CÁT ÐẰNG
“Giao mùa” (NXB Hội nhà văn) là tập thơ của tác giả Cúc Hương, hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ. Khoảng 60 bài thơ với đề tài đa dạng mang lại cho độc giả những rung cảm không chỉ về sự lãng mạn, thơ mộng trước thiên nhiên mà còn vì những rung động với tình yêu, gia đình, quê hương, đất nước…
Nắng, mưa, gió, mây, hoa, lá cùng sự giao mùa của thiên nhiên luôn làm tâm hồn thi sĩ rung động, bật lên những vần thơ đầy cảm xúc. Với Cúc Hương, chị có thể thấy lẩn thẩn khi trời sắp sang xuân, thấy đau đáu khi ánh nắng “đủ bàng bạc chiếc bóng sầu bên hiên”, hay ngẩn ngơ trước những cơn mưa chiều cuối năm... Thậm chí, tự thấy: “Hay là em những đa đoan/ Mau rơi nước mắt, lo toan chuyện người”. Đôi lúc lại cảm nhận rằng: “Đau lắm trong nhau/ Mà hạnh phúc cũng nhiều/ Tê tái ngu ngơ giữa phố đời chộn rộn” (“Ngọt ngào trái đắng”)… Nhưng sau những nỗi niềm đầy tâm sự, chị vẫn chọn cho mình một tâm thế nhẹ nhàng cùng một tinh thần lạc quan: “Dẫu biết rằng/ Một ngày thật mong manh/ Tôi vẫn yêu vô cùng tất cả/ Những gì thân quen/ Những gì xa lạ/ Bỗng dưng thế giới này đẹp biết bao nhiêu” (“Ngày hè diệu vợi”).
Với tình yêu, Cúc Hương chọn cách thiết tha, sâu lắng: “Và em yêu đắm lời thơ/ Yêu anh yêu cả đợi chờ xa xôi/ Yêu con chim hót bên trời/ Lạc bầy ngơ ngác làm rơi tiếng buồn” (“Tiếng đàn bầu”). Tình yêu của người phụ nữ đa cảm được bộc bạch qua nhiều bài thơ đầy thổn thức, với tâm trạng khi dữ dội, lúc dịu êm. Để rồi dẫu vui buồn, hợp tan, chị vẫn không bi lụy, vẫn biết điều gì là đáng trân quý trong cuộc đời này: “Cảm ơn tôi, vào mỗi ban mai/ Còn thả những vần thơ hòa nhịp thở/ Còn lắng chuỗi ngày thường qua ngõ phố/ Còn điểm son hồng một chút, làm duyên” (“Cảm ơn vì tất cả”).
Tình yêu của tác giả được mở rộng bằng những cảm xúc bồi hồi trước vẻ đẹp của quê hương, đất nước; tự hào với những danh nhân, thi nhân, anh hùng của Tổ quốc. Ở mỗi tỉnh, thành, danh thắng đi qua, chị lại viết nên những vần thơ cảm tác về đất và người nơi ấy, như: “Về với Tràng An”, “Về thăm đất Tổ” “Chiều đảo ngọc”, “Qua đèo Hải Vân”, “Đêm Hội An nghe điệu hát Bài Chòi”, “Một thoáng Cổ Loa Thành”, “Công chúa An Tư”, “Bên mộ thi nhân Hàn Mạc Tử”, “Khóc Ức Trai, Nguyễn Trãi”… Và khi dừng chân bên mộ chị Sứ, ngồi nghe gió kể, ai cũng đồng ý với tác giả rằng: “Với Tổ quốc, không phải chị đi xa/ Chị, nữ anh hùng muôn người yêu mến/ Khí phách linh thiêng đã như hòa quyện/ Vào đất nước cây lành trái ngọt quê hương/ Hai mươi mấy mùa xuân/ Chị sống như gương/ Cùng Hòn Đất đã đi vào Huyền Thoại” (“Viếng mộ chị Sứ Hòn Đất”).
Tình yêu sâu lắng và ngọt ngào nhất, tác giả dành cho mẹ. Vì cũng như hầu hết mọi người, với tác giả, mẹ vẫn mãi là tượng đài bất tử trong lòng: “Thương cò dáng mỏng liêu xiêu/ Má ơi, thương má cái nghèo đong đưa/ Bao mùa mưa nắng, nắng mưa/ Dang đôi cánh mỏng cho vừa tình thâm/ Một trăm năm/ Một vạn năm/ Vẫn là lòng mẹ lặng thầm bao la” (“Lặng lẽ cánh cò”). Đáng quý nữa là tình thương hiếm có giữa mẹ chồng - nàng dâu: “Mẹ là mẹ của chồng con/ Con là con dâu dẫu chưa tròn phận dâu/ Nhiều năm qua, ngỡ hôm nào/ Một gian nhà nhỏ ra vào mà vui/ Dạy con, mẹ nhỏ nhẹ lời/ Lặng nghe mẹ nói, một trời yêu thương/ Chúng con có lúc sai đường/ Nhìn vào mắt mẹ buồn buồn rưng rưng/ Bao la lòng mẹ vô cùng/ Mấy xuân bên mẹ là xuân mấy mùa” (“Mẹ ơi”).
Cúc Hương cứ thế thủ thỉ những vần thơ đầy nữ tính, đầy cảm xúc, để khi khép sách lại, người đọc vẫn còn vương vấn, bâng khuâng trước tình yêu mênh mang của một tâm hồn luôn thấu cảm với vạn vật, với cuộc đời.