19/06/2018 - 07:23

Quy trình phản ứng nhanh cứu sống người bị nhồi máu cơ tim 

Trong vòng 90 phút tính từ khi nhập viện, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sẽ được thông tim can thiệp theo quy trình phản ứng nhanh của Bệnh viện (BV) Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Quy trình này giúp người bệnh qua cơn nguy kịch, giảm thiểu biến chứng.

Code phản ứng nhanh

Du khách Pháp, ông D.L., cùng vợ có chuyến tham quan Cần Thơ. Nửa đêm 13-5, tại khách sạn, ông D.L. lên cơn đau ngực đột ngột, vã mồ hôi, nên được nhanh chóng đưa đến BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Qua thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Ngay sau đó, ê kíp can thiệp thực hiện chụp mạch vành và đặt 1 stent cho bệnh nhân. Toàn bộ quá trình điều trị diễn ra trong vòng 90 phút sau khi bệnh nhân nhập viện. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt. Xuất viện sau 1 tuần theo dõi, bệnh nhân bày tỏ lòng cảm ơn đối với các bác sĩ BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã nỗ lực cấp cứu kịp thời cho ông.

Bác sĩ Ngô Miên Tường thăm hỏi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện sau can thiệp tim mạch.
Bác sĩ Ngô Miên Tường thăm hỏi bệnh nhân chuẩn bị xuất viện sau can thiệp tim mạch.

Theo bác sĩ Ngô Miên Tường, bác sĩ đơn vị tim mạch, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, thời gian vàng để cấp cứu người bệnh qua cơn nguy kịch là trong 3 giờ đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng các cơn đau tim đột ngột. Nhằm tranh thủ “những giờ vàng”, từ năm 2016, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã lập quy trình cấp cứu nhồi máu cấp hay còn gọi là Code Stemi để cấp cứu kịp thời cho người bệnh.

Theo đó, khi có một bệnh nhân nhồi máu cơ tim nhập viện, Code Stemi sẽ được kích hoạt thông qua chuông hiệu và thông báo toàn BV. Ngay lập tức, đội cấp cứu tiếp nhận người bệnh, hội chẩn để đưa ra chẩn đoán với thời gian 30 phút phải có kết quả xét nghiệm, trong 90 phút phải thực hiện can thiệp cho bệnh nhân. Quy trình rút ngắn thời gian và hạn chế rủi ro cho người bệnh nhồi máu cơ tim cấp. Bởi lẽ, nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời, phải đối mặt với nhiều biến chứng như suy tim, thậm chí tử vong do rối loạn nhịp tim, thủng tim.

Bác sĩ Ngô Miên Tường cho biết thêm, hiệu quả của quy trình Code Stemi còn nhờ vào chính sách của BV, đặt mục tiêu cứu sống người bệnh lên hàng đầu, vấn đề chi phí sẽ được tính toán sau đó. Bác sĩ hoàn toàn chuyên tâm thực hiện ca can thiệp. Hiện nay, bình quân mỗi tháng ê kíp bác sĩ của khoa thực hiện khoảng 25-30 ca can thiệp đặt stent thông tim; trong đó, nhiều trường hợp khó khăn về chi phí can thiệp được xem xét hỗ trợ.

Cô Trần Thị Bé (65 tuổi, ở quận Bình Thủy) chuẩn bị xuất viện sau can thiệp đặt stent, vui vẻ cho biết, sức khỏe cô hồi phục tốt, không còn các cơn đau thắt ngực. Lần trước, cô Bé vào viện với cơn đau ngực, kết quả chụp CT, phát hiện hẹp mạch vành và được khuyên nên đặt stent nhưng cô muốn được điều trị nội khoa. Sau một thời gian uống thuốc, các cơn đau ngực tái phát nên cô nhập viện trở lại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Lần này tình trạng hẹp nặng hơn nên được các bác sĩ đặt 3 stent thông tim.

Nhận diện bệnh

Nhồi máu cơ tim là tình trạng hoại tử cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng kéo dài. Theo các bác sĩ chuyên khoa, người bệnh có thể nhận biết dấu hiệu điển hình của bệnh bằng cơn đau vùng trước ngực trái hay trước xương ức, cảm giác nặng, khó thở giống như có vật nặng đè lên ngực. Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút. Những trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị choáng, tuột huyết áp.

Bác sĩ Ngô Miên Tường cho biết, bệnh nhồi máu cơ tim cấp thường gặp ở người cao tuổi, nhất là vào mùa lạnh, và có xu hướng trẻ hóa. Nhiều trường hợp nam giới dưới 40 và nữ giới trước tuổi mãn kinh mắc bệnh, có tình trạng hẹp nhiều nhánh mạch. Nguyên nhân có thể do chế độ dinh dưỡng chưa cân đối, dư thừa nhiều chất đạm béo và chất bột đường, thường xuyên hút thuốc lá,… dẫn đến rối loạn chuyển hóa. Do đó, người có thể trạng béo phì, mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu thường ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.

Triệu chứng đau nhói ngực của bệnh nhồi máu cơ tim trong nhiều trường hợp được chẩn đoán nhầm với bệnh lý đau dạ dày vì các cơn đau có cùng vị trí. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa,  các cơn đau ngực do nhồi máu cơ tim thường đau kèm mệt lả, vã mồ hôi thậm chí gây choáng. Do vậy, với các triệu chứng đau ngực, bác sĩ nếu nghi ngờ, sẽ cho bệnh nhân đo điện tim để kiểm tra.

Bác sĩ Ngô Miên Tường khuyến cáo, để phòng tránh các bệnh tim mạch, mọi người nên thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý. Tránh chế độ ăn quá dư thừa, kiểm soát cân nặng và huyết áp cũng như các bệnh lý mãn tính. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một dấu hiệu khác là sự suy giảm sức khỏe bất thường, cảm thấy mau mệt, mệt nhiều hơn khi làm các công việc thường ngày, thì nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết