09/11/2019 - 18:31

Rào cản vô hình 

Nước Đức đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ (9/11/1989-9/11/2019) trong bối cảnh mà quốc gia này vẫn tồn tại rào cản vô hình là sự phân hóa sâu sắc giữa hai miền Đông-Tây. 

Steffen Mau, giáo sư xã hội học của Đại học Humboldt (Berlin), nhận định sự phân cực giữa hai miền không  chỉ hiện hữu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là về kinh tế, mà sự khác biệt mạnh mẽ vẫn còn dai dẳng trong thái độ và tiềm thức xã hội, chính trị. Theo thời giá hiện hành, GDP trên đầu người của Đông Đức năm 1991 là 9.701 euro, so với 22.687 euro của Tây Đức. Khoảng cách này có rút ngắn nhưng quả thật khó có thể san lấp xét cả trên bình diện GDP lẫn thu nhập bình quân giữa hai miền.

Cảnh ngày bức tường Berlin sụp đổ. Ảnh: AFP

Có nhiều chỉ dấu thể hiện sự phân hóa rõ rệt đó. Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Berenberg, cho biết phần lớn người giàu nhất của nước Đức sống ở phía Tây. Còn theo Viện nghiên cứu kinh tế Halle, chỉ có 36 công ty lớn nhất của nước Đức đặt trụ sở ở miền Đông.

Xét về dân số, Đông Đức quá ít ỏi. Không tính thủ đô Berlin, Đông Đức chỉ có 12,5 triệu dân, so với hơn 66 triệu dân ở Tây Đức. Giáo sư Steffen Mau cho hay nhìn tổng thể, người dân Đông Đức ngày nay trở nên già nua và nghèo khó. Đông Đức cũng có nhiều nam giới hơn so với Tây Đức, nơi tiếp nhận khoảng 2 triệu người dân phía Đông tràn qua kể từ sau bức tường Berlin sụp đổ, trong đó 2/3 là phụ nữ. Trong số 18 câu lạc bộ tham dự Giải bóng đá vô địch quốc gia Đức Bundesliga, chỉ có 2 câu lạc bộ ở Đông Đức.

 Về chính trị, có đến ¾ vị trí lãnh đạo các địa phương ở Đông Đức do những người có lai lịch ở Tây Đức nắm giữ. Trong các cuộc bầu cử, cử tri Đông Đức phần nhiều ủng hộ đảng cực hữu AFD. Giáo sư Steffen Mau giải thích, các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Đông Đức vẫn cảm nhận họ giống như công dân hạng hai ở nước Đức thống nhất.

Lễ kỷ niệm 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ cũng diễn ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo cường quốc phương Tây từ thời Chiến tranh lạnh chia rẽ. Không có sự hiện diện của Tổng thống Donald Trump - người chủ trương chính sách “nước Mỹ trên hết”, Ngoại trưởng Mike Pompeo đến thăm Đức và  “thêm dầu vào lửa” khi cảnh báo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có nguy cơ tan rã nếu nó không thích ứng với tình hình thực tế. Ông Pompeo bình luận trong một diễn đàn ở Đức: “Nhiều quốc gia (trong NATO) tin rằng họ có thể được hưởng lợi ích an ninh mà không cung cấp nguồn lực cần thiết cho NATO. Nếu họ không thực hiện đúng cam kết đóng góp tài chính, đó sẽ là nguy cơ khiến NATO có thể trở nên vô hiệu và lỗi thời. 70 năm đã trôi qua, NATO cần lớn mạnh và thay đổi. NATO cần đối mặt với thực tế và thách thức đương thời”.

Ngoại trưởng Mỹ rời khỏi nước Đức trong ngày 8-11. Ngày kỷ niệm 9-11 ở Đức thiếu vắng những tên tuổi nổi bật trên chính trường quốc tế. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ đến Berlin ngày 10-11. Trước đó, ông Macron đã “dậy sóng” giới lãnh đạo NATO khi cho rằng khối quân sự gần tròn 70 năm tuổi này “chết não”. Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel có ý phê bình phát biểu của ông Macron là “quá quyết liệt” và “không cần thiết”, nhưng bà có lẽ phải “nhíu lông mày” khi Ngoại trưởng Pompeo thay lời ông Trump nhắc các nước nhanh chóng tăng ngân sách quốc phòng đáp ứng yêu cầu của NATO.  

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết