|
Bà Valérie Boyer là người trình dự luật gây tranh cãi ở Hạ viện Pháp. Ảnh: news.am |
Hạ viện Pháp ngày 22-12 bắt đầu xem xét dự luật cho phép kết án một năm tù giam và đóng phạt 45.000 euro đối với bất cứ ai công khai phủ nhận vụ thảm sát người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất là tội ác diệt chủng. Giới quan sát cho rằng cũng giống như nhiều lần trước, dự luật này khó có khả năng trở thành luật, dù nó một lần nữa làm cho mối quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng.
Dự luật ấy do nữ nghị sĩ Valérie Boyer đến từ vùng Bouches-du-Rhône thuộc miền Nam nước Pháp đệ trình và nhận được 40 chữ ký ủng hộ từ các thành viên khác trong Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) cầm quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Báo chí Pháp cho biết hầu như tất cả đảng phái, cả hữu lẫn tả, đều tỏ ý hậu thuẫn, ngoại trừ một số ít tiếng nói phản đối do lo ngại Paris sẽ bị Ankara trả đũa bằng kinh tế. Chính phủ Pháp cũng đã lên tiếng ủng hộ khi người phát ngôn Valérie Pecresse cho rằng “mỗi quốc gia trên thế giới phải dũng cảm đánh giá lịch sử bằng sự minh bạch” và rằng chính quyền Paris hậu thuẫn “tinh thần của dự luật chứ không coi đây là hành động tấn công chống Thổ Nhĩ Kỳ”. Bản thân Tổng thống Sarkozy trong chuyến thăm Armenia hồi tháng 10 vừa qua đã kêu gọi Ankara mau chóng “soi xét lại lịch sử”, nếu không Paris sẽ đưa ra luật mới về tội phủ nhận diệt chủng. Ông chủ Điện Élysée cũng vừa từ chối cuộc điện đàm từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul, người tin rằng “Pháp sẽ không hy sinh mối quan hệ kéo dài từ nhiều thế kỷ giữa hai nước cho những toan tính chính trị hẹp hòi”.
Cũng để phản đối dự luật trên, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gởi thư cho ông Sarkozy, phê phán cái mà ông gọi là “thái độ thù địch chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Thổ sinh sống tại Pháp”. Ông còn cảnh báo việc ra đời của dự luật này và những động thái tương tự như vậy sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng cho tương lai quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có chính trị, kinh tế và văn hóa”. Trong một cuộc họp báo tại Ankara hôm 17-12, Thủ tướng Erdogan còn tuyên bố chính phủ nước này sẽ sử dụng “mọi công cụ ngoại giao” để đáp trả dự luật trên của Pháp, đồng thời đề nghị Paris điều tra về hành động và vai trò “lịch sử dơ bẩn và đẫm máu” của chính mình tại châu Phi thuộc địa cũ, đặc biệt là ở Algérie và Rwanda.
Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia vốn bất đồng sâu sắc xung quanh vụ sát hại người Armenia trong Thế chiến thứ nhất dưới thời đế chế Ottoman. Phía Armenia cho rằng đã có hơn 1,5 triệu người Armenia chết vì bị thảm sát hay bị lưu đày trong giai đoạn 1915-1917 và khẳng định đây là tội ác diệt chủng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối từ “diệt chủng”, cho rằng chỉ có từ 300.000 đến 500.000 người Armenia bị giết hại, trong khi nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ mạng do cuộc xung đột và những rối loạn chính trị trước khi đế chế Ottoman sụp đổ và nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời năm 1923. |
Dư luận Thổ Nhĩ Kỳ và báo chí quốc tế nhận định dự luật trên là toan tính của các nhà lãnh đạo UMP nhằm lôi kéo sự ủng hộ của 500.000 cử tri Pháp gốc Armenia trong cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sắp tới. Dự luật này cũng đã từng được Hạ viện Pháp thông qua năm 2006 (trước cuộc bầu cử năm 2007) nhưng sau đó bị Thượng viện bác bỏ. Nhiều nghị sĩ Pháp năm 2001 cũng đã phản đối một dự luật tương tự vì cho rằng “chỉ có các chuyên gia và nhà sử học mới có thể đánh giá sự thật của lịch sử”.
Tờ Le Figaro cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại đứng hàng thứ 11 của Pháp với kim ngạch khoảng 6 tỉ euro, trong khi Pháp là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch 5,4 tỉ euro năm 2010. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé quan ngại thông điệp mới đây của đoàn nghị sĩ Thổ Thĩ Kỳ khi thăm Paris nói rằng “các mối quan hệ và hợp tác chiến lược giữa hai nước trong vấn đề hòa bình, tự do ở Syrie, Afghanistan và trên các diễn đàn quốc tế sẽ bị thử thách”. Năm 2006, Ankara đã từng loại người Pháp ra khỏi đường ống khi đốt Nabucco và đóng không phận trung chuyển hàng hóa sang chiến trường Afghanistan.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)