Những năm qua, TP Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, từng bước cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới theo hướng đồng bộ hiện đại. Theo đó, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp mở rộng, cơ bản đáp ứng vận tải thông suốt, kết nối giữa TP Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, từ đó đi các tỉnh vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Trong giai đoạn 2012-2019, Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án giao thông quan trọng như: đường Nam Sông Hậu, Cải tạo mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn quận Cái Răng, nâng cấp cải tạo quốc lộ 91 đoạn km7 đến km50+889 và quốc lộ 91B, cầu Vàm Cống đã khánh thành ngày 19-5-2019. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành các dự án trọng điểm như: Đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc, đường nối thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ, tuyến giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài. Các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã làm tăng tính kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ, mở rộng không gian đô thị. Đồng thời thành phố cũng tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương để sớm triển khai đầu tư đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ; nghiên cứu đề xuất đưa các dự án đường cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc, đường sắt tốc độ cao TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn tới. Hiện nay, các công trình đang triển khai cũng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành như: tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (dự kiến hoàn thành vào năm 2020); cầu Quang Trung đơn nguyên 2, cầu và đường Trần Hoàng Na, đường nối quốc lộ 91 đến đường tỉnh 918, đường sau kè sông Cần Thơ, đường Huỳnh Phan Hộ…
Hệ thống giao thông nội thị của thành phố cũng được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp; các đường, tuyến hẻm nội ô đã được nâng cấp, mở rộng cải tạo hoàn thành thuộc các dự án nâng cấp đô thị thành phố. Các tuyến đường huyện, đường xã đảm bảo vận tải bằng ô tô đến trung tâm. Cụ thể là từ cuối năm 2015, đã có toàn bộ 85 xã, thị trấn, phường có đường ô tô đến trung tâm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian qua, huyện tranh thủ từ nhiều nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn. Riêng trong năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành các công trình giao thông như: Trường Hòa, Vàm Bi-Bốn Tổng; Càng Đước-Vàm Bi; các công trình giao thông nông thôn kết nối từ các xã đến trung tâm thị trấn Phong Điền. Đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đoạn từ Mỹ Khánh đến Phong Điền dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 là một trong những công trình giao thông quan trọng góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ trung tâm TP Cần Thơ về trung tâm huyện.
Hạ tầng giao thông được kết nối thông suốt đồng bộ là điều kiện tiên quyết để Cần Thơ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tháng 8 vừa qua, đoàn doanh nghiệp Malaysia và Singapore đã đáp chuyến bay thẳng từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến TP Cần Thơ để giao dịch mua hàng, tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh. Ông Dato William Ng, Giám đốc điều hành Tổ chức Thương mại Truyền thông Quốc tế Malaysia, chia sẻ: “Sau khi đáp chuyến bay đến Cần Thơ, đoàn chúng tôi đã di chuyển bằng đường bộ đến tham quan nhà máy của một số doanh nghiệp ở khu công nghiệp Thốt Nốt và cảm nhận rằng hạ tầng giao thông kết nối của Cần Thơ rất tốt. Chúng tôi cũng biết rằng Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL và khi cơ sở hạ tầng của Cần Thơ được đầu tư đồng bộ, doanh nghiệp của chúng tôi khi đến đầu tư có thể kết nối được với các tỉnh lân cận nhờ vào mạng lưới giao thông thông suốt và từ đó lấy Cần Thơ làm trung tâm để mở rộng phát triển thị trường".
Tuyến đường Quang Trung-Cái Cui kết nối khu đô thị Nam Cần Thơ với trung tâm TP Cần Thơ.
Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu chuyển hành khách, hàng hóa, vận chuyển sản phẩm nông, thủy, hải sản từ các vùng nguyên liệu về nhà máy chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu. Đồng thời, đóng vai trò kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Cần Thơ. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Cần Thơ, trong một thời gian dài, hạ tầng giao thông vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế hiện có. Thời gian di chuyển giữa Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh vẫn mất trung bình từ 3,5-4 tiếng. Hạ tầng chưa thực sự thông suốt khiến Cần Thơ chưa thực sự hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ được khơi thông cộng với việc phát triển thêm nhiều đường bay mới sẽ mở ra nhiều cơ hội để Cần Thơ khẳng định mạnh mẽ hơn vai trò “thủ phủ Miền Tây”.
Để phát huy hơn nữa lợi thế về vị trí địa lý và đầu mối giao thông của vùng ĐBSCL, thành phố xác định sẽ huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và hằng năm. Thành phố cũng xác định sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 103/2008/NĐ-CP (ngày 7-8-2018) của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Cần Thơ; Quyết định số 2651/QĐ-UBND ngày 15-10-2018 của UBND thành phố; tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các dự án mang tính cấp vùng; các cơ chế đặc thù được phân cấp cho thành phố trong hoạt động đầu tư. Đồng thời, cân đối bố trí nguồn vốn từng công trình theo Danh mục dự án ưu tiên đầu tư cho giai đoạn 2021-2025 sắp tới.l
Bài, ảnh: THANH ĐÌNH