08/12/2022 - 08:32

Quản trị vốn để giảm rủi ro cho doanh nghiệp 

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Vận hành dòng tiền hiệu quả, kiểm soát vốn, quản trị vốn, giảm thiểu các rủi ro một cách hiệu quả là yêu cầu cực kỳ bức thiết, quyết định trực tiếp đến sự sống còn của mỗi doanh nghiệp (DN). Theo các chuyên gia, DN cần quan tâm cơ cấu nguồn vốn, tìm giải pháp huy động vốn bền vững và hiệu quả trong bối cảnh các nguồn tài chính đang bị thắt chặt do yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Kiểm soát dòng tiền

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh TP Cần Thơ.

Trong khuôn khổ hội thảo trực tuyến với chủ đề “Quản lý dòng tiền và huy động vốn - sự sống còn của DN”, do Viện Đào tạo và Tư vấn DN phối hợp với Cổng thông tin hỗ trợ DN, Trường Đại học Ngoại thương (Hà Nội), PGS. TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn DN, chia sẻ: Trong quá trình tái cấu trúc, các DN hay gặp phải các vấn đề như không có cấu trúc tài chính hợp lý dẫn tới thiếu bền vững và không hiệu quả; không hiểu về phát hành cổ phần, cổ phiếu để huy động vốn chủ sở hữu dẫn tới thiếu dòng tiền và DN rủi ro cao có thể dẫn tới phá sản. Chính vì vậy, các nhà quản trị phải nắm chắc quy luật quản trị dòng tiền để phát triển mô hình tài chính, mô hình kinh doanh bền vững và hiệu quả.

Các chuyên gia cho rằng, việc vận hành và quản trị dòng tiền tốt sẽ đảm bảo cho DN phát triển bền vững, Theo bà Nguyễn Phương Hoa, Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính MBPS, báo cáo dòng tiền hoạt động sẽ chỉ ra được rõ ràng các loại dòng tiền khác nhau nhằm định lượng và kiểm soát cũng như dự báo cho tương lai để các chủ DN hoạch định được tài chính một cách có hiệu quả hơn. Trong đó gồm 3 loại dòng tiền: dòng tiền từ các hoạt động chính (là các hoạt động phát sinh chi phí và tạo ra doanh thu cho DN); dòng tiền từ các hoạt động đầu tư phục vụ mua tài sản, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị, dòng tiền thu về sau khi mang đi đầu tư, thanh lý, bán tài sản; dòng tiền liên quan đến hoạt động tài chính là dòng tiền liên quan đến vay nợ hoặc đầu tư chứng khoán để tìm kiếm thêm lợi nhuận. DN biết sắp xếp, cân đối khoản tiền thu về và chi ra sẽ đảm bảo dòng tiền dương. Nếu có những yếu tố bất ngờ như dịch bệnh hay sự cố tài chính, khách hàng không thanh toán được dẫn đến các khoản nợ khó thu hoặc không thể thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền của DN, nhất là đối với các khoản công nợ lớn. DN phải luôn tìm cách cân đối dòng tiền, đề phòng các tình huống phát sinh để có những phương án tài chính phù hợp để xử lý kịp thời, không ảnh hưởng đến dòng tiền trong quá trình hoạt động.

Huy động vốn đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư cũng là vấn đề sống còn đối với DN. Theo ông Đặng Hà Lâm, Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư VOC Capital, các DN nhỏ và vừa chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn góp cá nhân và đi vay là chính. Do đó, DN thường thiếu nguồn lực, thiếu vốn để mở rộng quy mô hoạt động, phát triển thị trường như mong muốn. Khi đi thiếu vốn phải đi vay lại không có đủ tài sản đảm bảo và vay càng nhiều tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu càng cao sẽ là những tín hiệu không tốt cho các DN nói chung. Mô hình công ty sẽ là yếu tố quyết định việc có thu hút được vốn hay không. Với mô hình công ty vận hành theo cách truyền thống, sử dụng vốn vay là chính sẽ dẫn đến các tổ chức tài chính không quan tâm đến giá trị DN mà quan tâm đến tài sản đảm bảo là chính. Nếu phát triển bằng vốn vay, trong điều kiện nguồn lực có hạn sẽ kìm hãm sự phát triển của công ty, thậm chí có thể gặp phải rủi ro phá sản do đứt gãy dòng tiền, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế gặp phải biến động, khủng hoảng… Đối với mô hình công ty hoạt động theo cơ chế vốn chủ sở hữu, gọi vốn từ các quỹ đầu tư... và chỉ vay ngân hàng với tỷ lệ nhỏ dưới 30-50%/vốn chủ sở hữu nên ngay cả trong giai đoạn khó khăn chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu và lượng tiền mặt tích lũy để giảm thiểu rủi ro. Nhìn chung, mô hình công ty, mô hình kinh doanh sẽ quyết định khả năng gọi vốn của DN. Nếu kinh doanh hiệu quả, cấu trúc hợp lý sẽ thuận tiện kêu gọi được vốn từ các nhà đầu tư.

Đảm bảo an toàn tài chính

Trong bối cảnh các ngân hàng bước vào cuộc đua lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay, DN cần lựa chọn con đường quản trị tài chính phù hợp để vận dụng vào quá trình hoạt động. Theo bà Nguyễn Phương Hoa, với tình hình suy thoái hiện nay, DN có khả năng gặp các khó khăn về mặt tài chính, doanh thu giảm, chi tiêu thắt chặt. Nguyên tắc tài chính là dòng tiền luôn lưu chuyển, từ DN lớn đến DN nhỏ thuộc các ngành dịch vụ liên quan và tạo thêm việc làm cho người lao động. Các ngành nghề thu nhập giảm chi tiêu giảm dẫn đến doanh thu bán hàng sụt giảm, DN cần thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi số, tối ưu hóa chi phí, ưu tiên các khoản đầu tư mang lại hiệu quả ngay thay vì đầu tư dàn trải thiếu trọng tâm; chủ động làm việc với ngân hàng để cơ cấu nợ, cân đối bài toán vốn.

Theo ông Đặng Hà Lâm, các trường hợp huy động vốn cam kết trả lãi cao dễ sụp đổ; có trường hợp mô hình kinh doanh được cấu trúc bài bản nhưng không mang hiệu quả, không mang lại lợi ích cho xã hội, không ổn định về mặt thị trường dẫn đến sụp đổ là không tránh khỏi. Vì vậy, mô hình vốn chủ sở hữu chỉ vận dụng hiệu quả khi DN hoạt động hiệu quả. Trong kinh doanh bên cạnh lợi nhuận thu được cũng tồn tại những rủi ro nhất định. Song khi một công ty được cấu trúc rõ ràng từ mô hình kinh doanh, tài chính hoạt động, có nền móng vững chắc, có ý tưởng, hiện thực ý tưởng sẽ giảm rủi ro hơn. Trong quá trình gọi vốn, DN phải thuyết phục, chứng minh năng lực cho các Fourder, nhà đầu tư thiên thần để huy động vốn đầu tư để chung tay tạo ra nguồn vốn sở hữu và đồng sáng tạo ra giá trị DN.

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, khẳng định: Dòng tiền là mạch sống của DN. Vì vậy DN phải quản trị được dòng tiền, đầu vào, nguồn thu,  phải rà soát công nợ, hỗ trợ khách hàng trả nợ. Phải tận dụng cơ hội kinh doanh dù là nhỏ nhất, phải xử lý vấn đề tồn kho, các khoản phải thu, phải trả, kiểm soát rủi ro. Phải lên kế hoạch căn cơ, tỉ mỉ chi tiết để đối mặt cuộc khủng hoảng được dự báo sâu và dài. Kiên quyết loại bỏ lãng phí và các yếu tố không tạo ra giá trị cho DN. Tối ưu hóa chi phí, hết sức tỉnh táo khi đưa ra các quyết định đầu tư, kiểm soát nguồn chi. DN phải có bước chủ động có kế hoạch ngay từ sớm để phòng ngừa rủi ro. DN phải có tư duy chiến lược để thay đổi mô hình huy động vốn, tối ưu hóa dòng tiền, mô hình kinh doanh, tăng cường kỷ luật tài chính, dự phòng rủi ro... để dòng tiền lưu thông hiệu quả.

Chia sẻ bài viết