01/05/2013 - 20:50

Phục hồi và duy trì bền vững các khu bảo tồn biển

Khu bảo tồn biển là vùng biển đặc biệt được dành để bảo vệ và duy trì tính đa dạng sinh học, cũng như các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, được quản lý bằng pháp luật hoặc các phương thức hữu hiệu khác. Khu bảo tồn biển được phân loại thành 3 loại: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn loài, sinh cảnh và Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, trên toàn thế giới hiện nay đã thống kê được trên 1.306 khu bảo tồn thiên nhiên biển, phân bố trong 18 vùng địa sinh vật biển. Theo cách phân chia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới thì Việt Nam nằm trong vùng 13 - Vùng biển Đông Nam châu Á. Trong cách phân vùng này, vùng biển Việt Nam được đặt trong vùng C (cận nhiệt đới) kéo dài từ biển Nhật Bản tới biển Tây Indonesia.

Hiện trạng công tác bảo tồn biển Việt Nam

 Một góc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ảnh: T. HÀ

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì vùng biển nước ta có hệ động thực vật biển phong phú. Các thảm thực vật ngập mặn phủ trên những diện tích lớn ở ven biển, tạo thành những dải rừng lớn ở cửa sông Cửu Long và bán đảo Cà Mau. Các rạn san hô dạng viền bờ hoặc dạng đảo vòng rất phổ biến ở ven biển miền Trung. Những nơi như vịnh Hạ Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong có phong cảnh kỳ thú và giàu có về hải sản... Đây thực sự là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của một quốc gia biển như nước ta. Đó cũng chính là những di sản có giá trị lớn lao, không chỉ của nước ta mà còn của cả thế giới, cần được hết sức bảo vệ.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, hệ sinh thái biển đang có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng, đặc biệt là đối với các khu vực biển ven bờ. Sự suy giảm hệ sinh thái biển đã có những tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế đất nước cũng như nguồn sinh kế của cộng đồng ngư dân ven biển. Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái biển, song nguyên nhân chủ yếu là do khai thác quá mức, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và sự tàn phá các các loài thủy sản trong các khu vực này.

Để bảo vệ đa dạng sinh học nói chung và bảo vệ các hệ sinh thái biển nói riêng, cùng với cộng đồng quốc tế trong chiến lược toàn cầu, ngày 26-5-2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 742 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020, với mục tiêu cụ thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2010-2015: Hoàn thiện hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam; xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập và đưa vào hoạt động thêm 11 khu bảo tồn biển, đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch 5 khu bảo tồn biển đã đi vào hoạt động. Đến năm 2015, có ít nhất 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong các khu bảo tồn biển và khoảng 30% diện tích của từng khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt.

Giai đoạn 2016-2020: Tiến hành nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển; điều tra, khảo sát và thiết lập, đưa vào hoạt động một số khu bảo tồn biển mới; tổ chức giám sát các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, hệ sinh thái khu bảo tồn; phát triển mô hình quản lý cộng đồng cho cộng đồng dân cư tại địa phương và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển nhằm khai thác, sử dụng các khu bảo tồn biển hiệu quả tạo đà phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển.

San hô-nền tảng của bảo tồn biển

Việt Nam có khoảng 1.222km2 rạn san hô, được phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, với diện tích lớn nhất và tính đa dạng sinh học cao ở miền Trung và miền Nam. Tại Việt Nam có tới 90% các loài san hô cứng của vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương và là khu vực có nhiều loài san hô mềm thuộc giống Alcyonaria nhất trong vùng Tây Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các nghiên cứu về san hô đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn tại vùng Vịnh Nha Trang, Ninh Thuận và Côn Đảo, mỗi nơi có hơn 300 loài. Theo các nhà hải dương học, những rạn san hô chính là biểu hiện đầy đủ của hệ sinh thái ven biển, là nền, lá chắn cho hệ sinh thái ngoài khơi. Đây cũng là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài thủy sinh.

Song các nhà khoa học cũng cảnh báo san hô Việt Nam đang đứng trước nguy cơ biến mất do các hoạt động khai thác san hô làm đồ thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu cho các lò nung vôi, làm đầm nuôi tôm. Nguy hại nhất là cách khai thác san hô, đánh bắt thủy sản bằng mìn. Các nhà hải dương học cho biết, khi đã dính mìn thì rạn san hô nào cũng tan tành. San hô không chỉ mất đi do bị khai thác mà còn do ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, ở đâu có rong phủ, ở đó san hô không còn đất sống. Trên nền đá cứng dưới đáy biển, san hô và rong cạnh tranh quyết liệt để lấy chỗ bám sinh sống và phát triển. San hô suy thoái và bị tiêu diệt đồng nghĩa với các nguồn lợi thủy sinh bị suy giảm nghiêm trọng. Đó là chưa kể việc mất đi con đê chắn sóng tự nhiên mỗi khi gió bão hay sóng thần đánh vào bờ.

So sánh với tình trạng của các rạn san hô trong khu vực, mô hình tính toán mới nhất của các nhà khoa học cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ các rạn bị đe dọa nhiều nhất (cùng với Philippines, Trung Quốc, Đài Loan và Indonesia). Có 200 điểm rạn san hô được khảo sát ở vùng biển ven bờ Việt Nam đã đi đến kết luận, trong vòng 10 năm qua độ phủ của san hô bị suy giảm đáng kể. Vấn đề này đang ngày càng trở nên nhức nhối, nếu chúng ta không có các biện pháp giải quyết kịp thời thì nguy cơ về sự biến mất hoàn toàn của những dải san hô xinh đẹp sẽ là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, để môi trường biển được phục hồi, duy trì bền vững tại khu bảo tồn biển, Việt Nam cần tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên môi trường biển nói riêng. Nhất là tăng cường sự tham gia của người dân vào các kế hoạch quản lý, phục hồi nguồn tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời triển khai và nhân rộng các mô hình chuyển đổi ngành nghề cho các nhóm đối tượng là hộ nghèo, đang sống quá lệ thuộc vào nguồn tài nguyên môi trường biển. Mặt khác chuyển đổi tư duy khai thác nguồn lợi thủy sản rạn san hô từ khái niệm "đánh bắt" sang khái niệm "ngắm nhìn", thông qua các hoạt động du lịch, giải trí từ các dự án đầu tư du lịch, nghỉ dưỡng đang được thực hiện ngày càng nhiều trên địa bàn những địa phương có biển hiện nay.

DƯ VĂN TOÁN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết