21/10/2010 - 08:54

Quân đội Anh "thắt lưng buộc bụng"

Thủ tướng Cameron thăm các binh sĩ Anh ở Afghanistan hồi tháng 6. Ảnh: Telegraph

Ngày 19-10, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo kế hoạch cắt giảm 8% ngân sách dành cho quân đội. Ông Cameron cam kết nỗ lực tinh giảm nhân sự và vũ khí quân dụng hạng nặng, mà không để ảnh hưởng đến vị thế là một trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới. Đây là một phần trong kế hoạch cắt giảm chi tiêu công nhằm bù đắp khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của nước này.

Ông Cameron cho biết quân đội Anh sẽ giảm 7.000 trong số 103.000 nhân sự vào năm 2015. Số nhân lực Hải quân sẽ giảm khoảng 5.000 xuống còn 30.000 người. Không lực Hoàng gia sẽ tinh giản 5.000 trong số 38.000 vị trí. Cùng với đó là khoảng 25.000 công việc dân sự sẽ bị “xóa sổ”. Ông Cameron cũng thông báo cắt giảm 40% xe tăng và pháo hạng nặng, đồng thời có kế hoạch rút 20.000 binh sĩ Anh đang đóng ở Đức vào năm 2020, sớm hơn khoảng 10 năm so với kế hoạch. Thay vào đó, ông cam kết chú trọng đầu tư cho lực lượng đặc nhiệm và không gian ảo.

Tất cả các đơn vị quân sự cũng sẽ giảm trang thiết bị vũ khí. Anh sẽ hoãn xem xét dự án cải thiện khả năng răn đe hạt nhân cho đến sau cuộc bầu cử vào năm 2015 để tiết kiệm 750 triệu bảng. Đơn hàng đặt mua máy bay tiêm kích hỗn hợp (JSF), loại phản lực công nghệ cao mới đang phối hợp phát triển với hãng Lockheed Martin của Mỹ, cũng bị cắt giảm xuống còn 40 chiếc (ban đầu Anh dự định mua 138 chiếc). Cả phi đội 80 chiếc Harrier – niềm tự hào của Không lực Hoàng gia Anh 40 năm qua, và tàu sân bay Ark Royal cũng được cho “nghỉ hưu”. Động thái này khiến Anh không còn tiềm lực không kích từ tàu sân bay trong 10 năm, vì JSF không thể hoàn tất cho tới 2020, trong khi chiếc Harrier là máy bay phản lực duy nhất có thể hoạt động từ Ark Royal.

Một trong những quyết định gây tranh cãi nhất là liệu Anh có nên tiếp tục đóng 2 tàu sân bay trị giá hàng tỉ bảng Anh. Có thông tin cho rằng một chiếc sắp hoàn thành, nhưng có thể được bán cho nước khác sau đó. Một chiếc khác sẽ bị hoãn lại để có thể lắp đặt công nghệ mới cho phép nhiều loại máy bay có thể hạ cánh, trong đó có JSF.

Ngân sách quân sự mới là cách để ông Cameron định lại vị trí nước Anh trong bối cảnh mà ông gọi là “thời kỳ bất ổn”, đặc biệt là nguy cơ bị tấn công khủng bố và chiến tranh mạng.

Tuy nhiên, phía bên kia bờ Đại Tây Dương, Washington lo ngại việc Luân Đôn mạnh tay cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ ảnh hưởng tới các cơ quan quân sự của Anh, đồng minh quân sự lớn nhất và là đối tác hàng đầu của Mỹ trong 2 cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Về lý thuyết, các lực lượng vũ trang Anh sẽ không còn khả năng chu cấp cho các hoạt động của Anh theo quy mô hiện tại ở Iraq và Afghanistan. Với kế hoạch quốc phòng mới, các lực lượng Anh chỉ có thể thực hiện một hoạt động cấp lữ đoàn với 6.500 quân ở nước ngoài, trong khi hiện nay Anh có tới 9.500 binh sĩ ở Afghanistan. Vì vậy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Anh sẽ làm giảm khả năng đóng góp của nước này cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhằm giải tỏa lo ngại của Mỹ, Thủ tướng Cameron đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khẳng định rằng Anh vẫn là cường quốc quân sự lớn và dự báo chi tiêu quốc phòng sẽ bắt đầu tăng trở lại sau năm 2015. Ông Cameron cho rằng ngay cả sau khi cắt giảm, Anh vẫn là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ tư thế giới và có thể đáp ứng quy định của NATO là dành 2% GDP cho quốc phòng.

N. KIỆT
(Theo WSJ, Telegraph, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết