Nếu đi đường Quốc lộ 1, Phú Yên chỉ thoáng qua là xong. Nhưng đi dọc theo bờ biển, du khách sẽ hoàn toàn thay đổi suy nghĩ về vùng đất vốn không có nhiều địa danh nằm trên bản đồ du lịch này.
Chia tay thành phố biển Nha Trang trong nắng sớm, chúng tôi trực chỉ theo hướng Bắc để đến Đại Lãnh trước khi lên đèo Cả - một con đèo khúc khuỷu, nguy hiểm bậc nhất trên tuyến duyên hải Miền Trung. Giữa đường trên đèo Cả, chúng tôi rẽ sang Quốc lộ 29, vi vu con đường dọc biển để đến Tuy Hòa.
 |
Tháp Nhạn Phú Yên. |
Vừa rẽ vào vịnh Vũng Rô, du khách đã bị mê hoặc bởi nước biển trong vắt và những bờ cát mịn màng. Dọc đường là những làng chài hiền hòa. Sau khoảng một giờ dừng chân lại khu di tích Đoàn tàu không số trên đường đi, chúng tôi men theo con đường nhựa phẳng phiu băng rừng ra mũi Điện. Con đường này chạy thẳng chưa đầy năm mươi cây số sẽ đến thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Khi đến mũi Điện, dự định ban đầu chỉ là ra mũi chụp ảnh cực Đông để “ghi điểm” rồi tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, mũi đất như níu chân người. Một ngọn núi thấp như cánh tay của dãy Trường Sơn vươn ra biển tạo thành mũi đất nhô ra xa, trở thành điểm đầu tiên trên đất liền đón bình minh sớm nhất. Hiện nay, Mũi Đôi của tỉnh Khánh Hòa mới được cộng đồng phượt công nhận là cực Đông vì ra xa hơn cả mũi Điện. Tuy nhiên, trên sách vở, mũi Điện vẫn được xem là cực Đông. Đó là ngọn núi với những vách đá đứng sững đầy hiểm trở; có đặt một tấm bia, ghi lại tọa độ và đánh dấu vị trí đất liền xa nhất về hướng đông. Trên đỉnh cao nhất của mũi đất này là ngọn hải đăng 125 năm tuổi uy nghi và vững chãi. Đứng ở đỉnh hải đăng- cao 110 mét so với mực nước biển- du khách sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh tuyệt đẹp. Bãi Môn nước trong vắt. Phía bên kia là con đường uốn lượn theo triền núi dọc biển chạy dài ngút ngàn như thách thức.
Thay vì trở lại các bậc thang xuống núi, chúng tôi lại đi theo tiếng gọi của sóng biển xuống Bãi Môn bằng một lối tắt khi vừa ra khỏi hải đăng vài chục bậc thang. Đây cũng là lối đi đầu tiên của người Pháp hơn một thế kỷ trước khi xây dựng ngọn hải đăng. Trời nắng chang chang, nước biển xanh càng hấp dẫn. Do nằm xa khu dân cư, bãi biển sạch và hoang sơ, trên bãi cát mịn màng chỉ có vỏ sò. Từ mũi Điện đến Tuy Hòa không xa nhưng cảnh đẹp cứ níu chân khiến hành trình chậm lại. Từ phía bên này nhìn sang bên kia núi, những cung đường quyến rũ, khiến du khách cảm thấy nao lòng. Núi ôm biển và biển vờn đá núi thật hữu tình. Con đường biển khép lại khi chúng tôi còn cách Tuy Hòa chưa đầy hai mươi cây số.
Dự tính chỉ lướt qua Tuy Hòa trên đại lộ Hùng Vương nhưng chợt thấy tháp Nhạn, cả đoàn quyết định ghé tham quan. Tháp Nhạn là ngọn tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, mặt hướng ra biển. Vị trí này ngắm thành phố tuyệt đẹp, trải dài đến tận biển. Bên dưới chân núi là con sông Đà Rằng lượn lờ nối tiếp con sông Ba xứ Thượng trước khi đổ ra biển. Sông cắt ngang thành phố từ Tây sang Đông tạo phong cảnh thi vị khi đứng từ trên cao nhìn xuống. Cảnh đẹp, biển đẹp, thức ăn ngon giữ chân chúng tôi lại Tuy Hòa một đêm thay vì chỉ lướt qua.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục chinh phục con đường ven biển qua những bãi biển đẹp dẫn đến nhà thờ Mằng Lăng trước khi trở lại hướng đông ghé gành Đá Dĩa. Rồi từ đây lại vòng đường ven biển dọc theo vịnh Xuân Đài đến thị xã Sông Cầu. Để đi hết phần còn lại của vịnh biển tuyệt đẹp được công nhận là danh thắng quốc gia này, chúng tôi lại bỏ con đường lên đèo Cù Mông mà rẽ vào một nhánh đường nhỏ ra hướng Đông đi Vũng Me, Vũng La rồi ghé vào Bãi Ôm trước khi trở ra đi hết bãi biển Từ Nham kết thúc vịnh Xuân Đài từ Nam ra Bắc.
Một lần ghé Phú Yên, du khách sẽ muốn trở lại thêm vài lần nữa để thêm nhiều trải nghiệm thú vị với phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây!
Thanh Nhàn