25/01/2009 - 09:05

Sắc xuân đồng bằng

Nhìn đồng lúa ửng vàng trong những ngày đầu Xuân Kỷ Sửu 2009, tôi chợt nhớ lại bức tranh làng quê êm đềm thuở nào. Những hình ảnh nên thơ: “tát nước đêm trăng” hay “trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...” đã trở thành chuyện cổ tích. Giờ đây, nhiều công đoạn sản xuất trên phạm vi khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa, 300.000 ha đất trồng cây ăn trái và 700.000 ha đất nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã từng bước được cơ giới hóa. Tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp đang lan tỏa nhanh đến từng xóm ấp ở ĐBSCL như ánh nắng xuân chiếu sáng muôn nơi.

NHỮNG GAM MÀU SÁNG

Một ngày cuối tháng 11-2008, khi những chiếc máy cấy lúa kết thúc phần thao diễn tại Viện Lúa ĐBSCL, hàng trăm đại biểu khách mời và bà con nông dân các tỉnh, thành trong vùng nuối tiếc ra về. Đến lúc đó, tôi mới có dịp trò chuyện với tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, về vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL. Mở đầu câu chuyện, tiến sĩ Lê Văn Bảnh nhận định: “Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ là động lực thúc đẩy cuộc cách mạng nông nghiệp ở nước ta bước vào cao trào mới. Trong đó, cơ giới hóa chắc chắn sẽ được ưu tiên thực hiện để phát triển nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến và bền vững”. Ông cho rằng bước đầu cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm giá thành sản xuất. Tiến sĩ Bảnh so sánh: Trước năm 2000, nông dân ĐBSCL chỉ mới áp dụng cơ giới trong các khâu làm đất, suốt lúa, chế biến gạo. Riêng các khâu gieo sạ, chăm sóc và cắt lúa, bơm tưới chủ yếu được làm bằng thủ công. Đến nay, bức tranh nông nghiệp ở ĐBSCL đã chuyển sang những gam màu sáng, nhiều khâu như làm đất, bơm tưới, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đã được cơ giới hóa. Một số địa phương còn đưa các thiết bị công nghệ cao vào đồng ruộng như cấy lúa bằng máy, dùng thiết bị định vị bằng tia laser trợ giúp việc san ủi mặt bằng đồng ruộng...

Đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân ĐBSCL đến tham quan trình diễn cấy lúa bằng máy tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: N.C 

Tiến trình cơ giới hóa ở ĐBSCL thời gian qua đã tạo nên nhiều mô hình tiêu biểu, có sức lan tỏa nhanh. Cánh đồng của Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) dù còn ngập sâu trong nước lũ, nhưng các chủ máy cày và Ban giám đốc của doanh nghiệp này đã chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Khi tôi đến, anh Nguyễn Bá Tường ở ấp 1, xã Thạnh Phú tạm gác việc kiểm tra mấy chiếc máy cày của mình. Chỉ tay về phía những chiếc máy cày, anh Tường nói: “Những “con trâu sắt” này vừa là nguồn thu nhập chính cho gia đình, đồng thời còn góp phần nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa ở Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ”. Từ chiếc máy cày đầu tiên được mua vào năm 2006, đến nay, gia đình anh Tường sở hữu đến 4 chiếc máy cày tham gia dịch vụ làm đất. Anh Tường thố lộ: “Điều thôi thúc tôi sắm thêm “trâu sắt” là do đồng ruộng của công ty có hạ tầng giao thông thủy, bộ thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào đồng rộng”. Nếu như anh Tường chỉ đầu tư phương tiện tham gia dịch vụ làm đất, thì anh Trần Văn Thiệt ở ấp 3, xã Thạnh Phú đầu tư phương tiện tham gia nhiều dịch vụ nông nghiệp như bơm tưới, làm đất và suốt lúa.

Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự góp sức của các nông hộ như anh Tường, anh Thiệt... đã giúp Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (với khoảng 6.000 ha đất sản xuất lúa) trở thành điển hình trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Tất cả các khâu: làm đất, bơm tưới, thu hoạch, phơi sấy, chế biến và tồn trữ lúa gạo ở công ty đều đã được cơ giới hóa. Với những lợi thế trên, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ đã được xác định là một trong số ba trọng điểm thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP Cần Thơ.

Ra đời sau Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và mô hình sản xuất lúa an toàn, chất lượng cao ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, “Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới xây dựng mô hình khuyến nông thâm canh tổng hợp” (gọi tắt là Dự án) được áp dụng ở xã An Bình, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vào vụ đông xuân 2007-2008. Bác Mười Phong với thâm niên hơn 40 năm làm ruộng ở xã An Bình cho biết: “Hồi trước, làm ruộng cực lắm, từng hộ phải lo chọn lúa giống, đắp bờ, bơm tưới, dọn đất, gieo sạ... Giờ đây, các khâu sản xuất đó đều được thực hiện bằng cơ giới, nông dân đỡ cực nhưng lợi nhuận lại cao hơn”.

Vụ lúa đông xuân trước, 117 nông hộ với 135 ha đất sản xuất lúa ở xã An Bình cùng tham gia thí điểm dự án này. Những hộ tham gia dự án được cán bộ kỹ thuật và các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp và hướng dẫn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào đồng ruộng. Nhờ đó, toàn bộ diện tích đất trong vùng dự án đều sử dụng 2 giống lúa chất lượng cao và gieo sạ hàng, bơm tưới tập thể, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Anh Nguyễn Văn Tiêm, đại diện cho một doanh nghiệp tham gia dự án, kể: Trong vụ làm ăn hợp tác đầu tiên, anh cùng chính quyền địa phương phải giải thích, vận động từng nông hộ. Thế nhưng, đến vụ đông xuân 2008-2009, có đến hàng ngàn nông hộ (quy mô lên đến 5.000 ha đất sản xuất lúa) ở huyện Thoại Sơn cùng mong muốn được hưởng lợi từ dự án. Anh Tiêm nói: “Tôi ước ao dự án sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác sang các khâu: xây dựng kho tàng, lò sấy, nhà máy chế biến gạo... Để nhu cầu hợp tác này sớm được thực hiện, điều quan trọng nhất cần có sự hợp lực của nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đã khá phổ biến ở ĐBSCL. Ảnh: NHẬT CHÁNH 

Những ngày cận Tết, khi nông dân ĐBSCL chuẩn bị vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân cũng là lúc cơ sở cơ khí Năm Sanh ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ vào cao điểm sản xuất máy gặt đập liên hợp. Tại Hội thi máy gặt đập liên hợp vùng ĐBSCL diễn ra ở Đồng Tháp vào tháng 3-2008, khi hàng chục máy gặt đập liên hợp được sản xuất trong và ngoài nước thi tài thu hoạch lúa, ông Năm Sanh, chủ cơ sở cơ khí Năm Sanh, cẩn thận ghi nhận từng ý kiến đóng góp, những mong muốn của các nhà khoa học và bà con nông dân. Nhờ đó, những chiếc máy gặt đập liên hợp do cơ sở cơ khí Năm Sanh sản xuất ngày càng hoàn thiện. Tại hội thi này, chiếc máy gặt đập liên hợp do cơ sở Năm Sanh chế tạo, có công suất thu hoạch 2-3 công/giờ, mức tiêu hao nhiên liệu từ 1,5 đến 2 lít dầu diesel/công, giá bán 120 triệu đồng/máy, đã vượt qua được nhiều máy gặt đập liên hợp khác để giành giải 3. Đến nay, máy gặt đập liên hợp của ông Năm Sanh đã được cải tiến nâng công suất lên gấp đôi, giảm mức tiêu hao nhiên liệu xuống còn 1,2 lít dầu diesel/công, giá bán máy chỉ có 140 triệu đồng/máy. Những bước cải tiến quan trọng trên là động lực giúp những chiếc máy gặt đập liên hợp mang thương hiệu Năm Sanh tiêu thụ mạnh ở vùng ĐBSCL và bước đầu được thị trường Campuchia chấp nhận. Ông Năm Sanh nhận định: “Nhu cầu máy gặt đập của vùng ĐBSCL còn rất lớn, các nhà sản xuất máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc cũng không ngừng cải tiến để sản phẩm của họ ngày càng phù hợp hơn với vùng ĐBSCL. Do đó, tôi và những người sản xuất máy gặt đập liên hợp trong nước còn phải cố gắng nhiều hơn”.

NHỮNG TÍN HIỆU MỚI

ĐBSCL được mệnh danh là “3 vựa” (lúa gạo, thủy sản, trái cây) lớn nhất nước, nhưng giá trị nông sản làm ra vẫn còn thấp, sức cạnh tranh yếu... Các nhà khoa học và những người làm công tác quản lý đã xác định rõ nguyên nhân: Đó là tình trạng sản xuất tự phát và manh mún, mối liên kết “4 nhà” chưa chặt, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất ổn, một số chính sách hỗ trợ từ Trung ương, địa phương chưa nhất quán.

Đầu tháng 10-2008, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bùi Bá Bổng có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về Chương trình phát triển nông nghiệp của thành phố. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói: “Bộ NN&PTNT sẽ tích cực góp sức cùng TP Cần Thơ và các nguồn lực xã hội để thực hiện thắng lợi Chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Chương trình này vừa là động lực để TP Cần Thơ phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội và giúp Cần Thơ thể hiện vai trò trung tâm của vùng trong cung cấp các dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao cho cả ĐBSCL”.

Không chỉ có lãnh đạo TP Cần Thơ cùng Bộ NN&PTNT tính toán triển khai chương trình phát triển nông nghiệp của thành phố, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ cũng đang tiếp tục thực hiện mục tiêu hiện đại đồng ruộng của mình. Anh Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, bật mí: “Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân 2008-2009, chúng tôi sẽ thí điểm thuê san ủi mặt bằng đồng ruộng với những chiếc máy cày có gắn thiết bị định vị bằng tia laser. Chúng tôi mong muốn qua đợt thí điểm này kích thích các hộ hợp đồng viên của công ty mạnh dạn đầu tư đưa dịch vụ kỹ thuật cao vào đồng ruộng”.

Nhiều thế hệ nông dân ở Bình Minh (nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) nối tiếp nghề trồng khoai lang. Thương hiệu khoai lang Bình Minh đã khá nổi tiếng ở ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và bước đầu tìm được thị trường xuất khẩu. Từ trước đến nay, việc trồng khoai lang ở vùng đất màu mỡ ven sông Hậu này đều trông nhờ vào sức lao động cơ bắp của cư dân địa phương. Thế nhưng, từ vụ khoai lang năm 2009, huyện Bình Tân bắt đầu đưa cơ giới vào đồng ruộng để thay sức người. Tiến sĩ Hoàng Bắc Quốc, Trưởng Bộ môn nghiên cứu cơ điện nông nghiệp Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng Viện Lúa ĐBSCL đủ khả năng giúp huyện Bình Tân đưa cơ giới hóa vào các khâu đào liếp, tưới nước và thu hoạch khoai lang. Tiến sĩ Quốc phấn khởi nói: “Ngoài chuyện hợp tác với huyện Bình Tân, Viện Lúa ĐBSCL cũng vừa liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức thao diễn máy cấy lúa. Tôi tin rằng, chuyện đưa cơ giới vào khâu cấy lúa sẽ giúp các vùng đất lúa ven biển ở ĐBSCL đang phụ thuộc vào nguồn nước mưa sẽ vượt qua được những trở ngại trong những năm mùa mưa đến muộn nhưng kết thúc sớm”.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị) ở An Giang vẫn tràn đầy tâm huyết với việc xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững. Trò chuyện với tôi tại nhà riêng, ông Bảy Nhị kể lại chuyện khi còn là Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông đã quyết định mua một cây cầu sắt trị giá cả triệu đô- la Mỹ được sản xuất từ nước Anh. Khi cây cầu sắt nói trên về tới An Giang, ông yêu cầu Công ty Cơ khí An Giang đến nghiên cứu và sản xuất những cây cầu tương tự. Đến nay, cầu sắt nông thôn do Cơ khí An Giang sản xuất đã được tiêu thụ rộng khắp vùng ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ. Kết thúc câu chuyện về sự ra đời của hàng loạt cây cầu sắt nông thôn, ông Bảy Nhị nói: “Tôi hy vọng rằng Nhà nước và Bộ NN&PTNT sẽ tính đến chuyện sản xuất hàng loạt máy gặt đập liên hợp cho vùng ĐBSCL như chuyện sản xuất cầu sắt nông thôn ở An Giang”.

Theo ông Bảy Nhị, chuyện nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong từng khâu sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL chắc chắn sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Vấn đề cốt lõi để đẩy mạnh cơ giới hóa và điện khí hóa sản xuất nông nghiệp phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo nghề. Ông Bảy Nhị nhớ lại chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cách đây khoảng 20 năm. Khi ấy, ông Lý Quang Diệu đã chia sẻ kinh nghiệm với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, rằng: Muốn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo nghề nhằm giúp một bộ phận nông dân chuyển sang lao động trong lĩnh vực khác. Ông Bảy Nhị nói: “Thời gian qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Một bộ phận lao động nông nghiệp ở ĐBSCL đã chuyển sang lĩnh vực công nghiệp hoặc xuất khẩu lao động nhưng vẫn tiếp tục lao động cơ bắp với năng suất thấp. Bộ phận lao động còn lại ở nông thôn thường có trình độ văn hóa thấp, vốn liếng kém đang là lực cản của quá trình cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay”.

Cùng quan điểm với ông Bảy Nhị, nhưng tiến sĩ Lê Văn Bảnh bổ sung thêm: “Thời gian qua, tốc độ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở ĐBSCL còn chậm so với yêu cầu, các khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch còn yếu, tình trạng sản xuất manh mún và thiếu gắn kết chậm được khắc phục, nông dân thường xuyên chịu cảnh trúng mùa - rớt giá. Do vậy, Nhà nước nên thực hiện tốt hơn vai trò “nhạc trưởng” trong việc dự báo và quy hoạch. Mặt khác, Nhà nước nên sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các mô hình liên kết sản xuất nhằm khắc phục tình trạng manh mún về diện tích đất sản xuất, tạo thuận lợi đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp”.

Những đàn “trâu sắt” hối hả hoạt động trên đồng ruộng đã thay thế hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày đi sau” đang phát đi tín hiệu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại ở đồng bằng.

Nhật Chánh

Chia sẻ bài viết