27/03/2018 - 22:10

Phương Tây mở chiến dịch trục xuất “tình báo” Nga 

Trong cuộc đáp trả liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh, tính đến hôm qua 27-3 Mỹ và 22 quốc gia khác đã quyết định trục xuất tổng cộng hơn 130 nhân viên tình báo và nhà ngoại giao Nga.

Trong đó, Mỹ ra đòn mạnh nhất khi yêu cầu 60 người Nga bị cho là hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao rời khỏi nước này trong vòng 7 ngày tới cũng như buộc đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho rằng điều này giúp Mỹ an toàn hơn “bởi làm giảm khả năng gián điệp và thực hiện các hoạt động bí mật của Nga”. Các quốc gia khác, bao gồm Canada và mới nhất là Úc, cũng trục xuất các nhà ngoại giao của xứ bạch dương, tương tự như Anh đã làm sau khi đổ lỗi Nga giật dây vụ tấn công cha con cựu điệp viên Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh hồi đầu tháng. Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, Mát-xcơ-va  một mực phủ nhận dính líu đến vụ đầu độc trên. Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov dù khẳng định Mát-xcơ-va sẽ đáp trả mạnh mẽ việc Mỹ trục xuất nhà ngoại giao nước này, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Washington.

Tổng thống Putin đi thăm các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Siberia.  Ảnh: Reuters

Theo báo The New Yorker, đòn đánh “hội đồng” trên phát đi thông điệp cứng rắn rằng ông Putin không thể “bắt nạt” một quốc gia phương Tây mà không dẫn đến phản ứng rộng khắp từ tất cả các nước này. Ngoài ra, khác biệt lớn nhất trong cách phản ứng mới đối với Nga là sự đoàn kết của phương Tây, hiện mạnh mẽ hơn nhiều so với phản ứng trước đây sau khi Mát-xcơ-va bị cho can thiệp vào Đông Ukraine.

Điệp viên “giả danh” ngoại giao có từ lâu

Điều mà các quan chức Mỹ đưa ra hôm 26-3 cũng gây chú ý là hơn 100 điệp viên Nga hoạt động ở xứ cờ hoa đều dưới vỏ bọc các nhà ngoại giao. Như vậy sau khi “tiễn” 60 người Nga, hiện còn ít nhất 40 trường hợp vẫn còn tự do đi lại ở  Mỹ. Washington biết điều đó, nhưng tại sao không trục xuất họ? Lý do bởi vì đây là hoạt động gián điệp nhưng được quốc tế chấp nhận.

 Theo nhận định của Giám đốc Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington Christopher Costa, từ hàng trăm năm qua các đại sứ quán và cơ quan ngoại giao đã được sử dụng để do thám ở những quốc gia đối địch. Thậm chí khi bị phát hiện, các điệp viên này thường bị theo dõi hơn là trục xuất bởi điều đó giúp biết được đối tượng nào mà điệp viên đang tiếp xúc.

  THANH BÌNH  

         

 

                                                                                        

 

 

Chia sẻ bài viết