31/07/2015 - 14:40

Rèn kỹ năng hội nhập cho sinh viên

Đất nước ta đang trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng đó là cơ hội để người trẻ giao lưu, học hỏi, hợp tác với các quốc gia trên thế giới nhằm phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi lực lượng sinh viên - những trí thức trẻ của đất nước cần phải đi tiên phong, tự tin hội nhập. Trong những năm qua, tổ chức Đoàn – Hội Sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng mềm và bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học… cho sinh viên. Qua đó, giúp các bạn trẻ ý thức vai trò, trách nhiệm, đồng thời nắm bắt cơ hội học tập và lập nghiệp của bản thân trong quá trình hội nhập.

Giao lưu văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị

Điểm nhấn trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2015 của Đoàn Trường Đại học Cần Thơ là hoạt động giao lưu với cán bộ, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc). Từ ngày 7 đến 10-7, Đoàn cán bộ, sinh viên Hàn Quốc đã đến giao lưu và thực hiện chương trình hè tình nguyện tại Trường Đại học Cần Thơ và xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Tại đây, các bạn trẻ Hàn Quốc đã tổ chức chương trình ca, múa truyền thống phục vụ thiếu nhi là con em gia đình Hàn - Việt. Qua đó, giúp các phụ huynh, thiếu nhi và sinh viên Cần Thơ hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Hàn Quốc. Lê Thúy Vi, sinh viên ngành Công nghệ sinh học tiên tiến, chia sẻ: "Thông qua các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, em biết thêm về nét văn hóa, nếp sống của con người Hàn Quốc. Tiêu biểu như loại hình nghệ thuật múa quạt, kịch câm, K-pop...". Đảm nhận việc phiên dịch cho Đoàn, Thúy Vi cũng có điều kiện rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và có thêm nhiều bạn bè Hàn Quốc. Vốn là người Cần Thơ, Thúy Vi cũng giới thiệu, hướng dẫn các bạn trẻ Hàn Quốc tham quan một số di tích lịch sử - văn hóa, phong tục tập quán của đất và người Tây Đô.

Bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, Đoàn Trường Đại học Cần Thơ còn hướng dẫn cán bộ, sinh viên Hàn Quốc tham gia Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Cùng ăn, cùng làm với sinh viên Việt Nam và người dân địa phương, các bạn trẻ Hàn Quốc có dịp tìm hiểu về văn hóa, nếp sống, sự thân thiện của con người Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Có mặt tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) từ rất sớm, Yeeun Lee (20 tuổi), nữ sinh viên Trường Đại học Quốc gia Incheon tất bật phụ giúp bà con vận chuyển cát, đá xây đường giao thông. Yeeun Lee bộc bạch: "Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, các bạn sinh viên Cần Thơ rất nhiệt tình, gần gũi và hiếu khách. Đặc biệt tôi có nhiều trải nghiệm thú vị khi tham gia hoạt động tình nguyện, như: xây dựng đường giao thông nông thôn, phục vụ văn nghệ cho con em gia đình Hàn – Việt".

Sinh viên Trường Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc) và Trường Đại học Cần Thơ tình nguyện xây dựng đường giao thông tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.

Anh Lê Thanh Sơn, Bí thư Đoàn Trường Đại học Cần Thơ cho biết: "Trong dịp hè năm 2015, nhiều sinh viên của trường được cử tham gia trại hè, giao lưu văn hóa tại Thái Lan, Singapore, Philippines. Trước đó, sinh viên của trường đã tham gia nhiều diễn đàn, chương trình giao lưu với sinh viên thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network) tổ chức định kỳ mỗi năm 2 lần". Thông qua các hoạt động giao lưu với sinh viên nước ngoài, sinh viên không còn bó hẹp phạm vi tiếp cận thông tin, giao lưu, học hỏi trong nước mà có thể mở rộng giao tiếp, tiếp cận thông tin rộng rãi và nhanh chóng trong khu vực và trên toàn thế giới, nắm bắt nhiều cơ hội phát triển bản thân, quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Đầu năm 2015, Nguyễn Huỳnh Anh Khôi, sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng, được tham gia diễn đàn "Thủ lĩnh sinh viên toàn cầu" được tổ chức tại Malaysia, với sự tham gia của hơn 100 sinh viên đến từ các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á. Gần 1 tuần tham gia các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn, Anh Khôi ấn tượng bởi phong cách làm việc, học tập khoa học, khả năng hùng biện, thuyết trình hấp dẫn của một số sinh viên nước ngoài. Anh Khôi chia sẻ: "Không ít sinh viên nước ta còn hạn chế kỹ năng hùng biện, không có thói quen phản biện. Nhưng với sinh viên nước ngoài, họ luôn đặt câu hỏi và đòi hỏi người thuyết trình phải phân tích thấu đáo bằng lập luận khoa học, thuyết phục nhất". Diễn đàn cũng là dịp để các bạn trẻ chia sẻ những vấn đề thời sự mà giới trẻ quan tâm, như: Bình đẳng giới, phát triển doanh nghiệp xã hội, văn hóa các dân tộc... Từ những trải nghiệm đó, Khôi vận dụng đưa vào các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Tiếng Anh (Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh) nhằm giúp sinh viên vừa học tiếng Anh vừa bổ sung kiến thức về văn hóa, kinh tế xã hội của các nước vùng Đông Nam Á.

Tăng cường rèn luyện kỹ năng mềm

Nhiều cán bộ Đoàn cho rằng, bên cạnh yếu về ngoại ngữ, kỹ năng mềm của sinh viên hiện nay khá hạn chế. Vì vậy, thời gian qua các cấp bộ Đoàn – Hội ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố rất chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên. Chị Nguyễn Thị Đoan Trinh, Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu năm học, Đoàn trường tổ chức sinh hoạt đầu khóa, trong đó lồng ghép sinh hoạt chuyên đề về vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ hội nhập, trang bị các kiến thức về tổ chức ASEAN, WTO; cơ hội, thách thức mà người trẻ phải đối mặt khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Chị Trinh chia sẻ: "Chúng tôi chú trọng giáo dục nhận thức để mỗi sinh viên xác định được những thách thức trong quá trình hội nhập, từ đó xây dựng mục tiêu phấn đấu đúng đắn. Bởi trong tương lai gần, khi cộng đồng ASEAN thành lập, sinh viên sau khi ra trường phải đối mặt với sự cạnh tranh về việc làm với người lao động người nước ngoài". Để nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên, Đoàn trường thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng, tập huấn cán bộ Đoàn – Hội, diễn đàn giao lưu với doanh nghiệp, từ đó xây dựng cầu nối giữa nhu cầu việc làm của sinh viên với yêu cầu đặt ra của nhà tuyển dụng.

Theo chị Trinh, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ là đơn vị nằm trong dự án "Đào tạo kỹ năng thành công" do tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế và Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ phối hợp thực hiện. Tính đến nay, dự án đã tổ chức 6 lớp đào tạo kỹ năng mềm, như: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, phỏng vấn dự tuyển, cách xác lập mục tiêu học tập, kỹ năng quản lý tài chính cho trên 180 sinh viên. Dự án cũng nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ đào tạo và kết nối việc làm cho sinh viên, với những mục tiêu cụ thể như: Đánh giá tình hình thị trường lao động và nhu cầu của người trẻ; hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho thanh niên; tăng cường kết nối việc làm; vận động đổi mới chương trình đào tạo theo nhu cầu thị trường. Sắp tới, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường tiếp tục củng cố, nâng chất 13 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, nâng cao kỹ năng sử dụng ngoại ngữ và tin học.

Có thể thấy, khi cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, sẽ thúc đẩy quá trình di chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có kỹ năng và trình độ cao. Đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ gặp áp lực cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi nhà trường phải nâng cao chất lượng chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp của các nước. Đồng thời, tổ chức Đoàn – Hội cũng phải nhập cuộc, tăng cường tuyên truyền, định hướng sinh viên nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện để không "thua cuộc" trên sân nhà. Với ý nghĩa đó, tháng 7-2015, Hội Sinh viên thành phố đã ra mắt Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên TP Cần Thơ. Theo anh Lâm Văn Tân, Chánh Văn phòng Hội Sinh viên TP Cần Thơ, Trung tâm gồm có 4 phòng chức năng: Phòng Tổ chức – Hành chính – Kế toán, phòng Đào tạo – huấn luyện kỹ năng, phòng Hỗ trợ đời sống, phòng Sự kiện truyền thông. Mục tiêu của trung tâm là tư vấn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, hỗ trợ việc làm (bao gồm việc làm bán thời gian và sinh viên mới tốt nghiệp), đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tạo môi trường cho sinh viên rèn kỹ năng từ chính môi trường thực tiễn.

Trong các sự kiện giao lưu văn hóa, thể dục thể thao có yếu tố nước ngoài, Hội Sinh viên thành phố cũng đã tuyển chọn nhiều sinh viên làm tình nguyện viên để nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, làm quen với môi trường trong các sự kiện qui mô quốc tế. Các Liên chi hội sinh viên, cơ sở Đoàn trong trường học còn thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức các chương trình giao lưu với cán bộ, sinh viên nước ngoài nhằm trao đổi văn hóa, phương pháp học tập và tạo sự gắn bó, tình hữu nghị với nhau. Có thể thấy, sinh viên thành phố tuy được đánh giá là có khả năng sáng tạo, nhạy bén và năng động. Dù vậy, tác phong công nghiệp, vốn ngoại ngữ, kỹ năng còn hạn chế… đòi hỏi bản thân sinh viên cần nỗ lực khắc phục để không "lạc hậu" trong tiến trình hội nhập của đất nước.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết