29/12/2007 - 20:58

Nhân kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968 - 2008)

Phút cuối của người anh hùng

Những năm tuổi trẻ xâm nhập vào Sài Gòn, vừa “ở đợ” kiếm sống, vừa đi sâu vào các khu phố lao động xây dựng cơ sở hoạt động cách mạng; chị Võ Thị Tâm thuộc lòng những con đường, ngõ hẻm. Vì lẽ đó, trong Mậu Thân 1968, chị ba lần được giao nhiệm vụ làm trinh sát, giao liên dẫn đường cho Bộ Tư lệnh Phân khu 2 tấn công vào nội đô. Sau Mậu Thân, chị bị địch bắt, bị đày đi nhiều nhà tù. Sau chiến tranh, chị phấn đấu trở thành thẩm phán Tòa án ND Quận 11, hiện nay đã nghỉ hưu. 40 năm đã trôi qua, chị vẫn không thể nào quên giây phút cuối cùng của đoàn quân quyết tử. Họ chọn cái chết nhưng muốn chị được sống, được trở về, mang những kỷ vật cuối cùng về Phân khu 2...

4 giờ sáng ngày 10-6-1968...

 Chị Võ Thị Tâm- nữ giao liên, trinh sát cho Bộ Tư lệnh Phân khu 2, 3 lần tấn công vào thành phố Sài Gòn.

Nữ trinh sát Võ Thị Tâm cùng 4 thương binh của Tiểu đoàn 308 đang ở trong một căn nhà gần ngã tư Phùng Hưng- Nguyễn Trãi thì bỗng nghe tiếng rít xe tăng từ đường Hồng Bàng vừa chạy, vừa bắn, còn trực thăng thì bay phành phạch trên nóc nhà. Chị Tâm chạy ra cửa quan sát, nhận ra xe tăng vừa chạy vừa bắn xối xả vào nhà dân hai bên đường. Pháo 105 ly bắn vào khu vực đóng chốt của ta. Chị dìu các thương binh vào góc nhà sau, rồi chạy nhanh vào nhà trong lấy hai quả thủ pháo dù (chống tăng). Chị chạy ra phía trước, lưng dựa vào cửa để thủ thế, đầu thò ra ngoài, chờ đợi... Chị tự nhủ, phải diệt toán xe tăng này để buộc địch chùn lại cuộc tấn công, tạo thế chủ động cho bộ đội ta tấn công lại chúng. Ước tính chiếc xe tăng đúng tầm, chị ném một quả vào đầu xe. Nhưng thủ pháo không nổ, chiếc xe tăng ấy vẫn vượt lên. Rồi tiếp tục chiếc thứ hai lù lù đến, bắn dữ dội hơn. Trên trời trực thăng cứ đảo lộn, gầm rú. “Không, phải diệt chúng!”. Chị ném một quả nữa vào đầu xe. Người chị run lên với niềm hạnh phúc tột độ khi quả thủ pháo nổ, vang lên tiếng “bốc ầm” rất lớn. Một cột khói bay lên mù mịt, chiếc tăng đứng lại. Và cùng lúc đó, chị nghe tiếng rít của phi tiễn trực thăng cắt “ầm-ầm”. Mắt hoa lên, chị ngã xuống, bất tỉnh.

Chị ngất đi rồi tỉnh lại rất nhiều lần. Bên ngoài, địch vây bủa, phản công dữ dội. Tiếng hò hét, chửi thề của chúng càng lúc càng gần. Trong tình trạng một mắt bị lòi ra ngoài, còn mắt phải sưng to, mặt và đầu chị bị nhiều vết thương do xây xát; chị dùng răng tự gắp hai mảnh đạn trong gối, khập khiễng bò qua đống gạch ngói nhà sập tìm lỗ tường mà bộ đội đã đục để di chuyển chiến đấu. Chị reo lên mừng rỡ khi gặp được Hai Nhỏ (tức Nguyễn Văn Phú)- tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6. Chị mừng quá, không còn sợ lẻ loi nữa...

Đến chiều hôm đó, mặt trận được chuyển dần từ đường Phùng Hưng- Nguyễn Trãi đến, vượt qua đường Khổng Tử, vào hãng xà bông Trương Văn Bền. Một số anh em lần lượt hy sinh và bị thương. Không còn người khỏe để điều động thương binh theo, đồng chí Hai Hoàng (Võ Văn Hoàng)- Trung đoàn trưởng trung đoàn Phân khu 2 ra lệnh: “Tử sĩ chôn cất tại chỗ, còn thương binh đành phải gởi nhà dân...”. Đến 18 giờ ngày 16-6-1968, bằng lỗ đục tường, Hai Hoàng, Tâm và 10 chiến sĩ đến được căn nhà vắng chủ số 128, đường Ngô Nhân Tịnh. Đó là một xưởng in bao bì. Tất cả đều bị thương, từ nặng đến nhẹ. Hai Hoàng quyết định cho trung đội ở lại căn nhà này để cố thủ, vì tất cả đều kiệt sức, không còn khả năng đục tường để di chuyển nữa. Một số chiến thương còn khỏe ra ngoài trinh sát phát hiện địch đã bao vây và phong tỏa các con đường xung quanh trung đội cố thủ. Tình thế vô cùng căng thẳng, Hai Hoàng suy nghĩ một lúc rồi nhận định: “Tuy địch đã bao vây ta rất chặt với số quân khá đông nhưng chúng chưa dám đánh ta trong đêm. Còn ngày mai, chắc chắn trận địa sẽ rất ác liệt. Vậy mỗi đồng chí hãy tìm cho mình một vị trí thích hợp, một công sự chiến đấu có lỗ châu mai”. Lúc này, xưởng in bao bì trở thành chiến hào kiên cố của trung đội với những lỗ châu mai bằng cách đục tường. Xung quanh khu vực cầu Palykao trở thành bãi chiến trường. Sau khi chuẩn bị xong, mỗi người đều trở về vị trí của mình, đồng chí Hai Hoàng vẫn ngồi trên chiếc ghế dựa bên cửa nhỏ, nơi quan sát được trong nhà, ngoài ngõ để canh chừng cho anh em ngủ trong đêm. Tâm cũng không ngủ được, xót xa ngồi nhìn các chiến sĩ vừa đói, vừa mệt, vừa đau nhức nằm lăn lộn, rên rỉ.

4 giờ sáng ngày 17-6-1968, Hai Hoàng gọi tất cả anh em dậy để chuẩn bị tư thế. Trời hãy còn tối mịt nhưng nhờ ánh sáng của đèn điện, ông nhìn thấy rất rõ đoàn xe tăng, thiết giáp nối đuôi nhau nằm chờ. Ông nói: “Trận chiến sắp tới sẽ vô cùng quyết liệt. Dù sức ta so với địch không cân nhưng tôi tin vào các đồng chí hành động dũng cảm, chiến đấu kiên cường, nhất định mỗi viên đạn chiến đấu của ta là giết chết một quân thù. Các đồng chí hãy chuẩn bị kỹ trận địa, hãy kiểm lại súng, đạn và lựu đạn, công sự xung quanh mình”. Ông vừa nói, vừa sờ vào từng đồng chí như âu yếm - Anh em chúng ta còn lại 12 con người đều bị thương, sức khỏe của chúng ta bị cạn kiệt. Hiện thời địch đã vây chặt, không gì lọt qua được. Chúng cũng thừa biết ta cố thủ lại đây không có bao nhiêu người. Vậy mà đêm nay chúng không đánh ta, vì tin rằng sáng mai sẽ bắt sống chúng ta một cách dễ dàng!

Ngoài trời đã sáng dần, trong nhà cũng sáng theo. Người chỉ huy nhìn chăm chăm vào ánh mắt của từng người. Đôi mắt của ông lúc đó suốt đời Tâm không sao quên được. Một đôi mắt sâu thẳm, dịu hiền, trìu mến. Ông nói: “Chúng ta tham gia cách mạng, giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân, đi chiến đấu bị thương, hy sinh là lẽ thường. Bây giờ chỉ tiếc rằng, chúng ta không còn tiếp tục chiến đấu giết giặc trên đường phố này nữa. Nhưng ở đây ta cũng vẫn chiến đấu, ta còn ngón tay bóp cò súng, còn bàn tay tung lựu đạn, thì ta lẽ nào để cho địch bắt sống chúng ta. Trước khi chúng ta hy sinh địch phải trả giá đắt. Mỗi mạng chúng ta phải đổi mạng 100 thằng”. Ông bất chợt hỏi lớn:

- Đúng không các đồng chí?

Tất cả các anh em đều trả lời:

- Đúng!

Ông nói tiếp:

- Giờ phút này Đảng và Cách mạng cần chúng ta quyết tử để Tổ quốc trường tồn, thì các đồng chí có ý kiến gì không?!”.

Tất cả anh em đều trả lời:

- Quyết tử!

- Có đồng chí nào lo lắng và có nghĩ gì nữa không?

Hai Hoàng lại hỏi. Tất cả đều trả lời “Không”.

Đến 4 giờ 30 phút ngày 17-6-1968, Hai Hoàng gọi Năm Tâm đến nói:

- Trong anh em chúng ta có Tâm là gái, có thể ra hợp pháp được. Đêm hôm nay, tôi nghĩ nếu Tâm ra thì có 3 khả năng. Có thể Tâm bị bắn chết, có thể bị bắt, có thể thoát được vì nghĩ rằng do nhà sập, cháu bị thương. Chú rất hy vọng khả năng thứ ba. Vậy cháu thu xếp ra hợp pháp, ngay lúc này...

- Không, cháu không ra đâu chú. Nếu ra để sống, cháu xin được chết cùng đồng đội! Tâm vừa khóc, vừa nói - Cháu muốn ở lại với chú, với các anh để chiến đấu. Cháu không thể rời xa chú và các anh trong lúc này. Cháu van xin chú cho cháu được ở lại đây, cùng sống chiến đấu, nếu chết thì cùng chết với nhau.

Năm Tâm càng năn nỉ thì Hai Hoàng và các chiến sĩ còn lại đều động viên chị ra hợp pháp. Trong đáy lòng những chiến sĩ quyết tử năm ấy, họ quyết hy sinh nhưng chị Năm Tâm cần phải sống và được sống. Họ hy vọng Tâm sẽ thoát ra được. Nhưng khi Tâm cương quyết đòi ở lại, gương mặt Hai Hoàng đượm nét buồn, mày cau lại, băn khoăn. Chợt ông bật đứng thẳng người, một tay cầm khẩu súng ngắn, một tay là chiếc đồng hồ, nghiêm giọng nói:

 Chiến sĩ giải phóng quân chiến đấu trên đường phố Sài Gòn trong Mậu Thân 1968. Ảnh: PHẠM KHẮC 
- Tôi thay mặt chỉ huy trung đoàn 31 giao nhiệm vụ cho đồng chí Tâm mang kỷ vật của trung đoàn, vượt vòng vây của địch về đến Bộ Chỉ huy của Phân khu 2 nộp và báo cáo là trung đoàn 31 của Phân khu 2 đã chiến đấu anh dũng, đã hoàn thành nhiệm vụ. Hãy báo cáo với Bộ Tư lệnh rằng hiện còn 11 đồng chí đang trong vòng vây của địch. Chúng tôi xin hứa với Đảng, với Tư lệnh Phân khu sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, thà hy sinh chớ không để quân địch bắt sống, đồng chí Tâm có nghe rõ không?!

- Rõ!

Chị trả lời mà nước mắt tuôn tràn trên má. Hai Hoàng kéo chị sát vào nói:

- Tâm giỏi lắm!

Những chiến sĩ đứng vây quanh, lần lượt nắm tay chị: “Vĩnh biệt, vĩnh biệt!”. Bất chợt, tất cả đều bật khóc. Vì quá xúc động, đôi chân Tâm không còn đứng dậy được mà quỵ nằm xuống đất. Rồi chị quỳ xuống, ôm lấy chiếc chân gãy của Hai Hoàng khóc nức nở, không tài nào kìm chế được. Chị biết lần này xa các anh là vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại...

Trong trạng thái bần thần, chân tay rã rời, Tâm cứ để mặc cho đồng đội chuẩn bị cho mình. Một anh cầm cây lược chải và bím tóc lại cho chị. Một anh tìm cho chị đôi guốc cũ, còn một anh đeo vào mắt chị một đôi kiếng mát gọng to, một anh nữa đem lại cho chị một quần bà ba đen và một chiếc áo bà ba màu hoa cà. Tất cả những thứ ấy họ tìm được trong ngôi nhà vắng chủ. Một chiến sĩ giục: “Tâm thay bộ đồ đẫm máu này đi, mặc đại bộ đồ này vào, nhanh lên!”. Vậy mà Tâm vẫn không động đậy được đôi chân...

Trời đã sáng rõ. Địch đã tập trung đứng từng cụm trên cầu, nào là biệt động quân, nào là cảnh sát dã chiến, nào là thủy quân lục chiến. Chúng ngồi đứng ngổn ngang, trong tư thế sẵn sàng của kẻ mạnh tiêu diệt đối phương. Còn chị đang đứng bên Hai Hoàng và các chiến sĩ. Vây quanh chị là những chiến thương đang sẵn sàng quyết tử. Không kềm chế được, chị khóc òa lên. Người chỉ huy kéo tay Tâm đứng dậy bảo: “Nín đi cháu, đừng khóc nữa, lau khô nước mắt, đừng để địch phát hiện, cứng rắn lên. Thôi, đi đi cháu, Trời sáng rồi đó”. Vừa nói ông vừa đẩy chị vào nhà sau. Nhưng chị vừa đi được một bước thì Hai Hoàng kéo tay Tâm trở lại, nhìn sâu vào mắt chị nói: “Hãy xứng đáng như Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu nghe Tâm!”. Tất cả anh em đều nắm lấy tay chị và nói: “Vĩnh biệt Tâm, em phải sống, không được chết nghe Tâm!”. Lúc ấy, ngoài đường Ngô Nhân Tịnh, xe tăng, thiết giáp nối đuôi nhau, còn bọn lính mỗi lúc mỗi đông thêm...

Sau khi chia tay với Hai Hoàng và các đồng đội, chị xách chiếc giỏ mà các chiến sĩ đã chuẩn bị, đi ra đường Ngô Nhân Tịnh. Trong giỏ có chiếc đồng hồ của chú Hai Hoàng, kim còn chỉ giờ Hà Nội, một xấp vải màu, một bộ đồ cũ, một ít tiền không sắp lại để bên trên, rồi có chiếc khăn mỏng đậy trên cùng. Tay cầm chiếc giỏ, chị bước đi khó nhọc vào nhà sau, ra phía lỗ tường đục trống hôm qua. Người chị bàng hoàng như nửa mơ nửa tỉnh, mắt cứ nhìn về phía trước, không dám ngó lại Hai Hoàng và các anh. Chị cứ lùi lũi đi theo con hẽm về phía cầu Palykao. Khi đến gốc me bên cầu, trước mắt chị là mấy chục khẩu súng đang chỉa về phía căn nhà nơi Hai Hoàng và các chiến sĩ đang cố thủ. Chị cố làm ra vẻ dửng dưng như không có gì phải chú ý, rất tỉnh táo, đường hoàng bước lên cầu Palykao, chen giữa đám lính đang đứng ngồi, tay đã ghìm sẵn súng. Chân bị thương, sức kiệt, di chuyển rất khó khăn, chị cố bước, vịn vào xe tăng, chiếc này chuyền qua chiếc khác để qua được bên kia cầu. Chị xuống dốc, theo đường dạ cầu, thẳng ra Chợ Lớn mới. Tới ngay mặt đồng hồ cửa chánh, chị thấy những tên cảnh sát áo trắng ngồi đứng ngổn ngang, xung quanh vắng vẻ, không thấy bóng một người dân, kẽm gai địch giăng chằng chịt tứ tung. Một tên chặn chị lại, hỏi: “Đi đâu?”. Chị trả lời: “Tôi đi nhà thương, nhà tôi bị sập, tôi bị thương”. Tên cảnh sát đòi xét giỏ, bước tới:

- Đưa giỏ coi!

Tim chị đập mạnh. Chị thầm nghĩ nếu xét thấy chiếc đồng hồ chỉ giờ Hà Nội trong giỏ, chắc mình không thoát được. Chị để chiếc giỏ xuống đất và ngồi xuống theo, tay trái của chị cầm một quai giỏ, chìa giỏ cho hắn xem. Chị thầm sắp sẵn kế hoạch. Nếu tên cảnh sát lục giỏ, chị sẽ bất ngờ lấy súng bắn chết hắn trước khi bị bắn. Chị sắp đặt những động tác thích hợp nhất để hành động... Tự dưng, chị thấy tỉnh táo lạ thường. Mặt làm ra vẻ bình thản nhưng chị chăm chú theo dõi từng cử chỉ của tên địch, bụng đinh ninh: “Mày sẽ lãnh viên đạn quyết tử này”. Khi giở chiếc khăn đậy giỏ lên, thấy nhiều tiền, tên lính hỏi: “Làm gì để nhiều tiền vậy? Cất đi kẻo mất”. Lấy tay vẹt tiền ra, thấy bên trong là bộ quần áo cũ, hắn thất vọng, khoác tay: “Đi đi”. “Cám ơn”. Chị thở phào nhẹ nhõm, chân tay bủn rủn vì hồi hộp, chị cố trấn tĩnh, xách giỏ lững thững đi ra... Tâm tiếp tục đi về phía đường Hùng Vương (hiện nay). Đoạn đường này không một bóng người, bởi hầu hết dân chúng đã tản cư. Chị đi thêm một đoạn nữa đến đầu chợ gạo Trần Chánh Chiếu (hiện nay), bỗng thấy một bà bán cháo ngồi bên lề đường. Tâm ngồi xuống bên bà, run run nói: “Dì bán cho con tô cháo”. Chị cầm tô cháo, tay run lên, tô cháo rơi xuống, bể tan tành. Bà bán cháo nhìn Tâm bằng ánh mắt thương cảm: “Cô mệt lắm hả? Để tôi kêu xe dùm cho cô nghen!”. Chị chưa kịp trả lời thì bà đã đứng dậy chạy ra đường Hùng Vương kêu vào một chiếc xích-lô máy. Bà dìu Tâm lên xe nói: “Đi đi cô”. Bà hối chị đi nhưng chẳng đòi tiền cháo. Còn chị cũng quên mất việc trả tiền cháo và quên chào bà. Khi ấy, anh xích-lô đi qua đường Hùng Vương rồi qua đường Trần Quốc Toản, vào hẽm 48 đến số nhà 119/35. Đó là nhà của chị Ngô Thị Nhàn - cơ sở cách mạng do chị tổ chức. Khi chị Nhàn dìu chị vào nhà, chưa kịp trả tiền và chào thì anh xích-lô đã đi mất. Mãi sau này, chị càng thấm thía lòng dân nội thành đã sẵn sàng cưu mang, che chở cho cách mạng mùa xuân năm 1968...

Hàng chục vết thương còn hằn dấu trên người, mất đi một con mắt, chị Võ Thị Tâm là nhân chứng sống động và máu thịt của chiến dịch Mậu Thân lịch sử 1968. Sau mấy tháng nằm viện, chị được đưa trở lại hoạt động trong nội đô Sài Gòn. Do có chiêu hồi chỉ điểm, chị bị địch bắt. Biết chị là trinh sát cho tư lệnh tiền phương Phân khu 2, kẻ thù dùng nhiều cực hình, ngón đòn hiểm độc tra tấn để khai thác nhưng chị kiên quyết không nhận mình là Võ Thị Tâm. Chị bị đưa hết nhà tù Bà Chiểu, Thủ Đức, hai lần bị đưa ra Côn Đảo, từng bị tống giam vào chuồng cọp... Cho đến gần ngày giải phóng Sài Gòn, chị được phóng thích khỏi nhà tù, tham gia tiếp quản thành phố. Hòa bình, chị vừa tròn 30 tuổi. Những vết thương Mậu Thân năm 1968 cướp đi một phần thân thể, 6 năm 1 tháng nằm trong tù ngục cướp đi tuổi thanh xuân, để lại di chứng suốt đời người. Một buổi sáng cuối năm, chị gõ cửa, trao cho tôi một xấp giấy dầy. Tôi đọc, ngỡ ngàng vì đó là một bản “trường ca Mậu Thân”, được viết nên bằng nỗi thao thức, trăn trở cuộc đời mình. Chị nghèn nghẹn nói: “Mấy ngày nay, báo đài nói nhiều về Mậu Thân, chị không ngủ được. Chị nhớ chú Hai Hoàng, nhớ anh em quá. Năm ấy, các Tiểu đoàn 5, đoàn 10, tiểu đoàn 6 Bình Tân... gần như hy sinh hết. Chị may mắn còn sống sót, nhận nhiệm vụ mang những kỷ vật cuối cùng của tiểu đoàn quyết tử trở về. Chị có cảm giác linh hồn anh em còn lẩn khuất đâu đây, bởi chị đã từng chôn mau xuống đường những đồng đội hy sinh. Hình như những người đã nằm xuống thôi thúc chị viết hàng trăm câu thơ kể chuyện Mậu Thân. Thật như có phép màu, viết được dòng này, dòng kia lại tuôn chảy...”. Bốn mươi năm đã trôi qua, lòng chị vẫn đầy ắp những kỷ niệm Mậu Thân như thế!

Trầm Hương
Ghi theo lời kể Võ Thị Tâm- trinh sát, giao liên trong Mậu Thân 1968

Chia sẻ bài viết