MAI QUYÊN
Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt đối với hai quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) là Ba Lan và Bulgaria được cho nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt nhắm vào Mát-xcơ-va; đồng thời chia rẽ những nền dân chủ phương Tây trên mặt trận hỗ trợ Ukraine.

Một trạm nén khí của đường ống Yamal-Europe vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu. Ảnh: Reuters
Ngày 27-4, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết đã thông báo tới hai cơ quan năng lượng Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan về quyết định ngừng cung cấp khí đốt đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng ruble. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói rằng đây là quyết định đúng đắn và Mát-xcơ-va cần có bước đi tương tự đối với những quốc gia “không thân thiện” khác.
Nga hành động chỉ một ngày sau khi Mỹ và đồng minh châu Âu tuyên bố viện trợ thêm nhiều vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Với vai trò cửa ngõ chính để chuyển giao vũ khí, Ba Lan trong tuần này xác nhận gửi xe tăng cho quốc gia láng giềng. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tin rằng sự ủng hộ trên cùng lệnh trừng phạt mới mà nước này vừa áp đặt nhằm vào Nga là lý do thực sự đằng sau việc cắt khí đốt. Về phần Bulgaria, Thủ tướng Kiril Petkov coi đây là hành vi “không thể chấp nhận” và cho biết Sofia sẽ không lùi bước trước “thủ đoạn đe dọa” như vậy. Ðược biết, nội các mới của Bulgaria kể từ khi điều hành vào năm ngoái đã cắt đứt nhiều mối quan hệ cũ với Nga, ủng hộ trừng phạt chống lại Ðiện Kremlin và tiếp đón các máy bay chiến đấu của phương Tây tại một tiền đồn mới của NATO trên bờ Biển Ðen.
Theo Hãng tin AP, việc cắt giảm khí đốt không ngay lập tức khiến hai đồng minh của Mỹ trong NATO gặp rắc rối nghiêm trọng. Ðặc biệt là Ba Lan, vốn coi sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga là mối đe dọa chiến lược, nên trong nhiều năm qua đã làm việc với nhiều nhà cung cấp khác. Do đó, Warsaw hiện có thể dễ dàng mua được khí đốt trên thị trường giao qua đường ống tới Ðức và Cộng hòa Séc. Nước này cũng đang hướng tới Mỹ với thỏa thuận ký giữa PGNiG với hai công ty con của Venture Global LNG, dự kiến cung cấp cho Ba Lan tới 2,7 tỉ mét khối khí tự nhiên. Về phần Bulgaria, Hy Lạp vừa cho biết sẽ hỗ trợ một khi Nga cắt nguồn cung khí đốt cho nước này.
Về yếu tố khách quan, châu Âu đang bước vào mùa hè nên khí đốt ít thiết yếu hơn đối với các hộ gia đình. Bên cạnh đó, thỏa thuận giữa Gazprom với cả Ba Lan và Bulgaria dù sao cũng kết thúc vào cuối năm nay. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng cuộc chiến kinh tế với các lệnh trừng phạt của phương Tây và những màn trả đũa từ Nga đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đó, cảnh báo của Ðiện Kremlin rằng những quốc gia khác có thể bị nhắm tới tiếp theo sẽ khiến những thành viên Liên minh châu Âu (EU) còn lại lo ngại.
Theo trang tin DW, việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine khiến EU sẵn sàng hơn để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Mát-xcơ-va. Nhưng thay đổi căn bản sẽ tác động đến một số quốc gia nhiều hơn những thành viên còn lại, điển hình như Hungary. Thay vì đa dạng hóa hạ tầng cơ sở nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga như Ba Lan, Budapest ngày càng củng cố mối quan hệ năng lượng với Nga. Ðiều này có thể chia rẽ tính đoàn kết giữa Warsaw và Budapest, đặc biệt khi Hungary muốn coi kỹ đề xuất của EU về các biện pháp trừng phạt nhắm tới dầu khí của Nga trước khi quyết định có tuân theo hay ngăn chặn nỗ lực mở rộng cấm vận của khối.