15/01/2009 - 21:50

Quan hệ Anh - Mỹ rạn nứt ?

Ngoại trưởng Miliband phát biểu trước báo giới ở Mumbai, Ấn Độ.

 Ảnh: AFP

Phát biểu trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 15-1, Ngoại trưởng Anh David Miliband nói rằng việc dùng cụm từ “cuộc chiến chống khủng bố” của các nước phương Tây từ sau vụ tấn công ngày 11-9-2001 ở Mỹ là “lợi bất cập hại”. Theo vị Ngoại trưởng trẻ tuổi nhất lịch sử xứ sương mù, phương Tây không thể tiêu diệt hết các mối đe dọa mà họ phải đối mặt. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 5 ngày trước khi Tổng thống George Bush rời Nhà Trắng, cho thấy Anh đang dần tách khỏi Mỹ trong các vấn đề quốc tế, nhất là sau sự kiện Washington không ủng hộ nghị quyết của LHQ do Luân Đôn soạn thảo về việc ngừng bắn giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza. Nói cách khác, đây là dấu hiệu chấm dứt thời kỳ được xem là “nồng ấm” giữa Anh và Mỹ dưới thời Tổng thống Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair.

Chắc hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh “cặp bài trùng” Bush- Blair khi phát động cuộc chiến chống khủng bố, bắt đầu bằng việc hạ bệ Taliban ở Afghanistan năm 2001, và sau đó là lật đổ chế độ Saddam Hussein ở Iraq năm 2003. Ngày 14-1 vừa qua, ông Bush  đã trao Huy chương Tổng thống về Tự do cho ông Blair cùng 2 đồng minh khác là cựu Thủ tướng Australia John Howard và Tổng thống Colombia Alvaro Uribe vì những “đóng góp” cho cuộc chiến chống khủng bố. Hầu hết các quyết định của Washington về cái gọi là “tiêu diệt khủng bố từ trong trứng nước” đều được ông Blair ủng hộ. Theo đó, Anh đã đưa khoảng 6.000 binh sĩ tới Afghanistan và hơn 7.000 quân tới Iraq (đứng thứ hai trong số các nước đưa quân tham chiến, chỉ sau Mỹ) để hỗ trợ Mỹ. Tuy nhiên, những tổn thất của quân đội Anh trên các chiến trường này đã dấy lên làn sóng phản đối trong dư luận và nội bộ Công đảng cầm quyền. Năm 2007, Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown được bổ nhiệm thay thế ông Blair nắm quyền, đã chủ trương giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ trong các vấn đề quốc tế.  Thực ra, các quan chức Anh đã âm thầm không sử dụng cụm từ “cuộc chiến chống khủng bố” từ năm 2006, khi Bộ Ngoại giao Anh ra chỉ thị cho các chính khách và nhà ngoại giao tránh dùng cụm từ này.

Theo ông Miliband, chiến lược của Mỹ đã phản tác dụng khi vô tình thúc đẩy việc hình thành nhiều tổ chức có mục đích chung là chống người phương Tây.

Bên cạnh đó, ông Miliband cũng cho rằng các nền dân chủ phải đối phó chủ nghĩa khủng bố bằng sự vượt trội về luật pháp, chứ không phải vô luật. Ông đề cập trực tiếp tới nhà tù của Mỹ ở Vịnh Guantanamo với 248 nghi phạm hiện bị giam giữ nhưng không được xét xử.

N.MINH (Theo AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết