27/06/2008 - 21:44

Ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quy hoạch các đối tượng và tổ chức lại thông tin thị trường để phát triển thủy sản bền vững

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL và cả nước. Hằng năm, tôm sú xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỉ USD; cá tra xuất khẩu đạt kim ngạch 1 tỉ USD. Vấn đề đặt ra là: Làm sao để hai đối tượng xuất khẩu chủ lực này phát triển bền vững? Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ, ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định:

- Hiện nay, nhu cầu tôm sú và tôm chân trắng trên thế giới cân bằng nhau ở sản lượng khoảng 1-1,5 triệu tấn. Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường này. Còn sản phẩm cá tra gần như là đối tượng cá nước ngọt duy nhất cho được sản lượng cao, sản phẩm có chất lượng đảm bảo nhu cầu thị trường thế giới. Đặc biệt, cá tra ở vùng ĐBSCL có điều kiện, đặc điểm sinh học, sinh thái thuận lợi để nuôi với sản lượng lớn. Hiện nay, sản lượng cá tra ở ĐBSCL đã lên đến trên 1 triệu tấn/năm, cho giá trị xuất khẩu 1 tỉ USD và trở thành một ngành nghề lớn, giải quyết công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng GDP của vùng và cả nước.

* Hiện nay, hàng chục ngàn ha nuôi tôm sú đã được chuyển sang trồng lúa; người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ phá sản vì giá bán thấp, không còn vốn tiếp tục đầu tư, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của hai đối tượng này. Theo Thứ trưởng đâu là những nguyên nhân chính?

- Tôi cho rằng, trong quá trình phát triển, chúng ta chưa hoàn thiện được quy hoạch ổn định ngay từ đầu. Thực tế, chúng ta chỉ định hướng nhu cầu trên thế giới đối với sản phẩm thủy sản nói chung và sản phẩm tôm sú, cá tra nói riêng ngày càng tăng, sau đó mới phát triển ngành thủy sản hay phát triển hai đối tượng này. Chúng ta có quy hoạch phát triển thủy sản nói chung, nhưng quy hoạch riêng cho nuôi trồng thủy sản ĐBSCL thì chưa hoàn thiện. Trong đó, phát triển từng đối tượng có phần còn tự phát, làm cho quá trình phát triển ngày càng bấp bênh.

Trong quá trình phát triển, chúng ta đã nắm bắt thông tin và mở rộng thị trường thế giới. Tuy nhiên, mỗi thị trường có sự điều chỉnh riêng. Chính vì thế, nó tác động ít nhiều đến quá trình phát triển. Có lúc, chúng ta giải thích thị trường nước ngoài thiếu chính xác, chẳng hạn vào thời điểm nghỉ hè, do người nước ngoài ít ăn sản phẩm thủy sản đông lạnh nên lượng mua giảm. Hoặc vào mùa Giáng sinh, nhu cầu tăng, chúng ta cung ứng nhiều hơn làm tăng giá thị trường nguyên liệu trong nước. Trong khi đó, khi qua ngưỡng này, người nuôi thủy sản mới thu hoạch rộ, làm thị trường dư thừa. Tuy nhiên, thực chất ở đây không phải là dư thừa nếu chúng ta biết điều chỉnh bằng cách dự trữ để chuẩn bị cho những vụ sau. Rõ ràng những bấp bênh đó tạo ra những khó khăn do cung vượt cầu. Nhưng đó chỉ là nhất thời do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa người nuôi thủy sản hay người nuôi tôm, cá tra với nhà chế biến, các nhà tiêu thụ có kho trữ, có kho đông lạnh.

* Thời gian qua, có ý kiến cho rằng những giải pháp từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành hữu quan can thiệp khi thị trường tôm sú, cá tra nguyên liệu biến động chưa có hiệu quả, căn cơ. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Thu hoạch tôm sú ở Sóc Trăng. Ảnh: THANH TÚ

- Trước những biến động, Bộ NN&PTNT có báo cáo với Chính phủ, từ đó phối hợp với các bộ, ngành hữu quan có những chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn. Tất nhiên, trong đó cũng có những giải pháp được thực thi trong một giai đoạn nhất định để nhằm tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Muốn đạt hiệu quả lâu dài cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Ví dụ, để phát triển con cá tra phải có đầy đủ, đồng bộ về chất lượng con giống, kỹ thuật nuôi... Muốn có những điều này, chủ yếu là những giải pháp khoa học công nghệ; những chính sách tổ chức lại sản xuất, trong đó có thông qua quản lý cộng đồng... thì phải có giải pháp mang tính chất vừa trước mắt, vừa lâu dài.

Khó khăn vừa qua của con cá tra là lúc thì tỷ giá đô-la không ổn định, lúc thì thiếu vốn..., những chính sách của Chính phủ đưa ra vừa có tác động trực tiếp vừa có tác động gián tiếp cho người nuôi hiện nay. Tác động gián tiếp là tạo ra được một tinh thần Nhà nước luôn chăm lo, bảo đảm cho người sản xuất. Tác động trực tiếp là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra tiếp cận nguồn vốn để thu mua cá nguyên liệu cho người dân.

* Theo Thứ trưởng, các tỉnh ĐBSCL cần phải làm gì để con tôm sú, con cá tra cũng như các đối tượng thủy sản khác từng bước phát triển bền vững?

- Trước hết phải nói đến các quy hoạch và điều kiện để thực hiện các quy hoạch. Nhà nước quản lý cần có chủ trương, quyết định đúng lúc, đúng thời điểm. Trong đó, điều kiện về kỹ thuật, về tổ chức sản xuất và trên hết là có hợp đồng để biết chắc rằng người nông dân sản xuất hàng hóa đã có thị trường tiêu thụ. Trong quá trình tổ chức lại sản xuất, chắc chắn sẽ có một số diện tích thừa ra do không đảm bảo điều kiện kỹ thuật, vị trí thích hợp... Đối với những trường hợp này, phải mạnh dạn buộc người nuôi chuyển đổi nghề nghiệp. Hoặc có biện pháp cho người nuôi thấy rằng, tiếp tục sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro vì sản phẩm thủy sản của họ làm ra không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của người mua...

Về lâu dài, để con tôm sú, cá tra hay các sản phẩm thủy sản khác phát triển bền vững, không chỉ riêng ĐBSCL mà cả nước phải có quy hoạch các đối tượng phát triển thủy sản và tổ chức lại thông tin thị trường. Ngoài ra, phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất từng đối tượng cụ thể thật chặt chẽ trên cơ sở phải đảm bảo hài hòa lợi ích các tác nhân trong các chuỗi liên kết này...

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

HÀ TRIỀU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết