17/11/2019 - 08:48

San sẻ giọt máu hiếm 

Mỗi năm một lần, những người có nhóm máu hiếm RH(-) ở khu vực Tây Nam bộ lại tụ họp ở TP Cần Thơ cùng nhau giao lưu, chia sẻ yêu thương. 

Chia sẻ tấm lòng 

Ở Việt Nam, nhóm máu RH(-) thuộc nhóm máu hiếm (chiếm từ 0,04-0,07% dân số). Cả nước hiện có 5 Câu lạc bộ (CLB) máu hiếm với trên 1.400 thành viên tại: Trung tâm hiến máu nhân đạo, khu vực miền Trung, khu vực Đông Nam bộ, khu vực Tây Nam bộ (với 31 tỉnh, thành phố tham gia) và Viện Huyết học truyền máu Trung ương.

Người có nhóm máu hiếm hiến máu đột xuất cứu bệnh nhân. Ảnh: BV cung cấp. 

Ở khu vực Tây Nam bộ, CLB người có nhóm máu hiếm RH(-) được hình thành vào cuối năm 2016 và đến nay có 433 thành viên. Chị Nguyễn Thị Nho, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: Đến nay, tôi đã hiến máu khoảng 16 lần. Nhờ đi hiến máu, bệnh viện xét nghiệm và gởi thư mời tham giaa sinh hoạt CLB, tôi mới biết mình thuộc nhóm máu hiếm.

Khác với chị Nho, anh Trương Thanh Thanh, ở đường Tầm Vu, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ biết mình có nhóm máu hiếm khi đi khám bệnh. Bác sĩ khuyên anh nên tham gia hiến máu cứu người. Từ đó, anh thường xuyên hiến máu và đến nay đã hiến được 16 lần. Trong đó, nhiều lần anh hiến máu khi được Bệnh viện Huyết  học - Truyền máu TP Cần Thơ gọi báo có bệnh nhân cần truyền máu. Trong nhiều bệnh nhân được cứu từ máu của anh Thanh, có 2 sản phụ. Anh Trương Thanh Thanh tâm sự: “Tôi nghĩ cũng rất ít người có nhóm máu giống mình, nên trừ khi đi công tác quá xa, còn lại dù ngày lễ, Tết, khi nhận được cuộc gọi, biết là bệnh nhân đang nguy cấp, tôi đều gác lại mọi việc, tranh thủ đến hiến máu ngay”.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Khôi, Trưởng Khoa Hiến máu, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2019, bệnh viện tiếp nhận 188 đơn vị máu hiếm; trong đó, từ các điểm hiến máu tại cộng đồng là 130 đơn vị và 58 đơn vị tại bệnh viện (người có nhóm máu hiếm đến bệnh viện trực tiếp hiến máu), nhóm máu O chiếm 71%, A 20%, AB 6% và B chiếm 3%. Năm 2018, lượng máu hiếm tiếp nhận là 164 đơn vị (cộng đồng 151, tại bệnh viện 13 đơn vị máu).

Cùng gỡ khó

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Khôi, CLB người có nhóm máu hiếm hoạt động gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí; thành viên ở xa, rải rác khắp các tỉnh, thành trong khu vực, nên khi có bệnh nhân cần truyền máu, khó triệu tập; một số thành viên thay đổi số điện thoại nên khó liên hệ. Từ những khó khăn trên, bác sĩ Khôi đề xuất hằng năm cần tổ chức lớp tập huấn cho thành viên CLB và hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Hiện nay, ở khu vực Tây Nam bộ còn 45% các tỉnh chưa có CLB người có nhóm máu hiếm. Bác sĩ Lê Gia Tiến, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Hiến máu tình nguyện, cho biết: Hiện nay, công tác hiến máu tình nguyện phát triển rất tích cực nhưng thời điểm hè, Tết vẫn còn thiếu máu. Để đảm bảo nguồn máu ổn định, phải phát triển lực lượng người hiến máu; tạo điều kiện để người hiến máu tham gia đội, nhóm, CLB để có môi trường gắn kết với nhau, vừa làm công tác tuyên truyền, vừa tham gia hiến máu khi có bệnh nhân cần. Khi tham gia CLB máu hiếm, bản thân người có nhóm máu hiếm gặp gỡ các bạn cùng nhóm máu, được các bác sĩ tư vấn sinh sản, nhóm máu, sức khỏe... Để phát triển các CLB này, bệnh viện (nơi quản lý danh sách người có nhóm máu hiếm) phối hợp Hội Chữ thập đỏ phải kết nối với họ, khi bệnh nhân cần thì huy động họ vào bệnh viện cho máu. Đồng thời, tạo sân chơi cho họ gắn kết, giao lưu với nhau.

Trong buổi gặp mặt người có nhóm máu hiếm vào cuối tháng 10-2019 tại TP Cần Thơ, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang… đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia Hiến máu tình nguyện cấp thẻ cho người có nhóm máu hiếm; một thành viên CLB người có nhóm máu hiếm đề nghị nên cung cấp địa chỉ, số điện thoại người có nhóm máu hiếm để khi cần máu, trong CLB gọi cho máu lẫn nhau. Cần xem xét lại chế độ khen thưởng cho người có nhóm máu hiếm, có thể số lần hiến máu ít hơn quy định khen thưởng nhưng đó là những lần hiến máu khẩn cấp cứu cho người bệnh thì vẫn được khen thưởng; xem xét tăng mức bồi dưỡng cho người hiến máu, nhất là chi phí đi lại cho người đi hiến máu khẩn cấp cứu bệnh nhân…

Bác sĩ Lê Gia Tiến cho biết, sẽ báo cáo những đề xuất này đến Ban Chỉ đạo quốc gia Hiến máu tình nguyện đề nghị cấp thẻ cho người có nhóm máu hiếm (thống nhất trong toàn quốc); bổ sung trong quy chế khen thưởng như đề nghị ở trên... Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ, cũng cho biết: “Trên thực tế có người phải đi xa hàng trăm ki-lô-mét để hiến máu cứu người trong đêm; trong khi chi theo quy định của tài chính cố định chỉ có 50.000 đồng chi phí đi lại/người/lần hiến máu. Thấu hiểu khó khăn này, từ nguồn thu của bệnh viện, chúng tôi hỗ trợ chi phí đi lại cho người đi hiến máu ngoài tỉnh 400.000 đồng, trong tỉnh là 200.000-300.000 đồng”.

H.Hoa

Chia sẻ bài viết