28/11/2016 - 20:33

Sáng chế công nghệ chế biến cát sạch đầu tiên ở Việt Nam

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam chính thức cấp Bằng độc quyền sáng chế thiết bị sàng lọc và rửa cát cho tác giả Võ Tấn Dũng (Công ty TNHH Phan Thành, TP Cần Thơ).

Giải pháp kỹ thuật có giá trị thực tiễn cao

Ông Võ Tấn Dũng đã theo đuổi công trình sáng chế này từ 6 năm qua. Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ khẳng định công trình sáng chế này là một giải pháp kỹ thuật có giá trị thực tiễn rất lớn.

Cách đây 5 năm, sáng chế thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát đoạt giải Nhất - Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2011, địa phương chọn tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật Toàn quốc (VIFOTEC) lần thứ 11 và tiếp tục đoạt giải Nhất. Sáng chế này đã được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải WIPO dành cho giải pháp xuất sắc nhất năm 2011. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã trao bằng Lao động Sáng tạo cho cá nhân tác giả Võ Tấn Dũng.

 Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trao Bằng chứng nhận giải Nhất - Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc lần thứ 11 – năm 2011 cho tác giả Võ Tấn Dũng.

Ý tưởng sáng chế của ông Dũng nảy sinh từ thực tiễn nhiều năm kinh doanh vật liệu xây dựng và tiếp cận lý thuyết yêu cầu về chất lượng cốt liệu sử dụng cho bê tông mà Giáo trình đào tạo thí nghiệm viên của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) khẳng định, cường độ bê tông sử dụng cốt liệu (cát, đá) được rửa sạch sẽ tăng cường độ từ 10 -20% so với cốt liệu chưa qua rửa sạch.

Sản phẩm cát sau khi được thiết bị sàng lọc, rửa sạch của tác giả Võ Tấn Dũng còn được nhóm tác giả thuộc Trung tâm Vật liệu Xây dựng miền Nam (Viện Vật liệu Xây dựng), đưa vào nghiên cứu thành công đề tài "sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL chế tạo bê tông và vữa xây dựng" từ năm 2014. Thạc sĩ Lê Văn Quang - chủ nhiệm đề tài "sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL chế tạo bê tông và vữa xây dựng", nêu rõ việc sử dụng cát mịn vùng ĐBSCL cho chế tạo bê tông là nhằm đơn giản hóa khâu thiết kế cấp phối và sử dụng nguyên vật liệu đầu vào sẵn có tại địa phương, góp phần giải quyết khó khăn về khan hiếm cát hạt thô trong xây dựng hiện nay và trong tương lai không xa.

Theo Tiến sĩ Lương Đức Long - Viện trưởng Viện VLXD, mỗi năm cả nước cần khoảng 100 triệu tấn cát dùng cho xây dựng. Khu vực ĐBSCL có trữ lượng cát hơn 800 triệu m3, nhưng do đặc điểm địa lý, cát ở đây có modul nhỏ, chứa nhiều hạt mịn và lẫn nhiều tạp chất nên trong thời gian qua nguồn cát này chủ yếu dùng cho san lấp, vì thế nhu cầu đáp ứng cát dùng trong xây dựng tại chỗ luôn thiếu hụt.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm và kiểm định chất lượng công trình (Đại học Kiến trúc Hà Nội), cho biết: Trên cơ sở phân tích khoa học đã chứng tỏ trong điều kiện của Việt Nam có thể sử dụng cát mịn thay cho cát thô để chế tạo bê tông cường độ đạt các cấp khi kết hợp các biện pháp công nghệ (rửa, đầm) và hỗ hợp phụ gia. Nhà nước cần đầu tư hợp lý cho những đề tài nghiên cứu sâu hơn về việc sử dụng cát mịn tại ĐBSCL để làm bê tông các cấp trên B25.

Thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát đã được tác giả Võ Tấn Dũng đưa vào ứng dụng đáp ứng kịp thời yêu cầu áp dụng qui định "cốt liệu (cát, đá) khai thác trong tự nhiên phải được rửa sạch" đảm bảo hàm lượng bụi, bùn, sét và tạp chất hữu cơ phù hợp với qui chuẩn kỹ thuật Quốc gia về "sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng" mã số QCVN 16:2014/BXD (ban hành theo Thông tư 15/2014/TT-BXD). Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ – Nguyễn Tấn Dược, sáng chế này phù hợp yêu cầu sử dụng cốt liệu sạch, cung ứng sản phẩm cho thị trường để người dân có nhu cầu lựa chọn.

Mong mỏi được ứng dụng rộng rãi

Đầu năm 2016, tác giả Võ Tấn Dũng tiếp tục cải tiến thành công thiết bị dây chuyền sàng lọc, tách hạt cát nguyên khai phổ biến có mô đun 1.2 – 1.4mm, đưa ra thị trường sản phẩm cát sạch với tỷ lệ bụi, bùn, sét, hữu cơ dưới 0,5% và nâng modul cát to sạch lên 1.8mm sử dụng cho bê tông, 1.1 – 1.3mm sử dụng cho xây tô và cát mịn dưới 0.7mm sử dụng san lấp. Sản phẩm chính thức được cấp Chứng nhận hợp quy, Dấu chứng nhận hợp quy về cốt liệu cho bê tông và vữa phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 16:2014/BXD.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết thiết bị này có thể phân loại được nhiều loại sản phẩm cát phục vụ cho sản xuất công nghiệp khác; lượng phù sa, tạp chất hữu cơ tách ra từ cát cũng có thể phục vụ nhu cầu trồng trọt ở các đô thị và trong quá trình vận hành hoàn toàn không sử dụng hóa chất nên rất thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, việc triển khai ứng dụng sáng chế thiết bị sàng lọc, rửa sạch cát vào thực tiễn còn khó vì doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính hạn chế.

Hiện ông Dũng đang ấp ủ dự án triển khai hình thành hệ thống nhà máy sàng lọc, rửa sạch cát tại vùng ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ (vốn đầu tư khoảng 2 tỉ đồng cho 1 nhà máy công suất hơn 1.500m3/ngày, khả năng thu hồi vốn trong khoảng thời gian 3 năm với nhiều lợi ích kinh tế xã hội).

Đến nay, ông Dũng đã hợp tác với 1 công ty tại TP Cần Thơ, triển khai xây dựng 1 nhà máy sàng lọc, rửa sạch cát công suất hơn 1.500m3/ngày và đã có 2 đối tác đàm phán, chấp thuận lộ trình hợp tác đầu tư xây dựng 2 nhà máy gia công chế biến cát sạch tại địa bàn tỉnh Bạc Liêu và TP Hồ Chí Minh.

"Tôi mong mỏi có đủ điều kiện về tài chính để triển khai dự án gia công cát sạch, hoặc sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho những nhà đầu tư có năng lực triển khai trên phạm vi rộng – đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, để góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên cát, nâng cao chất lượng công trình xây dựng cho đất nước" - ông Võ Tấn Dũng, nói.

Bài, ảnh: HÙNG LONG

Chia sẻ bài viết