02/12/2022 - 08:27

Quản lý tốt rác thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn 

Bài, ảnh: T. TRINH

Theo các chuyên gia, một trong những cách tiếp cận hiệu quả là khuyến khích sử dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để giải quyết vấn đề chất thải. Mục đích của nền kinh tế tuần hoàn là hướng tới tái sử dụng chất thải, góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững. TP Cần Thơ đang nỗ lực tìm và triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả chất thải rắn, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Hướng dẫn trẻ em phân loại rác tại một sự kiện trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, khối lượng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố trung bình 630 tấn/ngày; khối lượng chất thải y tế được thu gom, xử lý trung bình 2,98 tấn/ngày; chất thải nguy hại phát sinh ước khoảng 30-35 tấn/ngày. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các loại chất thải, đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị lên đến 98,5%. Bên cạnh đó, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn, đôn đốc UBND 9 quận, huyện triển khai quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; triển khai công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận, huyện năm 2022 và những năm tiếp theo.

Mặt khác, thành phố đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp về quản lý chất thải rắn. Ðồng thời, triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn như dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn… nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn. Hiện nay, một phần các chất thải có khả năng tái chế phát sinh từ sinh hoạt đã được người dân tự giác phân loại, thu gom và bán cho các cơ sở thu gom phế liệu, cuối cùng được chuyển đến các cơ sở tái chế. Việc này một mặt góp phần giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý, tận dụng được tài nguyên có trong chất thải.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật được tổ chức thu gom. Cùng đó, từng bước tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp thông qua tận dụng phế phẩm. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nông dân tận dụng rơm rạ sản xuất nấm rơm và làm phân hữu cơ. Ðối với chế biến thủy sản, một số doanh nghiệp chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi; da cá sản xuất collagen và gelatin, làm bánh snack. Theo thống kê của ngành thú y, toàn thành phố có trên 450 hầm biogas và 720 túi biogas được sử dụng để xử lý chất thải trong chăn nuôi, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo…

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, trong khi áp lực dân số gia tăng, phát triển kinh tế làm lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, cần thay đổi tư duy theo hướng tiếp cận mới, xem rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn cần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn được thải ra môi trường. Tại hội thảo “Quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” diễn ra mới đây tại Trường Ðại học Cần Thơ, các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra một số ý kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý rác thải trên địa bàn TP Cần Thơ, hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Ông Phạm Trường Yên cho rằng, nền nông nghiệp của TP Cần Thơ đang đứng trước cơ hội và thách thức trong kinh tế tuần hoàn. Cơ hội là nắm bắt, học hỏi kinh nghiệm trong nước và của thế giới, doanh nghiệp được khuyến khích và tạo cơ chế phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh. Do vậy, cần xây dựng hành lang pháp lý để tăng cường phát triển kinh tế tuần hoàn trong chuỗi sản xuất; có chính sách thu hút, tạo động lực để các doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, hình thành liên kết, vùng sản xuất lớn tập trung, liên kết chuỗi ngành hàng để có thể ứng dụng công nghệ mới, giải pháp tiên tiến, đầu tư đồng bộ các khâu trong chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân về phát triển kinh tế tuần hoàn…

Ðề cập khía cạnh quản lý rác thải thông minh thông qua các ứng dụng phần mềm, ông Nguyễn Trọng Minh, Công ty CP Công nghệ Grac, chia sẻ: Grac - Phần mềm số hóa mạng lưới quản lý rác thải và thanh toán online đã được thí điểm tại quận 3, TP Hồ Chí Minh và đang mở rộng 8 quận, huyện khác của TP Hồ Chí Minh. Ðối tượng sử dụng phần mềm là người dân, đơn vị thu gom rác và cơ quan quản lý nhà nước. Thông qua phần mềm cơ quan nhà nước quản lý chủ nguồn thải, đơn vị thu gom, số lượng hợp đồng, địa chỉ phân loại rác tại nguồn cũng như thu phí thu gom và khiếu nại của người dân. Người dân được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, đặt lịch hẹn thu gom rác… Qua đó, hỗ trợ tạo điều kiện phát triển thu gom rác, phân loại rác và tăng cường gắn kết giữa người dân, chính quyền và đơn vị thu gom rác…

Theo ông Hoàng Sơn Công, Phó Viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài năng Việt Nam, chất thải rắn sinh hoạt hay phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với công nghệ sinh học đem lại những sản phẩm tái chế mang tính ứng dụng trong cuộc sống. Ðây cũng là một trong những  giải pháp để xem xét góp phần tái chế chất thải rắn…

Chia sẻ bài viết