí… Chị Nguyễn Thị Th. (em của anh Đ.) túc trực ở BV Nhi đồng, buồn rầu kể, do gia cảnh khó khăn, trong thai kỳ, chị L. có khám thai định kỳ nhưng không thực hiện tầm soát sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vì người quen cho biết, chi phí dịch vụ này hơn 1 triệu đồng, lo không nổi…

Sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Ảnh minh họa: Học sinh của một trường tiểu học ở huyện Phong Điền tham gia chương trình Vinamilk trao tặng sữa cho trẻ em Cần Thơ.

Năm 2016, Tổng cục Dân số - KHHGĐ giao cho toàn vùng ĐBSCL khoảng 12.000 chỉ tiêu sàng lọc sơ sinh miễn phí, trung bình mỗi tỉnh được phân bổ 1.000 chỉ tiêu. Dù số lượng này rất thấp nhưng kết quả thực hiện cũng chỉ đạt 80%. Thực tế cho thấy, nhiều người dân nông thôn, nhất là người nghèo, khó tiếp cận các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vì nhiều lý do, nhất là quy định rườm rà, chưa hợp lý của thông tư 20/2013/TTLT- BTC- BYT. Ông Nguyễn Thanh Tiến, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Bến Tre, chia sẻ: "Thông tư 20 quy định phải có xác nhận hộ nghèo, cận nghèo, mới được miễn phí thực hiện 2 sàng lọc trẻ sơ sinh là bệnh thiếu men G6BD và bệnh suy giáp bẩm sinh, trong khi sàng lọc dịch vụ thì trẻ được tầm soát cả 3 bệnh (thêm bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh). Do đó, dù thuộc diện miễn phí nhưng các bậc cha mẹ vẫn phải chọn cách tự bỏ tiền túi để thực hiện sàng lọc cả 3 bệnh cho con".

Đến nay, chương trình sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thực hiện rộng khắp cả nước, nhưng vẫn chưa có khung giá chung cho dịch vụ này nên ĐBSCL vẫn còn 5 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau chưa xã hội hóa được các dịch vụ này. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền chưa rộng khắp, do thiếu kinh phí, trong khi đội ngũ cộng tác viên còn thiếu kỹ năng tuyên truyền sâu rộng ra cộng đồng nên nhiều người dân chưa hiểu lợi ích của việc sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Chính vì thế, nhiều cặp vợ chồng chưa tự nguyện tham gia sàng lọc". Bác sĩ Nguyễn Xuân Thảo, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ, nhiều thai phụ đến BV nhưng chưa mặn mà với việc sàng lọc trong thai kỳ. Cán bộ y tế tư vấn cặn kẽ, thuyết phục để chị em hiểu rõ, cân nhắc giữa lợi ích to lớn so với chi phí sàng lọc.

Theo số liệu thống kê, 3 năm qua, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh TP Cần Thơ thực hiện trên 60.000 trường hợp sàng lọc trước sinh, chẩn đoán xác định bệnh gần 200 ca/1.900 ca nguy cơ cao. Về sàng lọc sơ sinh, 2 năm (2015, 2016), thực hiện miễn phí trên 20.000 ca, trong đó, tỷ lệ được chẩn đoán bệnh/trường hợp nguy cơ cao năm 2015 khoảng 25%, năm 2016 là 16,3%... Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Trung tâm khẳng định, chương trình sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh mang ý nghĩa nhân văn thiết thực. Theo y khoa, dị tật bẩm sinh chiếm khoảng 1,5% – 2% tổng số sinh hoặc mang thai. Do đó, càng nhiều trẻ được sàng lọc, chẩn đoán, sẽ càng giảm thiểu trẻ sinh ra bị dị tật. Chẳng hạn, trẻ thiếu men G6PD bị lùn, đần, vàng da…; nếu trẻ được sàng lọc sơ sinh, phát hiện bệnh sớm, tư vấn kỹ lưỡng về chế độ ăn uống, sinh hoạt, thì trẻ có thể phát triển bình thường. Hoặc trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, nếu phát hiện, điều trị sớm, vẫn phát triển giới tính bình thường. Những trẻ bị điếc bẩm sinh, nếu phát hiện và kịp thời điều trị từ đầu vẫn phát triển ngôn ngữ bình thường.

Chọn địa chỉ tin cậy

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Quang Hiền, Giám đốc BV sản nhi An Giang, băn khoăn trước tình trạng "trăm hoa đua nở" của các dịch vụ sàng lọc - chẩn đoán trước sinh và sơ sinh nhưng chưa quản lý được chất lượng, ảnh hưởng hiệu quả việc sàng lọc, khiến người dân mất niềm tin. Như trường hợp chị Thanh Thúy (33 tuổi, ở Sóc Trăng) là cán bộ y tế một BV đa khoa huyện, thực hiện sàng lọc trước sinh ở cơ sở y tế tư nhân, được chẩn đoán thai nhi bị hội chứng Down. Nghe tin dữ, chị lo lắng, hoang mang, khăn gói đến Cần Thơ kiểm tra lại. Rất may, theo các bác sĩ BV Phụ sản, các chỉ số xét nghiệm bình thường, thai nhi phát triển tốt. Chị Thúy cho biết, kết quả xét nghiệm ở Sóc Trăng khiến chị một phen hú vía, bất ổn tinh thần, sức khỏe giảm sút thời gian dài.

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, các đơn vị khác trong vùng chỉ thực hiện thao tác ban đầu là lấy mẫu, chuyển mẫu. Nếu chẩn đoán sai, không phát hiện những trường hợp trẻ bị dị tật, sẽ để lại nhiều hệ lụy, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, các giải pháp hiện thời là đẩy mạnh truyền thông, vận động nâng cao ý thức người dân đến các đơn vị có uy tín, chất lượng; ngành chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát, xử lý ngay khi phát hiện đơn vị không đủ chuyên môn thực hiện sàng lọc. Hiện nay, tại ĐBSCL chỉ có Trung tâm Sàng lọc – chẩn đoán trước sinh, sơ sinh Cần Thơ mới đảm bảo đủ điều kiện chuyên môn để phát hiện, tư vấn, giải quyết những vấn đề dị tật bẩm sinh.

Trung tâm Sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh TP Cần Thơ là 1 trong 4 trung tâm lớn của cả nước được Tổng cục quan tâm đầu tư. Theo ông Lê Cảnh Nhạc, sự đầu tư của Tổng cục chỉ tạo điều kiện kích hoạt để Trung tâm hoạt động. Giai đoạn tiếp theo, Trung tâm cần đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa để từng bước phát triển. Tuy Đề án sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh triển khai rộng rãi đến các tỉnh ĐBSCL nhưng chỉ một bộ phận người dân, điều kiện kinh tế khá giả, mới tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao này. Theo ông Nhạc, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm truyền thông, vận động, nâng cao ý thức cộng đồng để người dân nông thôn cố gắng tham gia chương trình, nâng cao chất lượng giống nòi. Chi cục Dân số - KHHGĐ và BV các tỉnh, thành cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ đưa dịch vụ đến cộng đồng. Thời gian tới, ngành dân số tiếp tục tham mưu Chính phủ, đưa chính sách bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi được thực hiện các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết