26/12/2008 - 09:27

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - ke hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ:

Quan tâm đời sống và bồi dưỡng chuyên môn cho cộng tác viên dân số

Lực lượng cộng tác viên dân số (CTVDS) có vai trò rất quan trọng trong việc vận động thực hiện các chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng dân số. Xoay quanh vấn đề xây dựng và phát triển đội ngũ CTVDS, phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP Cần Thơ.

* Thưa ông, sau những thay đổi về tổ chức, hiện nay, lực lượng CTVDS của TP Cần Thơ như thế nào?

- Trước tiên, phải khẳng định là CTVDS rất nhiệt tình, có kinh nghiệm trong công tác. Dù mức phụ cấp hằng tháng chưa bù đắp được công sức đầu tư cho công việc, nhưng các CTVDS rất tích cực, năng động và chịu khó. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận CTVDS còn dao động tư tưởng, không an tâm công tác, một số nghỉ việc hoặc chuyển sang công tác khác. Điều này, một phần do nguyên nhân khách quan khi từ tháng 5-2008, ngành DS-KHHGĐ có sự thay đổi về tổ chức, kéo theo đó là sự thay đổi về quản lý, nhân sự. Bên cạnh đó, Thông tư 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế chưa kịp phổ biến đến quận, huyện thì một số nơi đã giải thể ngành DS-KHHGĐ hoặc ngưng hoạt động một thời gian. Tuy ngành y tế có chủ trương giữ vững lực lượng CTVDS, cũng như chế độ chính sách, công việc... nhưng sự chuyển đổi về tổ chức đã làm một bộ phận CTVDS hiểu sai về công tác DS-KHHGĐ. Họ nghĩ là ngành DS-KHHGĐ đã giải thể nên có tư tưởng không an tâm, lơ là trong công việc. Chính vì vậy, một số ấp, khu vực chưa thực hiện tốt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ. Kết quả là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2008 khá cao; đặc biệt, ở một số địa phương, hiện tượng sinh con thứ 3 đã bùng phát trở lại, ngay cả trong đối tượng viên chức nhà nước.

Cộng tác viên dân số phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (phải) đang tuyên truyền KHHGĐ cho người dân. Ảnh: BÍCH NGỌC. 

Thấy được khó khăn đó, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố có tờ trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về công tác DS-KHHGĐ năm 2009 đến 2010 và những năm tiếp theo. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với lực lượng cán bộ chuyên trách DS, CTVDS. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để CVTDS ở ấp, khu vực làm việc, như: thực hiện tốt chế độ chính sách đối với CTVDS, động viên tinh thần... Ngành Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ và Trung tâm DS-KHHGĐ hỗ trợ về mặt chuyên môn, tạo mọi điều kiện để CTVDS làm việc.

* Sẽ có những chế độ, chính sách mới nào để hỗ trợ đời sống của đội ngũ CTVDS và ngành Y tế đã có kế hoạch như thế nào để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, thưa ông?

- Đây là một vấn đề hết sức khó khăn và nhạy cảm. Trước đây, Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em đã có tờ trình xin UBND TP Cần Thơ hỗ trợ ngân sách để mua thẻ bảo hiểm y tế cho CTVDS. Nhưng do điều kiện kinh phí hạn hẹp, mệnh giá bảo hiểm y tế tự nguyện cao. Lực lượng CTVDS đông (năm 2009, Trung ương giao cho TP Cần Thơ đảm bảo 1 CTVDS quản lý khoảng 150 hộ gia đình, như vậy, toàn thành phố có trên 1.900 CTVDS) nên chưa thể thực hiện được việc này. Vừa qua, ngành Y tế đã tham mưu với UBND TP Cần Thơ trình HĐND tăng mức hỗ trợ cho CTVDS từ 20.000 lên 50.000 đồng/ tháng, cộng với 50.000 đồng/ tháng do Trung ương hỗ trợ. Như vậy, mỗi tháng, CTVDS được trợ cấp 100.000 đồng, tăng 30.000 đồng so với trước đây. Tính ra trong 1 năm CTVDS sẽ được hưởng thêm 360.000 đồng, trích từ ngân sách thành phố. Với số tiền tăng thêm này, CTVDS có thể tự mua được thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.

Về chuyên môn, nghiệp vụ, có thể nói đội ngũ CTVDS, cán bộ chuyên trách DS lâu năm hoạt động khá chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Trong quá trình làm việc, họ cũng đã được bồi dưỡng nghiệp vụ qua các khóa tập huấn ngắn hạn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, một số CTVDS cũ nghỉ việc, CTVDS mới thay thế. Lực lượng CTVDS mới chưa hiểu rõ về công tác dân số, ít kinh nghiệm, cần phải được đào tạo, tập huấn. Ngành đã có kế hoạch đào tạo ngắn, dài hạn cho đội ngũ này thông qua các cuộc họp định kỳ, cầm tay chỉ việc... Đây là hoạt động thường xuyên và sẽ tiếp tục được duy trì.

* Trong thời gian tới, để ổn định mức tăng dân số, ngành y tế sẽ làm gì, thưa ông?

Theo Nghị quyết HĐND TP Cần Thơ khóa 7, kỳ họp thứ 15, năm 2009, thành phố giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dưới mức 3,5%, năm 2010 dưới mức 3,2% và năm 2011 là dưới mức 3% . Hằng năm giảm tỷ lệ sinh 0,3‰. Nhằm đạt tỷ lệ dân số tăng tự nhiên năm 2009 là 10,68‰, năm 2010 dưới 10,38‰ và năm 2011 còn dưới 10,08‰.

- Năm nay, khi kiểm tra công tác DS-KHHGĐ ở các địa phương, ngành y tế sẽ chú trọng đến việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra về tỷ lệ sanh con thứ 3. Ngành sẽ tăng cường hỗ trợ cho các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ. Song song đó, chúng tôi kêu gọi chính quyền địa phương cùng ban, ngành, đoàn thể các cấp xem việc thực hiện và vận động thực hiện các chỉ tiêu DS-KHHGĐ là trách nhiệm chung. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách DS, CTVDS- những người tiên phong trên mặt trận DS-KHHGĐ- nỗ lực vượt khó để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, khi có nguồn kinh phí khá hơn, ngành y tế sẽ tham mưu để UBND thành phố có những chế độ, chính sách hỗ trợ kịp thời cho CTVDS.

* Xin cảm ơn ông!

B.NGỌC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết