09/05/2021 - 19:15

Quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học 

Chỉ 9 tháng kể từ khi phát hiện, sâu đầu đen đã gây thiệt hại nặng nề cho vườn dừa tại tỉnh Bến Tre. Ngoài các biện pháp quản lý tạm thời nhằm chặn đứng tốc độ lây lan, việc sớm tìm ra “khắc tinh” của sâu đầu đen để bảo vệ hiệu quả vườn dừa tại Bến Tre là hết sức cần kíp.

Tốc độ lây lan nhanh

Sâu đầu đen gây thiệt hại từ 70-80% trên vườn dừa chúng xuất hiện.

Sâu đầu đen gây thiệt hại từ 70-80% trên vườn dừa chúng xuất hiện.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, từ khi phát hiện dịch hại sâu đầu đen vào tháng 7-2020 đến đầu tháng 4-2021, toàn tỉnh Bến Tre đã có hơn 160ha vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công, trong đó diện tích nhiễm nặng bị cháy lá là 51ha. Đây là diện tích có trên 40% số tàu lá bị hại trên tổng số tàu lá điều tra dựa vào hướng dẫn của Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Nam (Cục BVTV). Hiện nay, sâu đầu đen tiếp tục gây hại ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre và Chợ Lách. Ổ dịch lớn nhất ở xã Hữu Định của huyện Châu Thành với trên 66ha vườn dừa nhiễm bệnh.

Ông Đặng Thanh Hải, ở ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định, có 2.000m2 dừa hơn 40 năm tuổi đang bị sâu đầu đen tấn công gây thiệt hại nặng. Ông Hải cho biết, do cây dừa cao 30-40m nên không thể phun xịt thuốc diệt loại sâu hại này, đành phải phá đi. “Dừa trồng lâu năm, đã từng bị nhiều chứng bệnh nhưng không chết, bây giờ sâu đầu đen ăn khiến dừa chết hàng loạt, không cứu vãn được. Sâu đầu đen rất nguy hiểm vì nó ăn dừa rất nhanh, trong vòng 2 tháng đã lan rộng, không thể cứu chữa” - ông Hải nói.

Đến nay, các diện tích dừa bị sâu đầu đen phá hoại nặng ở xã Phú Long và Định Trung, huyện Bình Đại, cơ bản được ngành chức năng kiểm soát. Tuy nhiên, việc áp dụng máy bay mini phun thuốc BVTV khống chế dịch bệnh chưa hiệu quả. Tại các địa điểm phát hiện sâu đầu đen gây hại khác, Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Đến nay, nông dân cơ bản đã nhận thức được mức độ gây hại cũng như các biện pháp phòng trừ cơ bản, tự xử lý và phun thuốc.

Ông Phan Tấn Lộc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, cho biết: “Sâu đầu đen đã tấn công khoảng 80ha vườn dừa của huyện. Địa phương đã tổ chức phun xịt các loại thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhưng không hiệu quả. Vì vậy, huyện đề xuất UBND tỉnh trích kinh phí triển khai nghiên cứu loại thuốc đặc trị, sớm ra quân phun xịt đồng loạt để dập dịch, tránh lây lan diện rộng; triển khai tuyên truyền sâu rộng đến người dân các biện pháp quản lý tạm thời để người dân biết và thực hiện”.

Triển khai biện pháp quản lý tạm thời

Sâu đầu đen tấn công vườn dừa tại Bến Tre.

Sâu đầu đen tấn công vườn dừa tại Bến Tre.

Sau khi dịch sâu đầu đen bùng phát, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre phối hợp Trung tâm BVTV phía Nam lấy mẫu sâu gây hại và gửi mẫu định danh. Trung tâm Giám định kiểm định thực vật, Cục BVTV đã xác định loại sâu này có tên khoa học Opisina arenosella Walker - là loài sâu hại nghiêm trọng có nguồn gốc từ miền Nam Ấn Độ và Sri Lanka. Tại Việt Nam, sâu đầu đen hại dừa là loài sâu hại mới chưa có nghiên cứu thực tế và loại thuốc BVTV đăng ký phòng trừ.

Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre đã ban hành biện pháp phòng trừ tạm thời dựa trên tham khảo thông tin hướng dẫn của Trung tâm BVTV phía Nam và một số ghi nhận thực tế của đơn vị. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền, tập huấn kiến thức phòng trừ sâu đầu đen cho bà con nông dân ở Bến Tre. Bên cạnh đó, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện còn chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tích cực tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân trồng dừa nhận biết và biện pháp quản lý sâu đầu đen.

Về biện pháp quản lý tạm thời, Chi cục khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ. Trường hợp phát hiện có sâu đầu đen, bà con nhanh chóng cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá, lá chét bị sâu gây hại, đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại hiệu quả, an toàn cho người và môi trường. Đây là biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện dịch hại. Bà con cũng nên bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón trong năm.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Quan điểm của ngành Nông nghiệp Bến Tre là phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh áp dụng ngay các biện pháp dập dịch nhằm giảm mật số sâu, hạn chế lây lan trong khi chờ kết quả nghiên cứu để có quy trình hoàn chỉnh. Phòng trừ sâu với phương châm bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng sản xuất dừa hữu cơ do các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng thành công. Dập dịch nhưng phải đảm bảo môi trường sản xuất ổn định và đặc biệt là bảo vệ sức người dân, vật nuôi sinh sống dưới tán dừa… Về lâu dài, quản lý sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm từ dừa đạt chất lượng về an toàn thực phẩm được các thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Cũng theo ông Đức, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre” để ứng dụng kết quả vào sản xuất. Trường đã thiết lập phòng nhân nuôi ong ký sinh tại Chi cục Trồng trọt và BVTV, mở rộng 1 phòng tại Trung tâm Nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao để vừa nghiên cứu vừa phóng thích nhanh đối với các loài ong có khả năng ký sinh tốt trên nhộng và ấu trùng sâu đầu đen.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre, cho biết: Chi cục đã ghi nhận nhiều loại thiên địch của sâu đầu đen hại dừa tại các vườn ở huyện Bình Đại. Điển hình như ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kìm…Vì vậy, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân cần lựa chọn các loại thuốc BVTV ít độc, ít gây hại cho các loại thiên địch. Thời gian tới, sẽ hướng đến kiểm soát sâu đầu đen bằng các biện pháp sinh học vì thực tế Thái Lan đã áp dụng thành công biện pháp này bằng ong ký sinh. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đang phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu cũng như nhân nuôi loại thiên địch này.

“Trường ĐH Cần Thơ cũng đã nghiên cứu thử nghiệm một chế phẩm sinh học phòng trừ sâu đầu đen có chiết xuất từ thực vật. Bước đầu thử nghiệm trên một số diện tích bị nhiễm bệnh đã có hiệu quả, nông dân rất phấn khởi. Bến Tre đang xây dựng các vườn dừa hữu cơ nên việc bảo vệ các diện tích dừa này bằng chế phẩm sinh học là cực kỳ cần thiết. Thời gian tới, đơn vị này tiếp tục thử nghiệm để hoàn thiện quy trình, sản phẩm. Nếu sản phẩm tiếp tục đạt hiệu quả cao, chúng tôi sẽ đưa vào quy trình khuyến cáo nông dân sử dụng” - ông Nam nói.

Bài, ảnh: BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết