13/10/2021 - 20:20

Phục hồi kinh tế gắn với công thức “5K, vaccine, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác” 

(CT) - Chiều 13-10, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; cùng đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo trực tuyến về “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN

Tại điểm cầu TP Cần Thơ, đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Ðoàn ÐBQH TP Cần Thơ; đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, cùng chủ trì tham dự.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam cần xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới. Về quan điểm, định hướng, mục tiêu, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 trên cơ sở “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19”, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm. Nhanh chóng khắc phục khó khăn của nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực, trong đó có đầu tư công; phát triển các đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm, ngành, lĩnh vực động lực tăng trưởng, bao gồm cả các động lực tăng trưởng mới. Góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; nâng cao an sinh, phúc lợi xã hội, chất lượng y tế, sức khỏe tinh thần cho người dân, người lao động.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chương trình phục hồi kinh tế phải xác định công thức “5K, vaccine, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác”. Các giải pháp thực hiện phải rất linh hoạt. Phải nâng cao năng lực y tế từ Trung ương đến địa phương, nhất là năng lực y tế cấp cơ sở để người dân tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất. Chuyển từ quản lý “zero COVID-19” sang quản lý rủi ro, không để hệ thống y tế quá tải. Công tác lãnh đạo phải tập trung thống nhất, tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình, phân cấp phân quyền nhưng phải đảm bảo tăng cường nguồn lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, gắn với giám sát kiểm tra.

Thủ tướng chỉ đạo phải giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn vì vẫn còn dư địa, điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa hợp lý, phù hợp, nhưng không được chủ quan. Khôi phục doanh nghiệp, tăng tổng cung, tổng cầu, nối lại thị trường lao động, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thúc đẩy các FTA. Chính phủ và các địa phương tiếp tục cùng doanh nghiệp bàn bạc tìm giải pháp khôi phục kinh tế trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Cần tập trung vấn đề an sinh xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cả về tinh thần và vật chất, không để ai phải thiếu ăn thiếu mặc. Phải giữ vững kiểm soát ổn định chính trị, an toàn trật tự xã hội, phải đảm bảo an ninh, an toàn và an dân. Phải nhận định đây là cơ hội để quản lý sự thay đổi, biến nguy thành cơ, vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết