28/11/2020 - 08:48

QUAD có thể kiềm chế Trung Quốc? 

Hải quân “Tứ giác kim cương (QUAD)”, gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ vừa tổ chức cuộc tập trận lớn mang tên Malabar với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm và máy bay - động thái mà giới phân tích cho rằng cả 4 nước này muốn chống lại ảnh hưởng chính trị và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tàu chiến các nước tham gia cuộc tập trận Malabar. Ảnh: Times of India

Tàu chiến các nước tham gia cuộc tập trận Malabar. Ảnh: Times of India

Giới chức Trung Quốc không bình luận nhiều nhưng Malabar lại bị truyền thông nước này lên án. Thời báo Hoàn cầu thậm chí xem cuộc tập trận này là mối nguy đối với sự ổn định của khu vực, tố Malabar là một phần trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh, xem QUAD là “Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phiên bản châu Á”. Song, liệu QUAD có thể kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc?

Herve Lemahieu, giám đốc chương trình ngoại giao và quyền lực châu Á tại Viện Lowy (Úc), cho rằng QUAD được thành lập nhằm ngăn chặn khả năng thách thức và phá vỡ trật tự của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông Lemahieu, điều khiến 4 nước trên lo ngại là Trung Quốc sẵn sàng khai thác “sự phụ thuộc về kinh tế để áp đặt các biện pháp cấm vận không chính thức” nhằm trừng phạt các quốc gia phản đối. Đơn cử, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Úc, sau khi Thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 4 kêu gọi tiến hành điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19 và cơ chế lây lan của SARS-CoV-2.

Đối mặt với nhiều thách thức

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ với Trung Quốc ngày càng leo thang thì QUAD dường như là giải pháp để kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Song, giới chuyên gia cho rằng liên minh này đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo đó, QUAD dường như không có sự thống nhất giữa các thành viên về cách thức ngăn chặn Trung Quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung được cho là tồi tệ nhất mọi thời đại và chống lại Trung Quốc là trọng tâm chính trong nỗ lực tái tranh cử của ông Trump. Ngoại trưởng Mike Pompeo thì xem như đây là cuộc chiến ý thức hệ, là “sứ mệnh của thời đại chúng ta”.

Tuy nhiên, đối với Úc và Nhật Bản, Mỹ dường như đi “xa quá”, bởi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra trong khi là đối tác thương mại lớn thứ hai của Tokyo. Đầu tháng này, cả Úc và Nhật đều tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó có Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng động thái này của Tokyo và Canberra cho thấy cả 2 đều muốn làm ăn với Bắc Kinh ngay cả khi tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Còn theo Gregory Poling, giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, việc Mỹ hối thúc QUAD đưa ra lập trường chống Trung Quốc rõ ràng cũng có nguy cơ khiến Ấn Độ xa lánh, bởi New Delhi có truyền thống không liên kết. Các nước thành viên QUAD nhìn nhận lợi ích tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khác nhau và dẫn đến những ưu tiên chiến lược khác nhau. Mỹ và Nhật xem trọng cả Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong khi Úc chú trọng thêm Tây Thái Bình Dương, còn Ấn Độ thì ưu tiên Ấn Độ Dương.

Động thái của Washington cũng có nguy cơ khiến các nước trong khu vực, vốn cảnh giác trước tình trạng leo thang cạnh tranh quyền lực, ghẻ lạnh. Đơn cử, Indonesia hồi đầu năm nay đã từ chối đề xuất của Mỹ nhằm cho phép máy bay do thám P-8 Poseidon hạ cánh và tiếp nhiên liệu trên lãnh thổ nước này, bởi Jakarta không muốn bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Động thái này của Indonesia đã được “đền đáp” khi giới chức xứ sở vạn đảo tìm cách tiếp cận vaccine phòng COVID-19 thì Bắc Kinh lập tức đồng ý cung cấp cho Jakarta.

Do đó, ông Lemahieu cho rằng nếu QUAD muốn nghiêm túc chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì liên minh này cần phải có giải pháp thay thế ngoại giao kinh tế của Trung Quốc; cần phải trấn an khu vực rằng QUAD không chỉ là đối trọng quân sự với Trung Quốc mà sẵn sàng xây dựng trật tự dựa trên quy tắc, đặc biệt là quy tắc đa phương về kinh tế.

TRÍ VĂN (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết