28/09/2012 - 20:26

Quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 21/2012/TT-BLĐTBXH ngày 5-9-2012 hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm của các địa phương và cả nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-11-2012.

* Xác định các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo:

- Ban chỉ đạo cấp xã: tổ chức họp với các chi hội đoàn thể, trưởng thôn/bản, tổ dân cư, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong năm để phát hiện những hộ kinh tế suy giảm hoặc gặp những biến cố có khả năng rơi xuống hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới di chuyển đến trong năm để đưa vào diện điều tra, rà soát;

- Sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất và sinh hoạt) của hộ gia đình để xác định hộ chắc chắn không nghèo, cận nghèo: Cho điểm hộ gia đình theo số lượng tài sản và các mức điểm cho từng loại tài sản; nếu hộ gia đình có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định, xác định hộ này thuộc diện hộ không nghèo, không cần điều tra tiếp; nếu hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn số điểm quy định, đưa hộ gia đình này vào danh sách hộ có khả năng rơi xuống cận nghèo, nghèo.

* Xác định các hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo:

Điều tra viên hướng dẫn hộ gia đình đánh giá về khả năng thoát nghèo, cận nghèo căn cứ vào các yếu tố có nguy cơ nghèo. Trường hợp hộ gia đình có số yếu tố lớn hơn hoặc bằng số yếu tố quy định là hộ chắc chắn chưa thoát nghèo, không cần điều tra tiếp. Trường hợp hộ có số yếu tố nhỏ hơn số yếu tố quy định đưa vào danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo.

* Kết quả điều tra, rà soát sơ bộ thu nhập hộ gia đình:

Những hộ trong danh sách có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo nếu có thu nhập nhỏ hơn hoặc bằng tiêu chí quy định đưa vào danh sách sơ bộ để tổ chức bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những hộ trong danh sách hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo nếu có thu nhập lớn hơn tiêu chí quy định đưa vào danh sách sơ bộ để tổ chức bình xét hộ thoát nghèo, cận nghèo. Niêm yết công khai danh sách hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo; hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo theo tiêu chí hiện hành tại trụ sở UBND cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản, ấp và trên các phương tiện thông tin đại chúng trong vòng 5 ngày. Trường hợp hộ gia đình khiếu nại do không được điều tra, rà soát thu nhập, Ban chỉ đạo cấp xã cần tiến hành điều tra, rà soát bổ sung, nếu thu nhập của hộ gia đình dưới mức tiêu chí quy định được tổng hợp vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo sơ bộ để tổ chức bình xét.

* Tổ chức bình xét ở thôn/bản, tổ dân cư:

Chủ trì hội nghị là trưởng thôn/bản, tổ dân cư; tham dự hội nghị gồm đại diện Đảng ủy, UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo, bí thư chi bộ, chi hội trưởng các chi hội đoàn thể thôn/bản, tổ dân cư; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét; đại diện các hộ gia đình trong thôn/bản, tổ dân cư (hội nghị phải có trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự). Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); kết quả biểu quyết phải có trên 50% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới.

Kết quả bình xét phải được ghi vào biên bản; biên bản và danh sách hộ nghèo, cận nghèo qua bình xét được lập thành 2 bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký cuộc họp: 1 bản lưu ở thôn/bản, tổ dân cư; 1 bản gửi Ban chỉ đạo cấp xã…

Ng.H (thực hiện)

Chia sẻ bài viết